TỔ CHỨC ĐÁNH ĐỊCH RÚT CHẠY TRÊN ĐƯỜNG SỐ 7
Xe quân sự của quân đội VNCH bị phá hủy trong cuộc rút lui trên Đường số 7. (Ảnh: TTXVN)
Xe quân sự của quân đội VNCH bị phá hủy trong cuộc rút lui trên Đường số 7. (Ảnh: TTXVN)
Trận then chốt thứ ba, tiêu diệt địch rút chạy trên Đường số 7 từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 3 năm 1975 đã thể hiện trình độ chỉ huy trong nắm tình hình, tổ chức sử dụng lực lượng, vận dụng phương pháp tác chiến, chiến thuật đánh truy kích tiêu diệt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Ngày 4 tháng 3 năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu, từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3 ta tổ chức nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột. Đòn nghi binh của ta có kết quả, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định nổ súng đánh cắt giao thông, chia cắt chiến dịch theo kế hoạch. Ngay trong ngày mở đầu chiến dịch, Đường 19 - con đường huyết mạch tiếp tế cho Tây Nguyên của địch bị Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 cắt đứt hoàn toàn. Sáng ngày 5 tháng 3, Trung đoàn 25 làm chủ đoạn đường ở đông Chư Cúc.
Trên Đường 14, các đơn vị Trung đoàn 9 Sư đoàn 320, Trung đoàn 48 tổ chức đánh địch làm chủ khu vực Thuần Mẫn, làm cho Đường 14 bị gián đoạn; Sư đoàn 968 cắt Đường 14 giữa Kon Tum và Pleiku; Sư đoàn 10 làm chủ Đức Lập, Đắc Song. Chỉ sau 6 ngày chiến đấu, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt từ mọi phía. Tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đánh bại phản đột kích của Sư đoàn 23 địch, ta thực hiện thắng lợi hai trận then chốt chiến dịch, tạo đà phát triển chiến dịch.
Buôn Ma Thuột bị chiếm, Sư đoàn 23 bị ta tiến công dữ dội, Đường 19 bị cắt, Plâyku, Kon Tum bị bao vây uy hiếp, hướng Nha Trang-Cam Ranh bị bỏ ngỏ, địch rơi vào thế bị động, đối phó lúng túng; sau khi thị sát, tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo Đường số 7 về giữ đồng bằng duyên hải Trung Bộ.
Theo sát diễn biến chiến trường, ngay từ ngày 13 tháng 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dự kiến tình huống địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và đúng như dự đoán, sau khi thất thủ Buôn Ma Thuột, toàn bộ lực lượng địch rút quân khỏi Kon Tum, Gia Lai về Nha Trang - Cam Ranh nhằm tăng cường lực lượng trấn giữ vùng đồng bằng ven biển Khu 5. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch tập trung lực lượng mở cuộc truy kích lớn đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy, tạo điều kiện cho các chiến trường đẩy mạnh tiến công giành thắng lợi.
Trận then chốt thứ ba, tiêu diệt địch rút chạy trên Đường số 7 từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 3 năm 1975 đã thể hiện trình độ chỉ huy trong nắm tình hình, tổ chức sử dụng lực lượng, vận dụng phương pháp tác chiến, chiến thuật đánh truy kích tiêu diệt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột (1975). (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột (1975). (Ảnh: TTXVN)
1. Nắm chắc tình hình, nhanh chóng hạ quyết tâm tiêu diệt địch rút chạy
Ngay sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, mọi con đường 14, 19, 21 xuống đồng bằng bị chặn cắt, tổng thống chính quyền Sài Gòn và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã quyết định triệt thoái toàn bộ lực lượng còn lại ở Bắc Tây Nguyên. Đường số 7 chạy dọc theo Sông Ba từ Phú Bổn về Phú Yên là con đường duy nhất khả dĩ sử dụng được, cho dù lúc này Đường số 7 đã bị hư hỏng nặng, có thể bị ta đánh chặn ở nhiều nơi nhưng chỉ huy Quân khu 2 - Quân đoàn 2 địch vẫn hy vọng vào lựa chọn duy nhất với sự bí mật, bất ngờ sẽ bảo toàn được lực lượng khi rút quân về đồng bằng.
Xe tăng quân giải phóng bắn sập cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 của quân đội VNCH trong trận đánh Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tư liệu trưng bày
Xe tăng quân giải phóng bắn sập cổng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 của quân đội VNCH trong trận đánh Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tư liệu trưng bày
Theo kế hoạch đã bàn định[1], từ sáng sớm ngày 15 tháng 3 năm 1975, Bộ chỉ huy cuộc hành quân do Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ huy, cùng các thành viên Trần Văn Cẩm (phụ tá hành quân), Phạm Ngọc Sang (Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân), Phạm Duy Tất (Tham mưu phó Quân đoàn) ra lệnh cho Liên đoàn 7 biệt động quân đang chốt giữ tây bắc thị xã Kon Tum rút đầu tiên về án ngữ “đoạn đường nguy hiểm nhất” từ đông thị xã Cheo Reo đến đèo Tu Na. Tiếp theo đó, 2 liên đoàn biệt động quân (6, 23) đang chốt giữ Thanh An, Thanh Bình (tây Đường 19) lui về Đường 14 (nam Hàm Rồng) phối hợp với Lữ đoàn 2 kỵ binh lập chốt bảo vệ cung đường từ ngã 3 Mỹ Thạch đến quận lỵ Sơn Hòa yểm trợ cho công binh sửa đường, bắc cầu (dã chiến) qua Sông Ba. Lực lượng địa phương quân của hai tỉnh Phú Bổn, Phú Yên cũng được huy động tối đa vào công việc “phối chí bảo vệ lộ trình 7”.
Những tưởng cuộc rút lui chiến lược được “bày binh, bố trận” khá chặt chẽ ấy sẽ diễn ra hanh thông. Nhưng không, từ “suốt đêm 14, rạng ngày 15 tháng 3, Sư đoàn 6 không quân liên tục chở quân và gia đình (gồm cả người và đồ đạc) về Nha Trang. Trên đường phố thị xã Kon Tum và Pleiku xe nhà binh chạy hỗn loạn. Hàng loạt đồn bốt, công sở bỗng bốc cháy ngùn ngụt sáng rực cả một vùng. Dân chúng đã biết cuộc “bỏ của chạy lấy người” của Quân đoàn 2, nên cũng vội vã hè nhau chạy theo. Đường 14 nam thị xã Kon Tum, nam thị xã Pleiku đến ngã ba Mỹ Thạch (đầu đoạn Đường số 7) bỗng chật ních người và xe cộ các loại”[2].
Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Đối với ta, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã dự kiến được tình huống và đã có chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn bị kế hoạch đánh địch rút chạy.
Trên cơ sở nắm chắc những biến động của địch cũng như những thông tin khác thường ở vùng Bắc Tây Nguyên, đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tại Mặt trận Tây Nguyên đã có những đánh giá, kết luận tình hình mọi mặt trên chiến trường để đưa ra những quyết định quan trọng.
19 giờ ngày 16 tháng 3 năm 1975, sau khi nhận được điện của Đại tướng Văn Tiến Dũng thông báo địch rút chạy trên Đường số 7, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã họp bàn và xác định: Đúng như dự kiến của ta, địch rút chạy khỏi Tây Nguyên là thời cơ thuận lợi để ta mở cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, vì khi chúng rút chạy, đội hình sẽ rối loạn, chỉ huy mất hiệu lực, tinh thần binh sĩ hoang mang, sức chiến đấu giảm sút. Ngay trong đêm, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm chiến đấu truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy[3].
2. Chớp thời cơ, tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp, tạo lập thế trận vững chắc truy kích địch rút chạy
Khi rút chạy địch kết hợp chặt chẽ giữa rút nhanh và thực hiện các thủ đoạn tác chiến trì hoãn nhằm tìm cách bảo toàn lực lượng, đồng thời ngăn chặn ta tiến công, tránh bị tổn thất lớn.
Với lực lượng trên địa bàn Tây Nguyên lớn, phải gấp rút tháo chạy toàn bộ, địch vẫn tổ chức thành ba khối: Khối một đi đầu và khối ba đi cuối, có thể chiếm các mục tiêu trên đường rút chạy, tổ chức một bộ phận phản kích lại bảo vệ đội hình rút lui nếu bị ta tiến công. Khối hai là đại bộ phận chủ lực có chỉ huy và được tập trung nhiều xe tăng, thiết giáp để bảo vệ chỉ huy và chi viện được kịp thời cho lực lượng đi đầu và đi cuối.
Có thể thấy, khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, nếu so sánh tương quan lực lượng thì địch còn khá đông, trang bị vũ khí mạnh, trong khi đó ta chỉ có một sư đoàn được tăng cường, nhưng tinh thần địch thì lại hoang mang, bạc nhược, sức chiến đấu của binh lính giảm sút, chỉ huy rối loạn, đội hình cơ động lộn xộn. Nắm được điểm yếu của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã quyết định sử dụng Sư đoàn 320 tiến công ngay.
Bộ đội ta giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Lương Biên/TTXVN)
Bộ đội ta giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Lương Biên/TTXVN)
Khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, nếu so sánh tương quan lực lượng thì địch còn khá đông, trang bị vũ khí mạnh, trong khi đó ta chỉ có một sư đoàn được tăng cường, nhưng tinh thần địch thì lại hoang mang, bạc nhược, sức chiến đấu của binh lính giảm sút, chỉ huy rối loạn, đội hình cơ động lộn xộn. Nắm được điểm yếu của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã quyết định sử dụng Sư đoàn 320 tiến công ngay.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, tuy lực lượng ta ít hơn địch nhưng lại có thế mạnh hơn địch, sư đoàn có chỉ huy thống nhất, ý chí quyết tâm cao, tác chiến trong thế trận chiến dịch lúc này đang dồn địch vào tình thế bất lợi: Bộc lộ toàn bộ đội hình rút chạy trên một đoạn Đường số 7 vừa chật hẹp vừa xấu, rất khó chỉ huy điều hành việc cơ động trong điều kiện bị ta tiến công, cùng với việc cưỡng ép nhiều công chức và người dân đi theo, khi bị tiến công càng nhanh chóng hoảng loạn.
Với tình hình trên, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Sư đoàn 320[4] do đồng chí Kim Tuấn làm Tư lệnh, đồng chí Bùi Huy Bổng làm Chính ủy, đứng chân ở tây quận lỵ Thuần Mẫn (mới được giải phóng) đã nhanh chóng tổ chức lực lượng truy kích, kiên quyết không cho địch có cơ hội co cụm về đồng bằng ven biển Trung Bộ.
Nhờ đánh giá đúng về địch, Bộ Tư lệnh sư đoàn đã tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý nhanh chóng hình thành thế trận tiến công địch. Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 9) đang truy quét địch ở Buôn Hồ, Đạt Lý; Trung đoàn 48 đang sửa chữa Đường số 7B và soi đường dã chiến ở đông thị trấn Cẩm Ga đi thị xã Cheo Reo; Trung đoàn 9 đánh địch ở Kênh Săn (Phú Nhơn); Trung đoàn Pháo binh 54 và Trung đoàn pháo phòng không 593 (phối thuộc) ở khu vực Đường 14 (tây Thuần Mẫn); Trung đoàn 95B (tăng cường) đang hỗ trợ Sư đoàn 10 đánh địch co cụm, phản kích ở Phước An (Đường 21), hầu hết các đơn vị của sư đoàn đều cách thị xã Cheo Reo từ 50 đến 140km.
Xe quân sự của Ngụy dồn ứ trên đường 7 khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Xe quân sự của Ngụy dồn ứ trên đường 7 khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Địch đang ồ ạt rút chạy trên Đường số 7, cần phải nhanh chóng đưa ra những quyết định để tổ chức đội hình sử dụng lực lượng truy kích địch, Bộ Tư lệnh sư đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 (Tiểu đoàn 9 đang cài thế chiến lược ở nam Đường số 7B cách tây nam thị xã Cheo Reo 10km là đơn vị gần Đường số 7 nhất) hành quân gấp trong đêm “bằng bất cứ giá nào”, sáng ngày 17 tháng 3 năm 1975 phải có mặt ở chân đèo Ta Nu để chặn địch.
Trung đoàn 64 (thiếu) và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) đang làm nhiệm vụ ở khu vực Đạt Lý, Buôn Hồ được cơ động bằng ô tô và hành quân bộ về ngã ba chi khu Thuần Mẫn.
