Lễ hội lần này được chuẩn bị khá công phu, với quy mô lớn, gồm nhiều nội dung, chương trình phong phú, hấp dẫn như: Lễ Khai mạc với chủ đề “Tạ ơn cà phê”; Chương trình “Duyên dáng Việt Nam” lần thứ 24 với chủ đề “Huyền thoại cà phê”; Chương trình “Cách cà phê nói”, Chương trình biểu diễn nghệ thuật; Hội thảo “Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững”; Lễ hội đường phố với chủ đề “Hội tụ cảm xúc”; Trưng bày hiện vật và bảo tàng cà phê; Các tour du lịch cà phê; Chương trình Bế mạc Lễ hội với chủ đề “Đêm thế giới cà phê”…
Dự kiến, Lễ hội khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 12-3 tại Quảng trường 10-3 TP Buôn Ma Thuột và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo Ban tổ chức, điểm nhấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này sẽ là những sân khấu mở với không gian sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật được tổ chức tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh. Tất cả các nội dung hoạt động trong thời gian diễn ra Lễ hội đều được “cà phê hóa”, tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc.
Cũng trong chương trình Lễ hội, Bảo tàng cà phê thế giới lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với hơn 10.000 hiện vật cùng các hiện vật bảo tàng văn hóa Tây Nguyên sẽ được chính thức khai trương tại “Làng cà phê Trung Nguyên”, và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Đồng thời, các đoàn nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên cùng với các đoàn nghệ thuật đến từ những quốc gia trồng cà phê trên thế giới sẽ giới thiệu những nét đẹp văn hóa cà phê đặc trưng của mỗi dân tộc, quốc gia mình.
UBND tỉnh Đác Lắc phối hợp với Bộ NN và PTNT, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột bền vững”, dự kiến có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam và 150 đại biểu quốc tế là đại diện các nước sản xuất cà phê như : Brazil, Columbia, Indonesia, Ethiopia …
Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan cũng được tổ chức, gồm: các loại cà phê nhân, cà phê chế biến, các sản phẩm chế biến khác có sử dụng hương liệu cà phê, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây cà phê, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị chế biến cà phê, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê… Chương trình thưởng thức cà phê miễn phí và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch như: thời trang cà phê và duyên dáng Việt Nam 24, chương trình ca nhạc “Rock cà phê”, văn hóa ẩm thực cà phê và các trò chơi dân gian của các dân tộc Kơ Ho, Ê Đê, M’nông, Ja Rai, Bahnar, Xơ Đăng…, các tour du lịch ngắm, khám phá và trải nghiệm cà phê, tham quan các khu vườn trồng cà phê và một số nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn là nét lý thú cho những người tham gia Lễ hội.
Dự kiến sẽ có khoảng 500 gian hàng của khoảng 160 doanh nghiệp, trong đó có 18 doanh nghiệp nước ngoài, tham gia Lễ hội lần này. Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê và các sản phẩm thương hiệu mạnh, qua đó giới thiệu và hỗ trợ tư vấn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc khẳng định: Lễ hội cà phê lần này là cơ hội để tỉnh xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Lễ hội cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, giúp khai phá và đánh thức tiềm năng đầu tư, du lịch bản địa, giàu bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên, đưa TP Buôn Ma Thuột thành một trung tâm du lịch - văn hóa đặc sắc, đồng thời nâng cao giá trị và tầm quan trọng của cà phê Việt Nam, hướng đến phát triển bền vững và từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia.