Trẻ tự kỷ & những hy vọng mới

Internet, smartphone, cách mạng công nghệ 4.0 càng phát triển, hoạt động tay chân và giao tiếp trực tiếp giữa người với người càng ít đi, khả năng con người rơi vào tự kỷ ngày càng lớn. Đây là một thực trạng đáng báo động.

Các em tự kỷ trình diễn đi xe đạp một bánh.
Các em tự kỷ trình diễn đi xe đạp một bánh.

Thêm một nguồn lực hỗ trợ

Tự kỷ đang là vấn đề của xã hội hiện đại. Tại Mỹ, theo một khảo sát được công bố năm 2014, cứ 68 trẻ thì có một trẻ bị rối loạn tự kỷ. Tại Việt Nam, vấn đề tự kỷ được quan tâm nhiều hơn từ những năm 2000 khi tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam gia tăng rõ rệt cùng với xu hướng chung của thế giới, trở thành một vấn đề xã hội được quan tâm.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển, nhưng người tự kỷ và gia đình ở Việt Nam vẫn chưa được chính quyền và xã hội hỗ trợ phù hợp. Thậm chí các cán bộ y tế cũng vẫn còn thiếu kiến thức về rối loạn tự kỷ. Đánh giá chẩn đoán tự kỷ ở Việt Nam cũng mới chỉ tập trung vào đối tượng trẻ em. Lứa tuổi thanh, thiếu niên và tuổi trưởng thành chưa được quan tâm chẩn đoán và can thiệp. Người tự kỷ chưa có chế độ, chính sách riêng, chưa được tạo điều kiện về công việc và duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, các bộ, ngành như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh & Xã hội… chưa có giải pháp phối hợp hoạt động trong công tác chăm sóc và hỗ trợ cho đối tượng này.

Mới đây, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội tự kỷ CHLB Đức đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về vấn đề tự kỷ. Theo đó, hai bên cùng phối hợp đào tạo và chuyển giao chương trình giảng dạy kỹ năng nghề nghiệp cho những người mắc chứng tự kỷ, chương trình đào tạo giảng viên giảng dạy cho phụ huynh và người chăm sóc người mắc chứng tự kỷ; phối hợp tổ chức hướng dẫn cách thức giúp người mắc chứng tự kỷ hòa nhập cộng đồng, gia đình; trao đổi thông tin và những kết quả nghiên cứu…

Viện Tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực (I.N.HDR) là đơn vị trực thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, được giao trực tiếp thực hiện những nội dung hợp tác được thỏa thuận. Liên kết hợp tác này mở ra khả năng hỗ trợ đáng kể cho người tự kỷ Việt Nam.

Những hy vọng mới

Cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc hoặc một phương pháp cụ thể nào được đánh giá là có thể chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị và can thiệp có thể giúp người mắc tự kỷ có khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng, có thể học tập và lao động, nâng cao chất lượng sống. Tại cuộc tọa đàm sau lễ ký ghi nhớ với chủ đề “Làm thế nào để người mắc chứng tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội và tham gia đời sống lao động - Những phương pháp tối ưu và bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia Đức và Việt Nam”, TS Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tâm Việt Group, đã khiến cử tọa ngạc nhiên với màn trình diễn của các em tự kỷ đang học tập tại Tâm Việt Group. Các em từ 7 đến 12 tuổi mắc chứng tự kỷ đã tự tin giao tiếp và trình diễn đi xem đạp một bánh, tung hứng nhiều bóng khi giữ thăng bằng trên con lăn… Đây là kết quả rèn luyện theo phương pháp của TS Việt.

TS Việt đặt vấn đề khá độc đáo: Dân gian vẫn nói “Có tài thường có tật”. Vậy tại sao “Có tật lại không thể có tài”? Đừng bắt trẻ tự kỷ giống như người bình thường mà hãy “lắng nghe” chúng, tạo cho chúng một không gian phù hợp nhất với những khả năng, cho chúng một cộng đồng thân ái, không kỳ thị. Khi chúng phát triển những khả năng đặc biệt, chúng sẽ tự tin và dần cải thiện được những gì còn khiếm khuyết. Theo TS Việt: “Giáo dục (trẻ tự kỷ) là tìm cách riêng biệt nhất để hỗ trợ các em tỏa sáng nhất, khác biệt nhất”. Bằng những phương pháp rèn luyện khá đặc biệt: đội chai nước trên đầu, đi xe đạp một bánh, giữ thăng bằng trên con lăn, tung hứng nhiều bóng…, TS Phan Quốc Việt đã giúp nhiều em mắc tự kỷ phục hồi được những chức năng giao tiếp, nhận thức, vận động. Sau thời gian đào tạo trên một năm, nhiều em đã có những biến chuyển tích cực.

TS Việt kể về Khôi Nguyên (sinh năm 2001) như một trường hợp điển hình. Là trẻ tự kỷ dạng “tăng động giảm tập trung”, trước đây em chạy, la hét, giật đồ ăn, không biết làm những phép tính đơn giản, không phân biệt được thời gian... Sau hơn hai năm huấn luyện, Khôi Nguyên đã biết ăn uống lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi, biết phân biệt thời gian... Đặc biệt, Khôi Nguyên đã thực hiện được nhiều bài tập khó như một diễn viên xiếc chuyên nghiệp.