Khoảng 12 giờ ngày 6/4, tại Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa ô-tô đầu kéo và ô-tô khách. Tại hiện trường, đầu xe khách bị biến dạng hoàn toàn, trong khi cabin bên lái của xe đầu kéo cũng bị móp méo nặng. Mảnh vỡ của hai phương tiện vương vãi khắp mặt đường, gây ách tắc cục bộ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, cú va chạm mạnh đã khiến 4 hành khách bị hất văng ra khỏi xe. Trong đó, người văng xa nhất rơi xuống giữa lòng đường, cách xe hơn 10 m. Tổng cộng 10 hành khách bị thương, trong đó có một nạn nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Liên quan đến tai nạn nghiêm trọng trên, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng vụ việc đặt ra một số vấn đề đáng lưu tâm, đòi hỏi phải rà soát và hoàn thiện nhiều khâu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trước hết về hành vi xe vượt sai quy tắc, thiếu khoảng cách an toàn và tầm nhìn, dẫn đến nguy cơ va chạm cao. Việc xử phạt hành chính đối với lái xe vi phạm là cần thiết nhưng không đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Giải pháp căn cơ phải bắt đầu từ khâu đào tạo. Hiện nay, học viên thường chỉ thực hành trên tuyến đường đơn giản, thi sát hạch trong sa hình, điều này không đủ để hình thành kỹ năng ứng phó với điều kiện giao thông thực tế, đặc biệt là ở địa hình phức tạp như miền núi. Đặc biệt, cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Theo TS Minh, với những lái xe có hành vi nguy hiểm dẫn đến tai nạn, ngoài phạt hành chính và trừ điểm giấy phép lái xe, cần xem xét nâng mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự như một biện pháp răn đe. Song song đó, cần có quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Không ai quản lý hành vi lái xe kinh doanh vận tải tốt hơn chính các đơn vị sử dụng lao động. Xa hơn, cần xây dựng vị thế nghề nghiệp vững chắc cho lái xe kinh doanh vận tải bởi đây là một công việc gắn trực tiếp với an toàn của rất nhiều người. Ngoài ra, cần có những quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ người tham gia giao thông đi đúng luật. Việc quy định rõ ràng như vậy không chỉ để xử lý công bằng mà còn có tác dụng răn đe, nhắc nhở những người điều khiển phương tiện luôn phải tuân thủ quy định pháp luật, không gây nguy hiểm cho người khác.
Đáng lo ngại hơn, vụ tai nạn khiến 4 hành khách bị văng khỏi xe khách cho thấy tỷ lệ thắt dây an toàn trên xe vẫn rất thấp. Việc nâng cao tỷ lệ này cần được thực hiện đồng bộ từ nhiều phía như đăng kiểm, doanh nghiệp vận tải, quản lý bến xe, lực lượng chức năng... Tại các tuyến đường miền núi, có thể xem xét giảm tốc độ tối đa áp dụng riêng cho xe tải và xe khách do quán tính lớn, khoảng cách dừng dài. Quy định này có thể được thể chế hóa bằng thông tư hoặc tổ chức lại giao thông qua hệ thống biển báo phù hợp địa hình.