Cùng dự có: Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ Liên bang Nga, các cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia Liên bang Nga và Liên Xô trước đây, đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh.
Hiệu trưởng Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Alexey Gennadievich Komissarov cho biết, Học viện Tổng thống là cơ sở giáo dục đại học, đào tạo ở mọi cấp độ các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân văn; đào tạo và bồi dưỡng các lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao trong bộ máy hành chính tại Liên bang Nga.
Đây là tổ chức giáo dục duy nhất trực thuộc quản lý trực tiếp của Tổng thống Liên bang Nga. Tiền thân của RANEPA chính là Viện Khoa học xã hội Trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi đã từng đào tạo và bồi dưỡng gần 1.000 cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, tiêu biểu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại tại mỗi nước và trong quan hệ song phương. Chủ tịch Volodin khẳng định, Duma Quốc gia Nga luôn tự hào Nga và Việt Nam có quan hệ thủy chung, son sắt và chuyến thăm lần này góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam, trong đó có kênh hợp tác nghị viện.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng được đến thăm Học viện Tổng thống đúng vào dịp nước Nga tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại; cảm ơn Ban lãnh đạo Học viện đã trao tặng danh hiệu cao quý “Giáo sư danh dự”.
![]() |
Quang cảnh sự kiện. (Ảnh: TTXVN) |
Phát biểu chính sách với chủ đề “Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong kỷ nguyên mới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, Tổng Bí thư xúc động chia sẻ, lịch sử hơn một thế kỷ qua đã chứng kiến mối liên hệ đặc biệt giữa hai đất nước và khẳng định, sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ chân thành, thủy chung, tình đoàn kết cao cả của Liên Xô trong quá khứ và Liên bang Nga ngày nay là di sản lịch sử quý báu để hai nước tiếp tục vun đắp, xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, thực chất hiện nay và trong thời gian tới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, vượt lên trên khoảng cách địa lý, hai đất nước có sự tương đồng to lớn về lịch sử, tinh thần, tầm nhìn và giá trị. Cả hai dân tộc “đồng điệu” về tâm hồn, “đồng cam” vượt qua những thử thách và “đồng hành” trên những chặng đường phát triển mà trên hết là tình đồng chí, anh em. Trên thế giới, ít có đất nước nào luôn chiếm một tình cảm sắt son, sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam như Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.
Chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó cùng sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đã đặt Việt Nam ở một khởi điểm lịch sử mới, tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới, với những định hướng mang tính chiến lược, dài hạn cho chặng đường tiếp theo. Tổng Bí thư khẳng định, với hành trang của lịch sử và hiện tại, hai nước đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những thay đổi mang tính thời đại. Mỗi nước đang thay đổi từng ngày và thế giới cũng đang chứng kiến những chuyển động chưa từng có.
Những chuyển biến có tính thời đại đó đem đến thời cơ, thuận lợi, cũng như nhiều khó khăn,thách thức đối với cả hai nước. Tuy nhiên, khó khăn là cội nguồn của sự đổi mới và vươn lên mạnh mẽ, là động lực để hai nước chúng ta tiếp tục đồng hành cùng nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả, vì tương lai của người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga đã trao đổi và đưa ra những định hướng: Đẩy mạnh trao đổi đoàn, tham khảo và đối thoại thường xuyên, thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất. Nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hai nước. Đặc biệt, cần ưu tiên, tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính-tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, cần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, chế tạo máy và năng lượng.
Tổng Bí thư nêu rõ, quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh là lĩnh vực giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nga, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay, đồng thời góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh hợp tác khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem như lĩnh vực hợp tác then chốt của quan hệ, trong đó có hợp tác về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ y sinh học và năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh năm 2026 là Năm hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam-Liên bang Nga, hai nước cần triển khai hiệu quả các dự án hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhất là triển khai hiệu quả dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một ưu tiên cao của Việt Nam hiện nay.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cùng các đại biểu tại sự kiện. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Tổng Bí thư, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, du lịch, giao lưu nhân dân. Hai nước cần tiếp tục mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Việt-Nga để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; mong muốn Học viện RANEPA tiếp tục mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực hành chính công, kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, trong đó Nga là một cực quan trọng, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; mong muốn Liên bang Nga tiếp tục ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Nga để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nga.
Tổng Bí thư dành lời tri ân sâu sắc đến những cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia Nga đã dành trọn tình cảm và hỗ trợ đất nước Việt Nam qua các thời kỳ; tất cả đều mãi mãi là những người bạn, người đồng chí, anh em thủy chung, thân thiết của nhân dân Việt Nam; mong muốn thế hệ trẻ hai nước ngày nay cần thấm nhuần tinh thần quốc tế cao cả được vận dụng trong mối quan hệ gắn bó, thủy chung, hiếm có giữa nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga, tiếp tục vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.
Nhân dịp này, Hiệu trưởng Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Aleksey Gennadievich Komissarov đã trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm danh hiệu “Giáo sư danh dự” và trao tặng bản sao Luận án được bảo vệ năm 1983 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay (dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô)".