Cần có lộ trình trong việc cấm dạy thêm, học thêm

Dạy thêm, học thêm có thật sự cần thiết và chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trong trường học của TP Hồ Chí Minh đã phù hợp chưa? Để nắm rõ thực trạng và nhu cầu này, mới đây Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát ở địa bàn quận 1, quận 3 và quận Gò Vấp.

Học sinh Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học nhóm.
Học sinh Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) trong giờ học nhóm.

Tại buổi khảo sát ở quận 1, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nêu vấn đề dư luận quan tâm: “Mỗi lần lãnh đạo thành phố gặp gỡ các cháu thiếu nhi, các em đều than phải học thêm nhiều, mệt lắm và không còn thời gian vui chơi giải trí”. Thế nhưng, theo lý giải của nhiều hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh thì học thêm, dạy thêm là một nhu cầu có thực và cần thiết. Bởi nhu cầu tìm tòi học hỏi, nâng cao trình độ năng lực ngoài chương trình trong nhà trường là chính đáng.

Hơn nữa, muốn vào các trường THPT có tên tuổi, có thương hiệu và đậu đại học thì không thể không học thêm… Cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1) khẳng định: “Con tôi cũng phải đi học thêm. Học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh, trong đó ở bậc THCS thì ai cũng muốn con mình thi đậu vào lớp 10 công lập và lên bậc THPT thì phải đậu đại học. Hơn nữa, chương trình THCS rất nặng, đặc biệt là lớp 9…”.

Theo một số hiệu trưởng trường tiểu học, dạy thêm trong trường tiểu học còn là giữ trẻ, chứ không phải đơn thuần chỉ là dạy thêm. Vì 100% số học sinh đã học hai buổi/ngày, nên theo quy định không được tổ chức dạy thêm trong trường. Tuy nhiên, đa số phụ huynh không thể đón con lúc tan học, cho nên các trường phải mở thêm các hoạt động ngoại khóa, như hội nhóm, thể dục thể thao, năng khiếu… để đáp ứng nhu cầu. Những em nào không muốn tham gia các hoạt động này thì được tổ chức ôn tập kiến thức đã học, làm bài tập.

Cũng theo các đại biểu, thu nhập và phụ cấp của giáo viên hiện nay thấp, nên dạy thêm là cách cải thiện thu nhập một cách chính đáng của giáo viên. Thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) đặt vấn đề: “Tại sao bác sĩ được phép mở phòng mạch, ca sĩ được chạy sô, còn giáo viên không được dạy thêm?”. Theo nhiều đại biểu, chủ trương cấm dạy thêm đang khiến nhiều giáo viên buồn và nhà trường tâm tư, trăn trở, vì không thể quản lý được giáo viên. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 Phạm Hùng Dũng cho rằng, nếu cấm dạy thêm trong trường thì giáo viên sẽ ra ngoài trung tâm dạy. Như thế họ phải “làm thuê” cho các trung tâm.

Phân tích hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn phát triển công khai ở các địa bàn, nhiều đại biểu cho rằng, dù TP Hồ Chí Minh có lệnh cấm nhưng nếu không có biện pháp quản lý phù hợp sẽ nảy sinh nhiều bất cập, hệ lụy khó lường. Phó Bí thư Quận ủy Bình Tân Nguyễn Trần Phượng Trân cảnh báo: “Nếu chúng ta cấm mà chưa có giải pháp căn cơ về chương trình, cách thi cử thì coi chừng sẽ có nhiều hình thức biến tướng về dạy thêm, học thêm”.

Tuy chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh về cấm tổ chức dạy thêm trong trường học từ năm học mới 2016-2017, nhưng nhiều ý kiến đề nghị HĐND TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu thêm để quản lý hoạt động này hiệu quả, quy củ. Cụ thể, thành phố cần có lộ trình cấm dạy thêm, học thêm và trước mắt nên cho phép các trường tổ chức dạy thêm, học thêm theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 Lê Thị Bình, tổ chức dạy thêm trong nhà trường có nhiều thuận lợi là lịch học và phòng học cố định, thuận tiện cho việc đưa đón học sinh của phụ huynh, bảo đảm an toàn. Hơn nữa, nhà trường quản lý theo dõi sát chương trình, nội dung và thu học phí theo khung quy định nên rẻ hơn học bên ngoài.

Lắng nghe và chia sẻ các ý kiến của đại biểu, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị các trường, giáo viên chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố về vấn đề này. Cũng theo bà, để hạn chế việc dạy thêm, học thêm cần giảm tải chương trình, áp lực học hành cho học sinh. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho thành phố tự biên soạn bộ sách giáo khoa riêng phù hợp với đặc thù, được tự công nhận xét tốt nghiệp THPT, sẽ là cơ sở để giảm tải việc học cho học sinh.

Đáng chú ý, để giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm, ngoài xem xét lại chương trình, thi cử, bệnh thành tích (nặng thi đua khen thưởng) như hiện nay, TP Hồ Chí Minh còn phải quan tâm đến thu nhập đủ sống cho giáo viên để họ yên tâm đứng lớp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bà Nhung cho biết, sắp tới, đoàn sẽ làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo thành phố để lắng nghe, trao đổi lại về quy định dạy thêm, học thêm. Nếu cần sẽ điều chỉnh và có lộ trình thực hiện phù hợp theo từng bước, chứ không thể cấm ngay được. Để làm tốt nhiệm vụ “trồng người”, các trường cần nâng cao hơn chất lượng giảng dạy, quan tâm bồi dưỡng học sinh có học lực yếu…