Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Huế, không khó để bắt gặp những gương mặt trẻ. Họ là du khách Việt Nam và cả du khách nước ngoài, đến để tham quan, tìm hiểu, nhưng cũng có người đến để có cái nhìn hiện thực sau khi đọc cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” về thời thơ ấu của Bác Hồ.

Du khách trẻ tìm hiểu về vị lãnh tụ của dân tộc

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế vào buổi chiều muộn, mặc dù sắp đóng cửa nhưng vẫn có nhiều khách tham quan rảo bước trong các khu vực trưng bày, ngắm nghía, chụp hình, thậm chí ghi chép. Nguyễn Mạnh Linh (Hà Nội) là một trong số những du khách như vậy. Anh đứng xem rất kỹ những hiện vật, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế, tỉ mỉ chụp hình, lưu lại nhiều hình ảnh của khu trưng bày.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế nhìn từ trên cao. Ảnh : Internet

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế nhìn từ trên cao. Ảnh : Internet

Chia sẻ về những cảm nhận tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, Nguyễn Mạnh Linh cho biết, anh vào đây một cách hết sức tình cờ. Ban đầu, anh thuê xe máy đi theo cung đường này để đến tham quan Trường Quốc học Huế, nơi Bác Hồ theo học thời niên thiếu tại Thành phố Huế.

Cơ duyên đưa tôi đến với những di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế chính là cuốn tiểu thuyết ‘Búp sen xanh’ của nhà văn Sơn Tùng. Tôi yêu thích cuốn sách này từ nhỏ, và khi đọc, tôi luôn mong mỏi sẽ được tận mắt chứng kiến những địa điểm từng in dấu chân của Bác, từng là nơi Bác sinh sống và trải qua tuổi thơ, thời niên thiếu ở đây.
Du khách Nguyễn Mạnh Linh

Nguyễn Mạnh Linh cho rằng, tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã rất thành công trong việc phác họa được thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ với những con chữ, người đọc chỉ có thể hình dung được phần nào câu chuyện. Khi đến với những địa điểm là di tích của Người tại Huế, những hình dung ấy qua cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thiện. “Những hiện vật, hình ảnh, câu chuyện tại Bảo tàng đã giúp cho những hình dung ấy trở nên cụ thể và sinh động hơn rất nhiều” – Nguyễn Mạnh Linh cho biết.

Nói về Bảo tàng, Nguyễn Mạnh Linh nhận xét, anh rất bất ngờ trước quy mô và những kỷ vật rất xúc động tại Bảo tàng. “Tôi rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật về thời thơ ấu của Người, những điều trước đây tôi chỉ được đọc qua những con chữ” – anh nói.

Cũng giống như Nguyễn Mạnh Linh, Nguyễn Thị Huyền, một du khách từ Hà Nội cũng đến Bảo tàng vào lúc rất muộn, nhưng vẫn cố gắng đi xem rất kỹ các nội dung trưng bày.

Nguyễn Thị Huyền cho biết, cô đang học Cao học, giảng viên môn Triết học kể nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi được nghe giảng viên kể nhiều chuyện về Bác, cho nên tôi muốn đến tham quan những di tích ở đây để được biết nhiều hơn về cuộc đời của Bác, về những câu chuyện chung quanh Bác”.

Nguyễn Thị Huyền cũng chia sẻ, cô rất xúc động khi đến Bảo tàng, được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật gắn bó với Bác và gia đình, những tấm hình chụp Bác với mọi tầng lớp nhân dân.

“Vượt qua kỳ vọng của tôi, Bảo tàng có quy mô rất lớn và có nhiều hình ảnh sinh động để người xem có được những hình dung cụ thể về Bác. Chuyến tham quan ở đây rất hữu ích cho bản thân tôi. Tôi thấy tự hào với dân tộc, đất nước mình và yêu Bác hơn”
Du khách Nguyễn Thị Huyền

Du khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Du khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ảnh: fahasha

Ảnh: fahasha

Du khách tham quan tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Mai Thúc Loan, Thành phố Huế.