Trung đoàn 9 sau khi đánh chiếm Kênh Săn, phát triển lên quận lỵ Phú Nhơn và ngã ba Mỹ Thạch, hình thành mũi tiến công từ phía Bắc theo Đường số 7 về Phú Thiện, dồn địch vào Cheo Reo.
Trung đoàn 48 ở khu vực Thuần Mẫn theo Đường số 7B áp sát Đồi Cháy, sử dụng Tiểu đoàn 2 chiếm lĩnh phía tây sân bay Phú Bổn. Sở Chỉ huy nhẹ của sư đoàn di chuyển lên dãy điểm cao phía tây Cheo Reo (sau đội hình Trung đoàn 48 và các trận địa pháo binh chiến dịch). Thực hiện nhiệm vụ, các trung đoàn, tiểu đoàn đến các phân đội trên các hướng đã tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa, hình thành thế bao vây, đưa gần như toàn bộ đội hình địch tháo chạy bị chôn chân trong thị xã Cheo Reo.
Từ sự tổ chức chặt chẽ đội hình, sử dụng lực lượng hợp lý của Bộ Tư lệnh sư đoàn, ý thức chấp hành mệnh lệnh, quyết tâm chiến đấu cao, từng đơn vị trong sư đoàn nắm chắc được thời cơ khi địch vừa bộc lộ lực lượng rút chạy, nhanh chóng cơ động lực lượng, hình thành thế trận bao vây, đón lõng, chia cắt địch. Dựa vào thế trận chiến dịch cùng với việc tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, vừa có lực lượng chốt chặn tại trận địa, vừa có lực lượng cơ động bao vây, chia cắt, vừa có lực lượng tiến công đã tạo thế áp đảo quân địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình, làm cho địch không thể thực hiện được kế hoạch rút chạy khỏi Tây Nguyên như ban đầu đã xác định.
3. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp tác chiến và chiến thuật trong đánh địch rút chạy
Từ việc nắm chắc địch, đánh giá đúng khả năng cơ động của địch để vận dụng phương pháp tác chiến, hình thức chiến thuật phù hợp, linh hoạt, không cho địch rút chạy, tập trung chủ lực hình thành thế bao vây chia cắt tiêu diệt địch. Xác định địch tập trung ở Cheo Reo với một lực lượng bộ binh và binh chủng rất lớn, tuy nhiên đây chỉ là một khối ô hợp, thiếu sự chỉ huy, tinh thần đang hoảng loạn, gần như không có sức chiến đấu, chỉ tập trung lo rút chạy thật nhanh khỏi Tây Nguyên, cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tác chiến, hình thức chiến thuật để chốt chặn, bao vây, chia cắt, tiến công, không cho địch rút chạy theo ý định của chúng.
Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN)
Chiều ngày 18 tháng 3 năm 1975, nắm bắt rõ ý đồ của chỉ huy địch đang đốc thúc hơn 1 vạn lính và hơn 1 nghìn xe cơ giới các loại, được hai thiết đoàn xe tăng, xe thiết giáp yểm trợ mở đường vượt cầu Sông Ba để chạy về Củng Sơn. Từ mệnh lệnh Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 đang cắt Đường số 7B ngay lập tức trong đêm, cắt rừng ra chặn địch ở nam Cheo Reo. Trung đoàn 48 và 9 cơ động đội hình tiến công, Trung đoàn 48 (Tiểu đoàn 1 và 2) tác chiến hiệp đồng binh chủng tiến công vào sân bay, tòa hành chính, khu cố vấn Mỹ, tiểu khu Phú Bổn, trại lính Ngô Quyền, đài phát thanh… Trung đoàn 64 (Tiểu đoàn 7 và 8) hiệp đồng với Tiểu đoàn 9 chốt chặn, khóa chặt địch ở thung lũng Cheo Reo. Trung đoàn 9 phối hợp với Trung đoàn 48 vận động đánh chiếm thị xã Cheo Reo, Trung đoàn 64 tiếp tục vận động tới khu vực Cây Sung (đông nam thị xã Cheo Reo 6km) lập chốt chặn địch vượt đèo Tu Na xuống đoạn cầu Sông Ba. Cụm hỏa lực tổ chức các trận địa ở phía tây nam Cheo Reo chi viện cho chung cho các đơn vị đánh địch trên các hướng.
