"Tất cả vì miền nam ruột thịt"

Ðã được lịch sử chứng minh qua 60 năm: việc đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, và nhất là con em miền nam tập kết ra bắc là một chủ trương, định hướng tài tình của Ðảng và Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc ta hơn nửa thế kỷ qua.

Lớp 3B Trường học sinh Miền Nam số 18 ở Hải Phòng (năm 1958). Ảnh tư liệu gia đình
Lớp 3B Trường học sinh Miền Nam số 18 ở Hải Phòng (năm 1958). Ảnh tư liệu gia đình

Tài tình này không chỉ ở chủ trương, đường lối mà còn ở tài tổ chức thực hiện và tầm nhìn xa rộng về tương lai.

Theo điều khoản của Hiệp định đình chiến trên bán đảo Ðông Dương (còn gọi là Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 20-7-1954), thì Việt Nam bị tạm thời chia làm hai miền bắc, nam trong vòng hai năm và có 100 ngày cho việc chuyển lực lượng của mỗi bên qua vĩ tuyến 17, nằm ở tỉnh Quảng Trị được lấy làm giới tuyến chia cắt hai miền.

Nhưng có lẽ đã quá hiểu kẻ địch, Ðảng và Bác Hồ đã kịp tổ chức đưa được hàng vạn cán bộ, bộ đội và nhất là con em của đồng bào miền nam ra bắc, tránh được tổn thất to lớn có thể ập đến ngay sau đó. Thật vậy, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ngay lập tức bị Ngụy quyền miền nam cùng bọn can thiệp Mỹ phá vỡ. Cả miền nam chìm trong tang thương, đen tối của những cuộc thanh trừng, bắt bớ dã man, tàn bạo. Nhà tù, trại giam, ấp chiến lược mọc lên với lớp lớp hàng rào dây thép gai, xóa đi cảnh làng quê thanh bình truyền thống ngày nào.

Hy vọng "Hai năm nữa con trở về..." chỉ còn là giấc mơ, nhất là đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng miền nam ra bắc tập kết. Số này, phần lớn là không đi cùng cha mẹ, hoặc không có cha mẹ (là các con liệt sĩ). Các cháu được đi tập trung theo đoàn, đội để ra bắc và sau đó được nuôi dạy ở các trường chuyên lập gọi là Trường học sinh miền nam (HSMN). Qua 21 năm tồn tại, hàng chục nghìn con em miền nam, những "hạt giống đỏ" được đào tạo tại các trường HSMN là nguồn nhân tài, vật lực to lớn, dồi dào của cách mạng Việt Nam. Ðó chính là thành quả của tầm nhìn chiến lược tài tình của Ðảng và Bác Hồ.

Trên đất bắc, HSMN khi trưởng thành, lớp thì xung phong trở về miền nam chiến đấu, lớp tham gia xây dựng và chiến đấu ở miền bắc, nhiều người trong số họ được đưa ra nước ngoài để được đào tạo ở trình độ cao hơn, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước khi hòa bình, thống nhất. Nhiều cô bé, cậu bé HSMN ngày nào đã trở thành những Anh hùng LLVT, Anh hùng LÐ, những giáo sư, bác sĩ ưu tú, là các doanh nhân, nghệ sĩ tài ba, các nhà lãnh đạo cấp bộ, tỉnh, thành phố của đất nước trong nhiều năm qua.

Là một trong số những thiếu niên, nhi đồng được đi ra bắc tập kết 60 năm trước, nhớ lại, chúng tôi không khỏi kinh ngạc và thừa nhận đúng thật là tài tình: làm sao mà chỉ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ có hơn hai tháng (tức đầu tháng 10-1954) mà chuyến tàu đầu tiên ra bắc đã được thực hiện! Phải lập được danh sách người đi, phải tổ chức thành đoàn, đội và phải có phương tiện vận chuyển... trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, hàng vạn người từ khắp các tỉnh, thành phố miền nam, từ Quảng Trị đến Bình Thuận, lên các tỉnh Tây Nguyên rồi vào các tỉnh của miền Ðông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, đến tận đất mũi Cà Mau đã được tập kết an toàn ra bắc.

Phương tiện ra bắc lúc đó chủ yếu là tàu thủy (do Liên Xô và Ba Lan giúp đỡ). Thật khó khăn, mệt mỏi như thế nào đối với những người phải đi bằng phương tiện này, lại phải chịu đựng thời gian dài hàng tháng như đối với số xuất phát ra đi từ bến Chắc Băng mũi Cà Mau.

Tổ chức đi đã khó, tổ chức đón nhận, bố trí sắp xếp nơi ăn, chốn ở, việc làm và việc học tập của chừng ấy con người quả là một khối công việc đồ sộ, bản thân chúng tôi không tưởng tượng nổi. Thời điểm chúng tôi ra bắc là vào giữa mùa đông. Giá lạnh cùng nỗi cô đơn, nhớ nhà làm lòng chúng tôi thêm tê tái. Nhưng chúng tôi đã vượt qua, nhờ được sưởi ấm bằng tình thương yêu đùm bọc của đồng bào miền bắc, sự quan tâm, chăm sóc tận tình của Ðảng và Bác Hồ. Ấm áp từ những ổ rơm được chuẩn bị trước cho các cháu, từ những bữa cơm canh ngon ngọt, đủ đầy sau những ngày đi đường mệt mỏi và mãi sau này cũng vẫn vậy. Nhân dân miền bắc với tình cảm của hậu phương lớn, không tiếc thứ gì để chăm sóc chúng tôi với tinh thần: "Tất cả vì miền nam ruột thịt".

Năm 2014 là một năm đặc biệt, vào tầm thời gian này 60 năm trước, các trường HSMN được thành lập trên đất bắc đón con em miền nam ra tập kết với tất cả tình cảm chia sẻ, đùm bọc, thương yêu như ruột thịt. Là một HSMN chúng tôi vô cùng tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trong thời đại này, dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ và đặc biệt với tấm lòng: "Tất cả vì miền nam ruột thịt" của đồng bào miền bắc đối với chúng tôi, những người được trực tiếp thụ hưởng!