Du khách tham quan tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Mai Thúc Loan, Thành phố Huế.

Những nơi in dấu chân Người tại Huế

Bảo tàng Hồ Chí Minh là một phần trong hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế. Theo bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế, hệ thống di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế hiện nay gồm có gần 20 di tích và điểm di tích về Người, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp thành phố và 1 Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Hồ Chí Minh là một phần trong hệ thống di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế. Theo bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế, hệ thống di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế hiện nay gồm có gần 20 di tích và điểm di tích về Người, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp thành phố và 1 Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hồ sơ di sản của Cục Di sản nêu rõ, 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt trong Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 158 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang); Đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang; Địa điểm Trường Quốc Học (số 12, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời có hai lần cùng gia đình đến sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trên đất Thừa Thiên Huế, đó là thời kỳ từ năm 1895-1901, khi Người mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi); và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906-1909, khi mang tên Nguyễn Tất Thành (16-19 tuổi).

Về học tập, tại làng Dương Nỗ, Người bắt đầu theo học chữ Hán từ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc (1898-1900); sau đó, theo học trường: Pháp - Việt Đông Ba (1906-1908), Quốc Học (1908-1909) là thời gian hình thành cho Người nền tảng tri thức ban đầu rất quan trọng cho cuộc hành trình cứu nước vĩ đại.

Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế đánh dấu quãng thời gian quan trọng trong bước trưởng thành về thể chất, tình cảm, nhận thức xã hội, cộng với trí tuệ kiệt xuất, tầm nhìn của một bậc vĩ nhân, nhãn quan chính trị sâu sắc đã bắt đầu định hình những tư tưởng lớn trên con đường cứu nước, cứu dân của Người trước tuổi 20.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan

Di tích là ngôi nhà đầu tiên Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống cùng thân sinh Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm từ năm 1895-1901.

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An. Năm 1895, cụ vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Chuẩn bị cho kỳ thi sau, cụ xin vào học trường Quốc Tử Giám ở Huế và được chấp nhận. Để có điều kiện chăm sóc con cái và gia đình, đồng thời là tạo nguồn động viên trong những tháng ngày đèn sách, cụ về quê, cùng vợ là bà Hoàng Thị Loan đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vào Huế.

Vào đây, gia đình Nguyễn Sinh Cung thuê được một gian nhà nhỏ tại đường Đông Ba, nay là nhà số 158, đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế.

Cổng vào Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh số 112 (nay là 158) đường Mai Thúc Loan.

Cổng vào Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh số 112 (nay là 158) đường Mai Thúc Loan.

Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ lúc nhỏ) đã có những năm tháng hạnh phúc cùng gia đình: Người cha mẫu mực nhưng nghiêm khắc, đêm ngày chuyên tâm chăm lo việc đèn sách; người mẹ hiền từ, đảm đang, tảo tần bên khung cửi; niềm vui khi đón em Nguyễn Sinh Xin chào đời.

Nhưng ngôi nhà này cũng in đậm trong tâm hồn Nguyễn Sinh Cung nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc khát sữa của em thơ. Và sự yêu thương, đùm bọc của bà con nghèo xứ Huế trong những ngày gian khó chính là nghĩa tình sâu nặng, những giá trị văn hóa góp phần hình thành nhân cách đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - Người suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ vào ngày 2/2/1993, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ

Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ, nay thuộc xã Phú Dương, thành phố Huế.

Di tích là ngôi nhà nơi Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sống cùng thân sinh Nguyễn Sinh Sắc, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học, từ năm 1898-1900.

Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình và cũng để ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy cho hai con đã đến tuổi học chữ. Ở đây, ông Nguyễn Sinh Sắc được gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ giao cho ngôi nhà tranh làm chỗ ở, đồng thời cũng là nơi mở lớp dạy học.

Cổng vào Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh số 112 (nay là 158) đường Mai Thúc Loan.

