Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng

Lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã sản xuất, kinh doanh các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, làm giả, làm nhái các thương hiệu có tiếng, để lưu thông trên thị trường Hà Nội.

Lực lượng chức năng thu giữ các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại ngõ 9, phố Hoàng Cầu (Ðống Ða). Ảnh: LÊ TRUNG ANH
Lực lượng chức năng thu giữ các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại ngõ 9, phố Hoàng Cầu (Ðống Ða). Ảnh: LÊ TRUNG ANH

Đầu tháng 5-2018, Ðoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCÐ 389) TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại phố Hoàng Cầu (quận Ðống Ða). Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được pha chế, sản xuất, đóng gói thủ công ngay trên nền nhà, với nguyên liệu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở này thừa nhận đã đặt mua nguyên liệu trôi nổi qua in-tơ-nét, rồi thuê người dùng xi-lanh bơm nguyên liệu vào các chai lọ, đóng gói, dán tem nhãn bao bì với các tên hiệu như Nhà thuốc đông y gia truyền Ngọc Sơn Ðường, Nguyệt Tâm Ðường... Không chỉ các loại kem bôi mặt, cơ sở này còn pha chế nhiều dòng sản phẩm như sữa rửa mặt, tinh chất collagen, thuốc xương khớp... Sau đó lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội, rao bán trên mạng, khi có đơn đặt hàng sẽ chuyển phát đi khắp các tỉnh, thành phố. Mỗi sản phẩm bán ra thị trường có giá dao động từ 200 đến 300 nghìn đồng/sản phẩm. Tất cả đều được làm thủ công từ các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

Trước đó, giữa tháng 4-2018, lực lượng Quản lý thị trường và Công an quận Hoàng Mai đã kiểm tra cơ sở kinh doanh đông dược tại số 125 phố Nguyễn Ðức Cảnh (quận Hoàng Mai), phát hiện gần 2.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng minh xuất xứ. Trong đó chủ yếu là các loại si-rô hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ em, tinh dầu gấc, thuốc giảm mỡ bụng... Ðội Cảnh sát môi trường Công an quận Ðống Ða và Ðội quản lý thị trường số 1 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và đầu tư phát triển Minh Tâm, tại 47 phố Vũ Ngọc Phan phát hiện gần hai tấn thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đề xuất xứ Mỹ, nhưng không có hóa đơn, giấy tờ, chứng minh hoạt động nhập khẩu của công ty. Ðáng lưu ý, trong số đó có hơn 5.000 sản phẩm là dầu cá, collagen, Glucosamine… tổng trọng lượng khoảng một tấn đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán.

Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Ðức cho biết: Nhóm hàng được làm giả nhiều nhất trong thời gian gần đây gồm có: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho người… Các đối tượng thường in lậu tem nhãn, bao bì để giả nhãn hiệu nổi tiếng hoặc làm theo đơn đặt hàng. Ðối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất, các đối tượng thường đặt sản xuất ở Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái-lan... sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Ðối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước. Thậm chí, các đối tượng có thủ đoạn tinh vi hơn, như vẫn đăng ký xin phép lưu hành đối với một lô sản phẩm nhập khẩu đầu tiên, sau đó đặt hàng sản xuất tại nước ngoài với chất lượng thấp, giá thành rẻ hơn, sử dụng giấy phép lưu hành được cấp trước đó để tiêu thụ lượng hàng này. Nhiều đối tượng không bày bán công khai sản phẩm mà lưu tại các kho hàng, nhà riêng rồi rao bán trên mạng, ai mua thì gửi qua chuyển phát nhanh, cho nên việc kiểm soát của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái nói chung và các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán trên thị trường là do các quy định và chế tài xử lý còn chưa chặt chẽ, thiếu sức răn đe. Ðơn cử, với số lượng hàng hóa trị giá hơn 100 triệu đồng có vi phạm về ghi nhãn mác chỉ phải chịu mức phạt từ 7 đến 10 triệu đồng. Hơn nữa, theo cơ chế chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", doanh nghiệp tự công bố, đăng ký với cơ quan nhà nước về chất lượng sản phẩm, không vi phạm vào các thành phần cấm sản xuất thì được đưa sản phẩm ra thị trường, cho nên không tránh khỏi việc nhiều đối tượng cố tình làm giả hàng hóa, nhất là với mặt hàng có lợi nhuận cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Ðức cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan pháp luật thì cần cả vai trò của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Khi bị làm giả sản phẩm, nhái thương hiệu, doanh nghiệp cần chủ động gửi đơn khiếu nại, phản ánh đến các cơ quan thực thi, cảnh báo người tiêu dùng. Ðối với người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả. Bên cạnh đó, mức độ xử phạt cũng cần được xem xét lại sao cho phù hợp thực tế. Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 185/2013 NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Hy vọng sau những sửa đổi này, hành lang pháp lý và chế tài xử phạt trong lĩnh vực này sẽ phù hợp thực tế, đủ sức răn đe hơn.