Thanh Hóa chủ động ứng phó thiên tai

NDO - Sự dữ dội của thiên nhiên không còn là bất ngờ, mà đã trở thành quy luật mới: mưa dài ngày, bão dồn dập, lũ quét bất thần. Ở vùng núi, nơi một trận mưa đêm có thể cuốn phăng cả sườn núi, chỉ có một cách: chuẩn bị trước, kỹ càng và thực chất từ con người đến kịch bản, từ từng mái nhà đến từng bản làng.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh Hóa chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.
Thanh Hóa chuẩn bị bước vào mùa mưa bão.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2024, địa phương này đã chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai các loại, từ 3 cơn bão lớn, 8 đợt mưa lớn kéo dài, đến các hiện tượng như lốc xoáy, sét, rét hại, lũ quét. Thiệt hại tuy không thảm khốc như một số năm trước, nhưng vẫn làm 3 người chết, hơn một nghìn căn nhà hư hỏng, hơn 40 điểm trường bị ảnh hưởng. Thiên tai cũng kích hoạt gần 950 sự cố lớn nhỏ, từ tai nạn giao thông, cháy nổ, đến đuối nước, tai nạn trên biển.

Thanh Hóa chủ động ứng phó thiên tai ảnh 1

Khẩn trương tìm phương án tái định cư cho người dân.

Trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng, Lang Chánh là cái tên không thể không nhắc đến. Là huyện vùng cao đặc trưng với địa hình chia cắt mạnh, dân cư sống ven sông, ven suối và dưới chân núi, Lang Chánh chịu nhiều thiệt hại trong năm vừa qua - chủ yếu do mưa lớn kéo dài sau bão số 3 và số 4. Trường trung học cơ sở Lâm Phú vốn nằm sát sườn đồi, bị nghiêng toàn bộ khối nhà hai tầng gồm 8 phòng học, thiệt hại ước tính riêng đã 15 tỷ đồng. Rừng keo, lúa nước, giao thông nông thôn... mọi thứ bị cuốn đi hoặc bị bóp méo bởi dòng nước hung dữ và đất đá sạt trượt.

Nhưng những con số không nói hết được sự căng thẳng trong những giờ phút chống chọi thực tế với mưa bão. Tại bản Giàng Vìn, xã Trí Nang, ngôi nhà cũ của ông Lê Phi Hân từng nằm bên sườn núi. “Vào mùa mưa thì căng thẳng lắm, hết sợ lũ quét lại đến sợ đất từ trên cao sạt xuống đầu. Nhưng may mà có chủ trương di dời, gia đình được bố trí tái định cư sang vị trí mới an toàn hơn,” ông Hân chia sẻ với nhóm phóng viên trong một buổi chiều mưa.

Cách đó hơn 20 cây số, tại làng Yên Lập, xã Yên Khương, gia đình anh Lò Văn Mắn cũng vừa dời nhà đến nơi ở mới vẫn ở trong làng, nhưng đã ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. “Chuyển đi đầu năm, giờ mưa không còn lo. Ở chỗ cũ, chỉ cần mưa ba hôm là đêm mất ngủ,” anh Mắn chia sẻ.

Ông Lê Văn Mạnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lang Chánh, cho biết công tác phòng chống thiên tai ở đây giờ gần như xoay quanh phương châm 4 tại chỗ, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về lực lượng, vật tư và phương tiện ứng cứu. “Không có kịch bản, không kịp trở tay. Thiên tai giờ không còn tuân theo lịch cũ,” ông Mạnh nhận xét.

Thanh Hóa chủ động ứng phó thiên tai ảnh 2

Diễn tập cho các tình huống mưa bão khẩn cấp.

Khác với Lang Chánh thiên về địa hình đồi núi hiểm trở, huyện Cẩm Thủy lại là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du. Đặc điểm đó khiến thiên tai ở đây đến từ các dòng chảy lớn từ thượng nguồn đổ về, gây áp lực trực tiếp lên hệ thống hồ chứa và thủy lợi.

Ông Phạm Văn Tài, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cẩm Thủy, cho biết huyện hiện đang quản lý 106 hồ đập, công trình dâng nước và 44 trạm bơm lớn nhỏ. “Mỗi công trình là một điểm tựa mùa mưa bão, nhưng nếu không kiểm soát tốt thì chính nó có thể trở thành hiểm họa,” ông Tài nói.

“Chỉ tiêu vật tư phòng chống lụt bão đã được bổ sung cụ thể cho từng cụm. Với những điểm có dấu hiệu xuống cấp, huyện đã chủ động sửa chữa, gia cố, đến nay có thể khẳng định là không còn hồ đập nào ở Cẩm Thủy thuộc diện mất an toàn nữa”, ông Tài chia sẻ.

Thanh Hóa chủ động ứng phó thiên tai ảnh 3

Diễn tập giả định tình huống vỡ đê.

Không chỉ dừng ở việc tu bổ cơ sở hạ tầng, huyện còn tổ chức nhiều buổi diễn tập phòng chống thiên tai tại các xã có nguy cơ cao.

Tại xã Cẩm Lương, nơi vào năm 2024 từng bị ngập sâu, buộc hơn 200 hộ dân phải di dời, người dân nay đã quen với những buổi diễn tập định kỳ: dựng lều tạm, sơ tán người, cắt điện cục bộ và liên lạc bằng bộ đàm. “Thời trước cứ mưa là ai ở nhà nấy, còn giờ ai cũng biết mình phải làm gì,” một cán bộ xã chia sẻ.

Ở cấp tỉnh, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Thiên tai không còn là hiện tượng bất thường mà là trạng thái thường trực. Vì thế, các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, không được buông lỏng công tác chỉ huy, nhất là trong cao điểm mùa mưa lũ 2025.”

Ông Giang yêu cầu, ngay sau khi hoàn thành việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chính quyền cấp xã phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của cơ quan tham mưu, chỉ huy điều hành phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của địa phương.

Thanh Hóa chủ động ứng phó thiên tai ảnh 4

Miền núi xứ Thanh yên bình trước mùa mưa bão.

Ở tỉnh Thanh Hóa, nhìn từ huyện Lang Chánh, nơi những người như ông Hân và anh Mắn đang bắt đầu cuộc sống mới ở khu vực an toàn, hay ở huyện Cẩm Thủy, nơi hồ đập đã được gia cố, và người dân đã quen với các tình huống giả định, có thể thấy rõ một điều: Chủ động là vũ khí duy nhất con người có thể có trong cuộc đối đầu với thiên nhiên. Không thể chống lại bão giông, nhưng có thể lựa chỗ an toàn trong bão. Chẳng thể ngăn được lũ, nhưng có thể học cách để không bị nước cuốn trôi.