Cổng vào Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh số 112 (nay là 158) đường Mai Thúc Loan.

Học trò của cụ Sắc lúc đầu có Nguyễn Viết Kiên (con trai ông Nguyễn Viết Chuyên), Nguyễn Sĩ Kính, Nguyễn Sĩ Mại, Nguyễn Sĩ Khuyến (con trai ông Nguyễn Sĩ Độ).

Sau thời gian ngắn, người trong làng nghe tin có thầy đồ có tài, giàu lòng nhân đức, nên đã xin cho con cái mình học, nên hình thành hai lớp (lớp học trò lớn chuẩn bị thi Hương và lớp học trò mới vào).

Tại ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên.

Mặc dù mới học, nhưng Nguyễn Sinh Cung đã tỏ ra thông minh, tiếp thu nhanh, nhớ lâu, đối với mọi người lễ phép, hòa nhã, vui vẻ và ngay thẳng. Học trò trong lớp thường kiểm tra nhau về thuộc bài, giải nghĩa, viết lại bài học thì cả lớp thầy Sắc đều khâm phục trí thông minh, ham hiểu biết và trí nhớ chính xác của Cung.

Hai năm theo học cùng cha tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu được trong thời gian này là nền móng vững vàng cho sự phát triển về học vấn sau này.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ.

Thời gian sống ở đây hai người con trai Khiêm, Cung đang ở vào độ tuổi thiếu niên, với cảm quan trong sáng, nhạy bén, ham hiểu biết, thích khám phá những điều mới lạ. Cộng với tư chất thông minh, hiếu động của tuổi thơ, hai anh em rất thích tìm hiểu đời sống hiện thực ở chốn Kinh thành. Tại đây Nguyễn Sinh Cung được nghe cha cùng các bậc cao niên thường hay kể về đời sống của các bậc đế vương, sự hách dịch, ngạo mạn của quan lại thực dân, cùng với nỗi thống khổ của bà con lao động... tất cả những điều trên đều làm cho Nguyễn Sinh Cung suy nghĩ, tạo những dấu ấn đầu tiên về sự căm thù bọn cướp nước và lòng yêu thương những người dân cùng cực.

Kỳ thi Hội khoa Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Tháng 5/1906, ông vào Kinh nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ, là thuộc quan của triều đình.

Đình làng Dương Nỗ

Làng Dương Nỗ có ngôi đình bề thế, uy nghi được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), nằm bên dòng sông Phổ Lợi, phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, thành phố Huế, là di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Huế.

Trong những năm tháng theo cha và anh về sống học tập ở làng Dương Nỗ (1898-1900), ngôi đình làng Dương Nỗ là nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi ngắm cảnh, học bài.

Đặc biệt là dịp hội hè, tế lễ hàng năm của làng, Nguyễn Sinh Cung và bạn bè cùng lứa tuổi hòa chung với những sinh hoạt truyền thống vui tươi và lôi cuốn đến trực quan sinh động của tuổi thơ. Những khi vui chơi, học bài, xem hội, tình yêu quê hương đất nước đã chắp cánh cho tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung và Đình làng Dương Nỗ đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên.

Đình làng Dương Nỗ

Đình làng Dương Nỗ

Ngoài giá trị là di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Dương Nỗ còn mang những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của một thiết chế văn hóa làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo. Cùng với ngôi nhà lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ, đình làng Dương Nỗ đã khắc ghi trong tình cảm Bác Hồ những kỷ niệm của tuổi thơ trong sáng với nhiều trải nghiệm, khám phá, nơi đã có tác động không nhỏ đến tình cảm và nhận thức của Người.

Đình làng Dương Nỗ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 377/QĐ-BT ngày 23/12/1995, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.

Người dân làng Dương Nỗ cùng chung tay với chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: TTXVN

Người dân làng Dương Nỗ cùng chung tay với chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: TTXVN

Trường Quốc Học Huế

Trường Quốc Học được thành lập theo Dụ ngày 17/9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường Pháp-Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương.

