Thời gian qua, các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định đã có nhiều chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Song, du lịch di sản cũng gây không ít tác động tiêu cực đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Do đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch là vấn đề cấp bách hiện nay.
Một trong những cách thức để thực hiện điều đó là trong mô hình du lịch cộng đồng cần phải đề cao vai trò của người dân bản địa. Người dân phải thật sự là chủ nhân có quyền tham gia các hoạt động du lịch và phải được hưởng lợi từ đó. Các doanh nghiệp Nhà nước nên chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua hệ thống các dịch vụ thuộc cộng đồng như: nhà nghỉ của người dân (homestay), kinh doanh sản phẩm đồ thủ công, cung cấp các dịch vụ ăn uống, di chuyển… để cộng đồng có động lực, hào hứng tham gia vào quá trình phát triển du lịch địa phương.
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hoạt động nghề và làng nghề truyền thống vẫn được bảo lưu và trao truyền như: nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá… Với nguồn ẩm thực đa dạng, phong phú, cầu kỳ trong cách chế biến để mang hương vị riêng, các món ăn đặc sản núi rừng như: lợn đen, gạo đỏ, lá mì, măng đắng, rau rừng, cá suối… đã tạo nên chuỗi giá trị ẩm thực vô cùng phong phú tại các bản làng vùng cao. Bên cạnh đó, mỗi vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại có một không gian, kiến trúc, sắc thái văn hóa riêng, đặc sắc, hấp dẫn, và được xem là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp để tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
![]() |
Cần lựa chọn những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của từng dân tộc thiểu số để gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch. Ảnh: Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Vân Canh. |
Vân Canh là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Định, diện tích tự nhiên khoảng 804,2km2, với 7 đơn vị hành chính (6 xã, 1 thị trấn Vân Canh). Vân Canh có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch, là một trong những huyện có hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng, bao gồm nhiều diện tích rừng thứ sinh tập trung, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Huyện Vân Canh có làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận nổi tiếng với truyền thống dệt vải thổ cẩm, ẩm thực đa dạng cùng các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng, có tính cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch. Tận dụng tiềm năng đó, du lịch cộng đồng hiện đang được huyện ưu tiên đầu tư phát triển để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và du khách.
Thế nhưng, qua khảo sát thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch tại huyện Vân Canh dù khá phong phú và đa dạng, song vẫn còn đang ở dạng tiềm năng và chưa được đầu tư khai thác. Các sản phẩm du lịch hiện còn rất đơn giản và ít những hoạt động trải nghiệm cho du khách, các dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng còn hạn chế chưa bảo đảm nên khách du lịch có phần e ngại khi tới đây.
Vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, các địa phương cần có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan làng xóm và các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện hướng dẫn các cơ quan và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội nhằm giới thiệu đến du khách và bạn bè trong và ngoài huyện về bản sắc văn hóa, đất và con người Vân Canh.
Ngoài ra, để quảng bá làng dệt thổ cẩm và hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Hà Văn Trên, UBND huyện Vân Canh đã hỗ trợ xây dựng pano quảng bá về làng dệt thổ cẩm và tủ trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tại địa phương. Đồng thời mở lớp tập huấn truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch.
Thiết nghĩ, để du lịch địa phương phát triển một cách bền vững và không làm ảnh hưởng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào, bên cạnh sự thông hiểu, chung sức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp du lịch thì chính đồng bào dân tộc thiểu số là chủ thể đóng vai trò quan trọng quyết định để tạo ra sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Điều này cần được thể hiện qua sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sao cho phù hợp tình hình thực tế địa phương. Do vậy, cộng đồng phải đoàn kết, nhìn nhận rõ giá trị cộng đồng có thể mang lại và dựa trên giá trị vốn có của từng vùng miền mà lựa chọn ra những giá trị phù hợp, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của địa phương.