Với quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn thì nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống đê điều cũng cần được nâng lên một tầm cao mới.
Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, tu bổ hệ thống đê điều
Để bảo đảm an toàn và khả năng chống lũ, bão cho các tuyến đê, nhất là trong mùa mưa bão năm 2025, các địa phương đã và đang chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo các phương án hộ đê; thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác theo quy định để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều; tổ chức kiểm tra, đánh giá để tu sửa kịp thời các hư hỏng của đê điều sau mỗi đợt lũ, bão.
Trưởng phòng Quản lý đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Trần Công Tuyên cho biết, về lâu dài, cần thực hiện đồng bộ hai nhóm giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, giải pháp công trình cần ưu tiên đầu tư củng cố, nâng cấp đê điều theo quy hoạch và tiêu chuẩn thiết kế; dần xóa các trọng điểm đê điều, các vị trí đê điều xung yếu; đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ trước mắt cũng như lâu dài. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều như lấn chiếm thân đê, hành lang bảo vệ đê, không gian chứa lũ, thoát lũ; sử dụng xe quá tải đi trên đê gây mất an toàn đê...

Xây dựng hệ thống đê điều thích ứng với biến đổi khí hậu
Giải pháp phi công trình cũng cần được chú trọng như tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xây dựng và quản lý đê điều. Thêm vào đó cần tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trịxã hội để tham gia, phối hợp tham gia công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê. Mặt khác đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống lũ để cùng với hệ thống đê điều, bảo đảm an toàn chống lũ theo thiết kế.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa: Tại thời điểm này có khoảng 11km đê tả, hữu Lèn đê tả, hữu Lèn thuộc các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc đang thi công xây lắp, bảo đảm cao trình chống lũ đạt 9,5/11km, tường chắn sóng đạt khoảng 6/9 km, đổ bê-tông mặt đê đạt khoảng 4km.
Tuy nhiên, hiện vật tư, vật liệu như đá, cát khan hiếm, giá bán tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu. Thêm nữa còn khoảng 700m tuyến đê hữu sông Lèn, thuộc địa phận các xã Cầu Lộc, Quang Lộc, huyện Hậu Lộc chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Ban Quản lý dự án nông nghiệp đang phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Hậu Lộc thực hiện các thủ tục đền bù, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công theo tiến độ kế hoạch.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác tu bổ, xử lý vi phạm đê điều trên địa bàn, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hải Dương Đỗ Tiến Bậc cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 19 tuyến đê, với tổng chiều dài 373,286km, có 86 kè, 276 cống dưới đê. Do kinh phí đầu tư hằng năm còn hạn chế nên hệ thống công trình đê điều tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều vị trí xung yếu chưa bảo đảm an toàn với mực nước lũ thiết kế; nhiều tuyến đê mặt cắt chưa hoàn chỉnh, giao thông chống lụt trên mặt đê còn gặp nhiều khó khăn; một số tuyến kè, vị trí bãi sông đang có diễn biến sạt lở, xô tụt mái đá, bãi sông bị sạt lở mạnh uy hiếp an toàn công trình đê điều; một số cống dưới đê được xây dựng từ lâu, cống ngắn và mang cống dốc đứng, cống bị quá tải, nhiều cống bị hư hỏng phải tu sửa nối dài, chắp vá nhiều lần, khả năng chống lũ giảm nhiều khi gặp lũ cao.
Cần giải pháp đổi mới, mang tính đột phá
Do tác động của biến đổi khí hậu, những cơn bão mạnh bất thường giờ đã trở nên bình thường và xuất hiện với tần suất ngày càng lớn. Dự báo, những cơn bão mạnh như Yagi (năm 2024) sẽ tiếp tục xảy ra, nguy cơ xuất hiện mưa bão, lũ lớn, lũ đặc biệt lớn hoàn toàn hiện hữu, thậm chí xuất hiện bão, lũ vượt tần suất thiết kế.
Trưởng phòng Quản lý đê điều Trần Công Tuyên cho biết, hiện nay, các tuyến đê biển được nâng cấp theo Chương trình nâng cấp đê biển mới chỉ được thiết kế bảo đảm chống bão cấp 9-10, triều trung bình 5%. Đặc biệt là hệ thống đê từ cấp III trở lên hiện nay còn tồn tại khoảng 300 trọng điểm xung yếu; 269,7km đê thiếu cao trình; 298,8km đê mảnh, nhỏ; 184,6km đê xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 354 cống và 223,1km kè hư hỏng,... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra bão, lũ lớn, bất thường.
Nhận định mùa mưa, bão, lũ năm nay sẽ diễn biến bất thường, ông Đoàn Văn Ban, Phó Chi cục trưởng Quản lý tài nguyên nước và Phòng chống thiên tai Hải Phòng cho biết: Chúng tôi đang đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc nâng cao năng lực trữ nước của các công trình đầu mối, cải tạo các tuyến kênh trục chính thành hồ chứa và nghiên cứu chuyển hướng khai thác nước ngọt từ khu vực phía bắc về phía nam thành phố.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cũng đã đề xuất thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng các cống dưới đê xung yếu với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2026. Dự án sẽ tập trung vào các địa phương có hệ thống cống xuống cấp trầm trọng, ưu tiên xử lý các vị trí kém an toàn, xung yếu để bảo đảm an toàn đê điều, chủ động ứng phó với thiên tai, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Mùa mưa, bão, lũ năm 2025 đã đến, với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, với tinh thần khắc phục khó khăn, chắc chắn rằng thiệt hại do thiên tai năm nay sẽ được giảm đến mức thấp nhất.