Bài báo viết: Việt Nam duy trì một sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển nhanh chóng kể từ năm 2000, với tỷ lệ GDP tăng trung bình mỗi năm từ 7% - 8% và xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tiếp tục tới năm 2010.
Hai thập kỷ trôi qua kể từ khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, TP Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại phía nam đã có những thay đổi đáng kể. Các toà nhà cao tầng, hiện đại mọc lên làm thay đổi bộ mặt thành phố, khiến từ một góc độ nào đó, nó có dáng dấp tương tự những thành phố hiện đại khác ở châu Á như Hồng Công, Băng-cốc… Sự hiện diện của các cửa hàng thời trang, các nhà hàng cho thấy việc mở cửa và chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam đối với khách du lịch nước ngoài và điều đó có nghĩa là cơ hội kinh doanh đang rộng mở.
Khu phố cổ Hà Nội vẫn bảo tồn lối kiến trúc xưa kia, tuy nhiên, thành phố thủ đô này đã được mở rộng tương ứng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua. Sân bay quốc tế Nội Bài dường như không còn xa với trung tâm Hà Nội do tuyến đường cao tốc mới tạo cho du khách một hành trình nhanh chóng và êm ái, trong khi thành phố tiếp tục được mở rộng, vượt qua sông Hồng theo tuyến đường tới sân bay.
Việt Nam đã trở thành một ngôi sao sáng ở khu vực trong lĩnh vực đầu tư và phát triển. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam có lẽ chỉ sau Trung Quốc. Dù không có một thị trường rộng lớn với hơn một tỷ dân như Trung Quốc hay Ấn Độ, số dân 84 triệu người đã tạo ra một thị trường hấp dẫn đủ sức thu hút của các nhà đầu tư và các thương gia, đặc biệt từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tinh thần hăng hái, chi phí thấp và thói quen làm việc chăm chỉ là những đặc điểm của đội ngũ nhân lực Việt Nam. Điều đó làm sáng tỏ khả năng phát triển đáng kinh ngạc của nước này trong việc vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh của Brazil trong xuất khẩu cà-phê, của Thái-lan trong xuất khẩu gạo.
Chỉ hai thập kỷ kể từ sau khi chuyển nền kinh tế từ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở hàng đầu châu Á với cung cách điều hành hướng ngoại.
Tuy nhiên, vẫn còn những thử thách cần vượt qua để duy trì tăng trưởng bền vững. Mặc dù đầu tư vào kinh tế Việt Nam đang ở mức cao, chiếm 40% GDP, thách thức chủ đạo hiện nay là làm thế nào cải thiện hiệu quả đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, mới có chút ít cải thiện trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn những năm gần đây. Thậm chí, đầu tư lĩnh vực công đôi khi chưa được sử dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, báo cáo của ngân hàng nói trên cũng cho biết giáo dục Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý và nhân lực có tay nghề dù người Việt Nam rất xuất sắc trong học tập. Cải cách giáo dục là một thách thức lớn đối với các nước đang phát triển, nhưng điều đó không quá khó đối với Việt Nam vì nước này may mắn có được những công dân tiếp thu nhanh, có đủ có khả năng đón nhận sự đào tạo và giáo dục đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.
Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là hoàn tất cải cách hành chính cho phép các cơ quan hành pháp đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của từ xã hội dân sự đang phát triển tương ứng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhu cầu tham gia đời sống chính trị đang tăng với việc 1.322 ứng cử viên tham gia ứng cử 500 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Trong số này, có 238 người không phải là đảng viên, có hơn 100 ứng cử viên độc lập (tự ứng cử) từ TP Hồ Chí Minh và 50 ứng cử viên độc lập của Hà Nội. Những con số cho thấy nhận thức chính trị của người dân ngày một tăng cao.
VŨ MAI HOÀNG
Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan