Thúc đẩy hợp tác lao động

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), vài năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 700 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp nước ngoài tuyển lao động Việt Nam tại một ngày hội việc làm. Ảnh: LÊ MINH
Doanh nghiệp nước ngoài tuyển lao động Việt Nam tại một ngày hội việc làm. Ảnh: LÊ MINH

Hướng đến nhiều thị trường tiềm năng

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho biết, trong năm 2025, Cục sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung thúc đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế về hợp tác lao động, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa đi và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững, ổn định các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, trọng điểm (Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); khai thác để tăng dần số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số nước châu Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Phần Lan, CHLB Đức, Áo, Bulgaria...), thúc đẩy khai thông thị trường Mỹ và Canada, từng bước đẩy mạnh phát triển thị trường Australia, xúc tiến mở thị trường New Zealand... ở các ngành nghề mới có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Đánh giá về công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Bá Hoan cho rằng, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống NLĐ và đào tạo cho Việt Nam đội ngũ lao động hiểu biết về khoa học - công nghệ, tác phong lao động công nghiệp.

Về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, giữa tháng 1, Việt Nam với Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Tiếp theo, sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp… Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với Đức, trong đó có diễn đàn lao động Việt Nam với Đức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức.

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thị trường UAE rất tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan đang triển khai nhiều giải pháp để trong thời gian tới được tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE với số lượng càng nhiều càng tốt.

Dự kiến trước mắt có thể đưa 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc. UAE rất cần lao động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, phần mềm, máy tính... UAE có những ưu đãi đặc biệt, trả lương rất cao. Với lao động chất lượng cao thì thu nhập có thể lên đến 200.000 USD/năm/người. Ngoài lương, lao động chất lượng cao còn được hưởng những ưu đãi khác về y tế, cho con cái học hành, tiền nhà... Tuy nhiên, đối với lao động phổ thông, thí dụ như công nhân xây dựng thì thu nhập hạn chế. Ông Diệp cũng cho biết, phía Việt Nam đang đề nghị UAE tăng lương cho lao động phổ thông trong thời gian tới.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đàm phán với nhiều quốc gia có số lượng lao động Việt Nam lớn, nhằm mở rộng phạm vi hợp tác song phương về bảo hiểm xã hội (BHXH). Đơn cử, từ ngày 1/7/2025 (thời điểm Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực), lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc sẽ có cơ hội tích lũy thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi về nước. Quy định này, kết hợp với Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giúp bảo đảm quyền lợi của khoảng 300.000 người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Luật BHXH 2014 yêu cầu người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề) đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, Luật Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng quy định, người nước ngoài từ 18 đến 60 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc phải tham gia chương trình hưu trí giống như người dân bản địa. Điều này tạo ra tình trạng “đóng trùng”, khiến người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc phải đóng BHXH ở cả hai nước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH. Đây là bản hiệp định song phương đầu tiên được triển khai thực hiện tại Việt Nam và cũng là Hiệp định đầu tiên về BHXH của Việt Nam với một quốc gia khác.

Các quy định, nguyên tắc đã được Chính phủ hai nước ký kết trong Hiệp định liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc; cam kết đối xử bình đẳng giữa người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc khi làm việc trên lãnh thổ của nước kia như đối với công dân nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả quyền lợi BHXH.

Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về BHXH cho NLĐ của hai nước. Với quy định về tránh đóng song trùng BHXH, lao động đã được đóng BHXH tại đơn vị ở Việt Nam sẽ không cần phải đóng tại Hàn Quốc và ngược lại. Đồng thời, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Chính sách mới này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam mà còn tạo tiền đề mở rộng mô hình hợp tác sang các quốc gia khác có đông lao động Việt Nam đang làm việc.

Cơ hội nhiều nhưng tránh “bẫy” lừa đảo

Theo Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Bá Hoan, việc phát triển thị trường thời gian qua cũng tồn tại một số khó khăn. Trong đó, một số thị trường mới đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao, đặc biệt là các nước châu Âu như Đức, Áo… đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ B1, B2 khung châu Âu. Thị trường Nhật Bản yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật nhất định… Bên cạnh đó, việc tuyển chọn nguồn lao động cũng đối mặt không ít khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành tốt kỷ luật lao động, trong đó có thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, hiện nay Bộ chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp phải tuyển chọn kỹ và đào tạo bài bản.

Cánh cửa đi lao động nước ngoài có thể nói là tiếp tục rộng mở trong năm 2025. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy có tình trạng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, như thông tin về công việc, về lương không chính xác làm người lao động ảo tưởng thu nhập cao. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, không có việc giản đơn, đào tạo ngắn, không có ngoại ngữ lại được hưởng lương cao khi ra nước ngoài làm việc.

Nhức nhối nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động rồi không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho đơn vị khác. Từ đó khiến thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh - trật tự và làm tăng mức chi phí của người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian qua, cơ quan này đã xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp có các hành vi vi phạm, chủ yếu liên quan việc không tuân thủ đúng quy định về hợp đồng và các yêu cầu về báo cáo tài chính.

Trong khi đó, theo các chuyên gia lao động, một trong những vấn đề lớn của lao động Việt Nam là thiếu hụt trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù có sự nỗ lực trong công việc, nhiều lao động vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động quốc tế. Các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí… thì số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn ít. Điều này khiến lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.

Hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp được cấp phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian tới, số doanh nghiệp được cấp phép có thể nhiều hơn cùng với sự phát triển của thị trường lao động ngoài nước.