Những thách thức từ lòng sông
Là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Ninh Bình có điều kiện tự nhiên phát triển vận tải thủy; tuyến đường thủy nội địa có 18km bờ biển, 207km đường sông hiện đang khai thác sử dụng.
Có 4 tuyến sông do Trung ương quản lý là: sông Đáy 92km, sông Vạc 28,5km, sông Hoàng Long 28km, sông Yên Mô 14km với tổng chiều dài là 162,5km và 5 tuyến sông do địa phương quản lý là: sông Bôi 17,612km, sông Vân 6,937km, sông Mới 9,898km, sông Lồng 7,73km, sông Hệ Dưỡng 9,5km với tổng chiều dài là 51,677km.
Giao thông đường thủy tại Ninh Bình giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, bên dưới vẻ yên bình ấy lại là những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự: khai thác cát trái phép, buôn bán hàng lậu, vi phạm môi trường, và những rủi ro về ma túy, tệ nạn xã hội.
Đại tá Tống Như Sơn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình chia sẻ, đường sông là nơi khó kiểm soát, đặc biệt về đêm. Tội phạm lợi dụng địa hình phức tạp, vắng người để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, chúng tôi xác định cần chủ động, linh hoạt và nhân văn trong cách tiếp cận.
![]() |
Đoàn công tác đến tận các thuyền để động viên, tuyên truyền pháp luật cho các hộ dân. (Ảnh ĐỨC THẮNG) |
Xuất phát từ thực tế đó, Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị như Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Phòng Cảnh sát đường thủy (PC08), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (PC06), Công an các phường, xã nơi có lòng sông… phối hợp triển khai khảo sát, tuyên truyền và tặng quà hỗ trợ người dân trên tuyến sông Đáy và các tuyến sông khác như Hoàng Long, Vân, Yên Mô.
Đến gần hơn với dân sông nước
Chuyến công tác lần này của Công an tỉnh Ninh Bình không chỉ dừng lại ở việc khảo sát, nắm bắt hay tuyên truyền pháp luật, mà đó là một hành trình tiếp xúc, thấu hiểu và gắn kết. Đoàn công tác ghé từng bến đò, lên từng chiếc ghe nhỏ, lắng nghe tâm tư của những gia đình đã sống qua nhiều thế hệ trên mặt nước.
Chị Trần Thị Thảo (42 tuổi), sống cùng chồng và hai con trên một con thuyền nhỏ từ khi sinh ra, tâm sự: Chúng tôi sống trên sông từ đời ông bà, không có đất ở. Mỗi lần có người lạ hỏi giấy tờ hay kiểm tra gì là lại hoang mang. Lần này, các chú công an đến không chỉ tuyên truyền pháp luật mà còn tặng quà, hướng dẫn cặn kẽ từng điều. Tôi thấy nhẹ lòng hơn.
![]() |
Đại tá Tống Như Sơn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Bình cùng đoàn công tác trao quà hỗ trợ người dân trên sông Đáy. (Ảnh ĐỨC THẮNG) |
Câu chuyện của chị Thảo không phải là cá biệt. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 19 hộ dân sinh sống lâu dài trên mặt nước, phần lớn là người nghèo, sống bằng nghề chài lưới, dọn các tàu thuyền lớn qua đây, mưu sinh bất định, ít có cơ hội tiếp cận pháp luật. Để tránh bị lợi dụng vận chuyển hàng cấm hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm trốn chạy, ẩn nấp.., công tác tuyên truyền được triển khai bằng lời lẽ giản dị, hình ảnh dễ hiểu và nhiều tình huống thực tiễn.
Thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng PC08, cho biết, chúng tôi xác định phải đến với người dân không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng sự gần gũi, thấu hiểu. Mỗi hành động nhỏ như phát áo phao, hướng dẫn cách gọi báo công an cũng góp phần giữ bình yên tuyến sông.
Gieo ý thức, dựng "lá chắn mềm" từ cộng đồng
Theo thống kê, các tuyến sông tại Ninh Bình hiện có mật độ giao thông thủy khá lớn, đặc biệt là sông Đáy với khoảng 150 phương tiện lưu thông mỗi ngày. Các bến đò khách, bến du lịch cũng hoạt động nhộn nhịp, nhất là trong mùa lễ hội và cao điểm du lịch.