Tháng 5/1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế sinh sống và học tập. Được cha đưa vào học Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành thông minh, ham học và học giỏi. Là học sinh xuất sắc của trường, kỳ thi Primaire 1908, Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của trường Quốc Học, niên khóa 1908-1909.

Trường Quốc Học

Trường Quốc Học

Vào học ở trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây sâu sắc hơn, nhưng anh cũng hiểu rõ hơn bản chất khai hoá mị dân của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà thực dân Pháp đang rao giảng.

Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước do các cụ Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can ...  khởi xướng đã tác động rất lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành, anh đã tham gia làm liên lạc cho các tổ chức yêu nước và vận động bạn cùng lớp ủng hộ các phong trào yêu nước. Đây là những hoạt động đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nguyễn Tất Thành, để từ đó anh quyết định tạm biệt mái trường Quốc Học, đi dần vào phía nam, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Giai đoạn Người theo học ở trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc Học, là giai đoạn mà Kinh đô Huế nổ ra nhiều phong trào cách mạng và Người đã không bỏ lỡ dịp nào để thu nhận những bài học thực tiễn. Người tham gia phong trào Duy Tân (Duy Tân có nghĩa là bỏ cái cũ kỹ, lạc hậu, xây dựng những cái mới mẻ), phong trào chống thuế.

Người học ở trường Quốc Học tuy chỉ có một năm nhưng lại là một năm hết sức quan trọng, tạo nên bước ngoặt lớn trên con đường hình thành tư tưởng cứu nước, cứu dân. Bởi đó là năm Người bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, với những suy nghĩ kiên định và chín chắn, đã hối thúc Người cần nhanh chóng tìm một hướng đi đúng cho dân tộc.

Với những giá trị tiêu biểu trên, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên – Huế (thành phố Huế và huyện Phú Vang), tỉnh Thừa Thiên – Huế được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

Phát huy giá trị hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế, hằng năm có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống tại Huế.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế cho biết, Trong thời gian qua, Bảo tàng đã làm nhiều phương án để thu hút khách du lịch đến với hệ thống di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế.

Chúng tôi đã xây dựng một đề án phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, nay là Thành phố Huế với rất nhiều nội dung, phối hợp với các công ty du lịch để xây dựng các tour tuyến cũng như đưa các di sản trong hệ thống di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chung với các hệ thống di sản khác trên địa bàn để khai thác, phát huy giá trị di tích trong du lịch, xây dựng những tour du lịch khép kín từ việc gắn kết các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các di tích cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các làng nghề truyền thống; tăng cường quảng bá để thu hút các đoàn khách du lịch; mở rộng không gian trưng bày tại Đình làng Dương Nỗ.
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Huế

Trong thời gian qua, du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đã đến với hệ thống di tích này rất đông và họ cũng rất thích thú đối với hệ thống di tích này.

Bà Lê Thùy Chi cũng cho biết, ngoài ra, Bảo tàng còn phối hợp với các sở giáo dục, các trường học để phát huy giá trị của di sản này trong giáo dục truyền thống đối với học sinh.

Hằng năm có một số lượng khách tham quan rất lớn là học sinh, sinh viên từ các trường đến để trải nghiệm và tìm hiểu về truyền thống cách mạng cũng như về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biêt là thời niên thiếu của Người ở Huế. Nhiều chương trình hoạt động ngoại khóa cũng được các đơn vị tổ chức tại các điểm di tích, đặc biệt là những chương trình dành cho thanh thiếu niên. Đó cũng chính là lý do ngày ngay ngày càng nhiều người trẻ tới tham quan và tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các điểm di tích này.

E-Magazine | Nhandan.vn
Tổ chức sản xuất: HỒNG VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN, CÔNG HẬU
Trình bày: VÂN THANH
Ảnh: TUYẾT LOAN, THANH TRÀ, Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế
Ngày xuất bản: 19/5/2025