Những bước tiến này không chỉ giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục phiền hà, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành y tế địa phương với nền y tế thông minh, hiện đại, thân thiện và minh bạch hơn bao giờ hết.
Những bước tiến mang tính đột phá
Chuyển đổi số đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Tại An Giang, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Y tế, ngành y tế đã tích cực triển khai kế hoạch số hóa toàn diện hồ sơ bệnh án, từng bước hoàn thiện hệ thống bệnh án điện tử. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Nhờ triển khai quyết liệt, đến nay quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế An Giang đã đạt nhiều kết quả nổi bật. 100% cơ sở khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế đã triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip trong quy trình khám, chữa bệnh, giúp liên thông thông tin nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ việc chuyển tuyến thuận lợi cho người bệnh. Toàn bộ đơn vị đủ điều kiện đã kết nối liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, chứng sinh, chứng tử qua hạ tầng bảo hiểm y tế.
![]() |
Toàn tỉnh có 189/189 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được cấp mã liên thông dữ liệu và cấu hình phần mềm HIS (hệ thống thông tin bệnh viện) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo 100% dữ liệu phát sinh được liên thông với sổ sức khỏe điện tử trên VNeID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia).
Hệ thống dữ liệu y tế được kết nối liên thông với Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và các trung tâm điều phối dữ liệu y tế quốc gia. Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã thực hiện thành công hơn 5.000 ca chuyển tuyến.
Tỉnh cũng đã hoàn tất việc nhập dữ liệu khám, chữa bệnh năm 2025 của người dân lên hệ thống điều phối dữ liệu y tế của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an. Nhiều bệnh viện và trung tâm y tế đang dần thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử, giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian chờ đợi và nâng cao chất lượng chăm sóc.
![]() |
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cũng được triển khai rộng rãi, tạo thuận lợi và minh bạch trong chi trả, được người dân đánh giá cao. Chị Nguyễn Thị Hoa, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (Châu Đốc), chia sẻ: “Tôi thấy rất thuận tiện khi không phải xếp hàng chờ đóng tiền viện phí mà có thể thanh toán qua điện thoại ngay sau khi khám xong. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ điện tử cũng giúp bác sĩ nắm bắt chính xác tình trạng sức khỏe của tôi hơn”.
Là đơn vị tuyến tỉnh được lựa chọn thí điểm liên thông dữ liệu với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang đã đạt kết quả nổi bật, khi đến cuối tháng 4 năm 2025 đã liên thông thành công 24.756 hồ sơ bệnh án. Ngoài ra, bệnh viện đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng công nghệ với các hệ thống hiện đại như: hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y học (PACS/RIS), mã phản hồi nhanh (QR), ứng dụng di động phục vụ người bệnh và số hóa 100% phiếu y.
Đáng chú ý, toàn bộ bệnh án điện tử được lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), giúp bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn và minh bạch trong quản lý dữ liệu y tế. Thành công này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của đơn vị trong chuyển đổi số, mà còn tạo nền tảng quan trọng cho việc kết nối dữ liệu y tế liên tuyến, liên ngành
![]() |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Phước Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, khẳng định: “Chúng tôi xác định công nghệ thông tin là nền tảng đổi mới bệnh viện. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống, đẩy mạnh đào tạo và mở rộng kết nối liên thông để phục vụ người bệnh tốt hơn”.
Tại tuyến cơ sở, Trung tâm Y tế thị xã Tịnh Biên, Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên là những điểm sáng về số hoá trong y tế. Tại đây, nhờ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá các thủ tục khám, chữa bệnh, nên thời gian tiếp nhận người bệnh giảm xuống dưới 25 giây mỗi lượt; với mã QR đã giúp người dân tra cứu kết quả xét nghiệm trực tiếp trên điện thoại, nâng cao trải nghiệm điều trị.
Hướng tới nền y tế thông minh - vì dân
Việc triển khai chữ ký số trong ngành y tế An Giang đang được đẩy mạnh nhằm bảo đảm tính pháp lý, an toàn và hiệu quả cho các giao dịch điện tử, nhất là trong các nghiệp vụ chuyên môn như kê đơn, trả kết quả xét nghiệm, ký bảng kê viện phí. Nhiều đơn vị đã hoàn tất việc cấp chữ ký số cho cán bộ, bác sĩ, qua đó rút ngắn thời gian xử lý, giảm sai sót và thuận lợi trong liên thông dữ liệu, giám định bảo hiểm y tế.
Song song đó, hệ thống phần mềm quản lý y tế tích hợp HIS, hệ thống xét nghiệm và lưu trữ hình ảnh y học đang được vận hành đồng bộ, giúp kiểm soát toàn diện thông tin hồ sơ từ tiếp nhận đến điều trị. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và năng lực điều trị tại các tuyến.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi số ngành y tế An Giang vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Công tác đồng bộ và xác thực dữ liệu căn cước công dân mức độ 2 còn chưa hoàn chỉnh; một bộ phận người dân còn gặp khó khăn khi tiếp cận các tiện ích số. Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật đôi khi xảy ra lỗi cục bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của người dân.
![]() |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Chuyển đổi số y tế là một quá trình tổng thể và liên tục, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ hạ tầng kỹ thuật đến con người. Chúng tôi xác định đào tạo nâng cao năng lực công nghệ cho cán bộ y tế là nhiệm vụ then chốt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng dịch vụ số. Ngành cũng tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp để hoàn thiện kỹ thuật, mở rộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cấp các tiện ích điện tử, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền y tế thông minh, lấy người dân làm trung tâm”.
Xác định, chuyển đổi số không chỉ là một bước đi chiến lược, mà còn là nền tảng bền vững để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước xây dựng nền y tế hiện đại, thông minh, phục vụ hiệu quả sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo đó, ngành y tế An Giang đặt mục tiêu và quyết tâm hoàn tất số hóa hồ sơ bệnh án trước ngày 30/6/2025; vận hành đồng bộ bệnh án điện tử tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế trước ngày 30/9/2025.
Trong quý II năm nay, tỉnh sẽ triển khai kết nối thử nghiệm hệ thống điều phối dữ liệu y tế với Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm liên thông thông suốt từ tuyến xã đến tuyến tỉnh và Trung ương.