Tuy vậy, không ít bến thủy nhỏ, việc giám sát còn gặp không ít khó khăn. Một số thuyền viên chưa được đào tạo bài bản, chưa nắm rõ luật giao thông đường thủy. Trong khi đó, những hoạt động vận chuyển khoáng sản, buôn lậu, khai thác cát trái phép lại diễn ra âm thầm, ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường.
Thượng tá Hoàng Đức Nên, Trưởng phòng PC02 chia sẻ, chúng tôi không chỉ bắt giữ, xử lý mà còn chủ động điều tra cơ bản, xác định các điểm nóng, loại đối tượng, từ đó phòng ngừa từ gốc. Đặc biệt chú trọng vào những nhóm đối tượng nghi vấn có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, hoạt động theo kiểu du cư trên sông.

Giữ vững an ninh trật tự, phát huy sức mạnh toàn dân: Tầm nhìn và hành động của Công an tỉnh Ninh Bình năm 2025
Công tác phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ, chính quyền địa phương và người dân là yếu tố then chốt. Các cuộc kiểm tra liên ngành, các chốt kiểm soát tạm thời, cùng hệ thống đèn cảnh báo và biển hiệu đường thủy đã được thiết lập đồng bộ hơn.
Ông Lê Văn Mạch, Trưởng thôn Hưng Thịnh, xã Hồng Quang (Nam Định), nơi giáp ranh với Ninh Bình qua lòng sông Đáy nói thêm, người dân cảm thấy yên tâm khi được các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an tỉnh Ninh Bình đến trao đổi từng hộ dân như thế này. Bà con cũng mong được cấp thẻ cư trú, hỗ trợ làm giấy tờ cho con cái học hành, để yên tâm sống và tuân thủ pháp luật.
Có thể thấy, giữ gìn trật tự trên tuyến đường thủy không thể chỉ bằng sức mạnh cưỡng chế. Đó là bài toán tổng hợp của quản lý, tuyên truyền, hỗ trợ và đồng hành. Từ đó có thể thấy rõ, khi lực lượng chức năng không ngại khó khăn để tiếp cận tận nơi, thì người dân sông nước cũng sẵn lòng mở lòng, hợp tác và thay đổi.
Hành trình gieo niềm tin
Chuyến đi dọc tuyến sông lần này không chỉ là hành động ngắn hạn mà còn là lời cam kết lâu dài trong việc bảo vệ an toàn đường thủy, một không gian sống, không gian mưu sinh và cũng là một phần bản sắc của Ninh Bình.
Tại các điểm dừng chân, những phần quà thiết thực được trao tặng: áo phao, thuốc men, sách pháp luật, bánh kẹo cho trẻ nhỏ. Không khí đầm ấm ấy khiến cả chiến sĩ và người dân xích lại gần nhau hơn.
![]() |
Phòng PC02 tiếp cận tuyên truyền pháp luật đến từng người dân. (Ảnh ĐỨC THẮNG) |
Đại tá Tống Như Sơn kết luận, công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo PC02, PC08 và các lực lượng khác có liên quan làm tốt công tác nhiệp vụ cơ bản, điều tra, nắm chắc tình hình an ninh trật tự qua đó đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật như: khai thác cát, sỏi trái phép; các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; vi phạm các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép tài nguyên, khoáng sản; các loại tội phạm về ma túy, đánh bạc, các hoạt động tệ nạn xã hội. Chúng tôi kỳ vọng từ những lần khảo sát thế này, người dân sẽ chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, chung tay bảo vệ trật tự trên sông. Đó là một “lá chắn mềm” nhưng vô cùng hiệu quả.
Không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường thủy lại trở thành trọng điểm của phòng ngừa tội phạm ở Ninh Bình. Từ những con sóng lặng lẽ, đã có những cuộc đời cần được tiếp cận pháp luật, cần được chia sẻ khó khăn và được bảo vệ.
![]() |
Các phương tiện tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự trên sông Đáy của Công an tỉnh Ninh Bình. (Ảnh VĂN LÚA) |
Chuyến đi khảo sát của lực lượng Công an không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là một hành trình gieo niềm tin, gắn kết cộng đồng và thắp lên ý thức phòng ngừa từ chính người dân. Đó cũng là cách Công an Ninh Bình đang từng bước xây dựng tuyến đường thủy an toàn, nhân văn và phát triển bền vững.
Giữ bình yên cho dòng sông, không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, mà là trách nhiệm chung, khi pháp luật được gieo xuống từ lòng người, và niềm tin được giữ gìn từ mỗi nhịp sóng trên các lòng sông.