Trước đó, từ ngày 9/5, các ô-tô chở rác không thể tiếp cận bãi Đông Nam, bãi rác lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, nơi được quy hoạch tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố Thanh Hóa và một số huyện lân cận. Nguyên nhân là do người dân xã Đông Nam dựng lều phản đối tình trạng ô nhiễm mùi đã kéo dài suốt 11 năm, ngày càng trầm trọng đến mức không thể chịu đựng nổi.
Không hẳn như một số thông tin cho rằng thành phố Thanh Hóa “ngập ngụa rác”, tại nhiều phường trung tâm, rác vẫn được thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết tạm. Chỉ là chúng không còn được đưa đi khỏi thành phố như thường lệ.
“Chúng tôi vẫn làm hằng ngày, chỉ là rác dồn lại, không chuyển ra bãi được”, chị Lê Hòa, công nhân vệ sinh môi trường chia sẻ. Các xe gom nhỏ đã đầy ắp, tuy chưa tràn ra đường, nhưng nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ ùn ứ diện rộng là hoàn toàn có thật.
Sáng 13/5, lực lượng chức năng bắt đầu chuyển rác đi xử lý tại nhà máy ở thị xã Nghi Sơn, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 50km. Đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết, mỗi chuyến xe mất khoảng 5 tiếng cả đi lẫn về. “Chúng tôi đang huy động tối đa phương tiện, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế”, vị này thừa nhận.
![]() |
Bãi xử lý rác Đông Nam. |
Theo người dân xã Đông Nam, bức xúc của bà con không chỉ bắt đầu từ khi nhà máy đi vào vận hành đầu năm nay, mà là hậu quả của một quá trình tích tụ nhiều năm, với nhiều thay đổi trong những lần “họ nói với chúng tôi” về phương án xử lý rác.
“Ban đầu họ bảo xử lý bằng công nghệ đốt. Sau lại chuyển sang chôn lấp. Thôi thì chôn lấp cũng được, nhưng cam kết là cứ cao 2m thì phủ bạt, lấp đất, trồng cây để hạn chế mùi. Giờ thì rác chất cao như núi, có chỗ cả chục mét, mà đất với cây thì chẳng thấy đâu!”, bà Trần Thị Hợp, sống gần bãi rác, bức xúc nói.
![]() |
Bà Trần Thị Hợp bức xúc vì mùi hôi từ bãi xử lý rác. |
Người dân tại hai thôn Hạnh Phúc Đoàn và Sơn Lương kể lại, có nhiều hôm mùi hôi nồng nặc bốc lên cả ngày lẫn đêm, đặc biệt khi trời nổi gió. “Tối đến là mùi xộc vào nhà. Không ai dám mở cửa. Nhiều nhà phải đưa con nhỏ đi ở nhờ. Quanh đây nhiều người bị bệnh đường hô hấp, ung thư cũng có 2 trường hợp rồi,” ông Lê Ngọc Thủy cho biết.
Điều gây bức xúc hơn cả là cảm giác những cam kết đã đưa ra lại không được thực hiện. “Chúng tôi đâu đòi hỏi gì nhiều. Chỉ cần nhà máy làm như họ đã hứa. Lần đối thoại trước đã thất bại vì không đưa ra cam kết rõ ràng. Dân chúng tôi cần giấy trắng mực đen, rằng nhà máy bảo đảm không gây ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi”, bà Ngô Thị Tấn nói.
Nhân dân không phủ nhận nhu cầu xử lý rác của thành phố. Nhưng họ cho rằng điều đó không thể đánh đổi bằng sức khỏe và sự im lặng của cộng đồng chung quanh. “Rác là của cả thành phố, nhưng mùi thì chỉ chúng tôi gánh. Nếu không xử lý được mùi thì dẹp bãi rác này đi, hoặc bố trí cho chúng tôi đi nơi khác sinh sống,” ông Lương Văn Bạo phát biểu trong buổi đối thoại ngày 13/5, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, cơ quan chức năng và hơn 100 người dân.
Trước những phản ứng gay gắt như vậy, đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thừa nhận: bãi rác Đông Nam đang quá tải nặng nề. Dù thiết kế chỉ để xử lý 240-250 tấn mỗi ngày, thực tế con số đã vượt 400 tấn. Việc vận chuyển rác cũng đang tồn tại bất cập, như tình trạng nước rác rò rỉ từ xe chuyên dụng - điều mà công ty cam kết sẽ khắc phục triệt để trong thời gian tới.
![]() |
Người dân hai thôn Hạnh Phúc Đoàn và Sơn Lương tại buổi đối thoại. |
Ông Vũ Thành Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech - đơn vị đồng vận hành bãi rác - cho biết, đang cải tiến dây chuyền xử lý để hạn chế mùi hôi.
“Chúng tôi cam kết sau 4 tháng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng phát tán mùi. Đồng thời, công ty mong muốn hỗ trợ toàn bộ bảo hiểm y tế cho người dân hai thôn lân cận”, ông nói.
Nhưng sau nhiều năm sống chung với ruồi và mùi, người dân có phần nhạy cảm với những lời hứa. “Lần nào cũng kiểm tra, rồi cũng vậy. Mùi vẫn hôi, ruồi thì quá nhiều. Chúng tôi là dân làm nông, chẳng biết đấu lý với ai, chỉ biết đặt niềm tin. Mong lần này đừng làm chúng tôi thất vọng nữa”, anh Nguyễn Văn Tới nói với giọng chua chát.
Chôn lấp vẫn là hình thức xử lý rác phổ biến ở nhiều đô thị Việt Nam hiện nay, khi các công nghệ tiên tiến như đốt phát điện hay xử lý sinh học còn xa vời vì chi phí cao. Nhưng dù bằng công nghệ nào, người dân có quyền được biết đầy đủ và trung thực về những gì sẽ diễn ra chung quanh họ. Và hơn hết, những gì đã hứa cần phải được thực hiện.
Buổi đối thoại chiều 13/5 có thể là một khởi đầu tích cực. Nhưng để lấy lại niềm tin đã có phần hao mòn theo thời gian, cần nhiều hơn một cuộc họp. Đó phải là những thay đổi có thể nhìn thấy được: từ mùi rác giảm đi đáng kể, đến những bóng mát cây xanh mọc lên tỉ lệ thuận với từng khối rác sẽ dần biến mất khỏi Đông Nam.