Thực hiện tiêu diệt lực lượng địch còn lại (Liên đoàn 6 biệt động quân, Thiết đoàn 19, một số tiểu đoàn bộ binh, binh chủng hỗn hợp mới được lắp ghép và lực lượng địa phương quân hai quân lỵ Phú Túc và Củng Sơn đã chạy qua Cheo Reo trước khi ta ra chặn đánh), Trung đoàn 64 được tăng cường vận dụng hình thức chiến thuật vận động tiến công đánh địch từ Phú Túc đến Củng Sơn; Trung đoàn 48 và Trung đoàn 9 vận động tiếp theo sau cùng phối hợp tác chiến; Trung đoàn 95B tạm dừng ở Cheo Reo tiếp nhận tù binh và giải quyết chiến trường.
Sư đoàn 320 làm nên chiến thắng Cheo Reo trong trận truy kích địch trên Đường 7-Cheo Reo (16/3 – 24/3/1975) trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Sư đoàn 320 làm nên chiến thắng Cheo Reo trong trận truy kích địch trên Đường 7-Cheo Reo (16/3 – 24/3/1975) trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Vận dụng linh hoạt phương pháp tác chiến, thay đổi phương pháp tiến công theo diễn biến chiến đấu, dùng hỏa lực pháo binh đánh phá mãnh liệt, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận, làm cho địch càng hang mang đến cực độ, nhanh chóng tan rã từng cụm; vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, tiến công địch phòng ngự trong quận lỵ, thị xã, vận động tiến công, vận động tiến công kết hợp chốt, vận động bao vây tiến công liên tục, truy kích và các thủ đoạn bao vây, chia cắt, vu hồi, đón lõng, thọc sâu; với trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng, các đơn vị trên các hướng, mũi, giữa lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, tiêu diệt từng phần tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy với hiệu suất chiến đấu cao, thể hiện trình độ vận dụng phương pháp tác chiến, chiến thuật trong tổ chức, chỉ huy, điều hành tác chiến của chỉ huy các cấp.
Tổ chức tiến công địch rút bỏ Tây Nguyên trên Đường số 7 thắng lợi, ta tiêu diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ các lực lượng chủ lực và địa phương quân còn lại của địch ở Tây Nguyên, đã đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm giữ đồng bằng Trung Bộ của địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch.
Sau chiến thắng Tây Nguyên, tương quan so sánh lực lượng và thế trận gữa ta và địch có sự thay đổi căn bản, quân đội và chính quyền Sài Gòn hết sức lúng túng, hoang mang, tạo một chấn động lớn đến tinh thần binh sĩ địch trên các chiến trường, tạo bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Chiến thắng trong trận đánh địch rút chạy trên Đường số 7 trong Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ chứng minh về lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương mà còn đánh dấu về trình độ chỉ huy, điều hành tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch, trên tinh thần đoàn kết hiệp đồng, quyết tâm chiến đấu cao, nắm bắt thời cơ, nhận định đúng tình hình, hạ quyết tâm chính xác, chuyển hóa thế trận chiến dịch, phát huy sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến dịch trong thắng lợi.
Những bài học kinh nghiệm quý từ trận tiến công địch rút chạy khỏi Tây Nguyên trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Chiến thắng trong trận đánh địch rút chạy trên Đường số 7 trong Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ chứng minh về lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương mà còn đánh dấu về trình độ chỉ huy, điều hành tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch, trên tinh thần đoàn kết hiệp đồng, quyết tâm chiến đấu cao, nắm bắt thời cơ, nhận định đúng tình hình, hạ quyết tâm chính xác, chuyển hóa thế trận chiến dịch, phát huy sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến dịch trong thắng lợi.
Xe tăng quân giải phóng tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
[1] Ngày 15 tháng 3, địch rải quân chốt bảo vệ và sửa chữa Đường 7, ngày 16 rút khỏi Kon Tum, ngày 17 rút khỏi Pleiku.
[2] Từ Tuy Hòa đồng khởi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh - Một số dấu ấn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.193.
[3] Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.476.
[4] Được tăng cường Trung đoàn 95B, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn xe tăng 273 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên.