Sức bật sau những kỷ lục

Giải bơi vô địch quốc gia 2025 dành cho hồ ngắn (25m) đã chứng kiến sự bùng nổ của các kình ngư trẻ Việt Nam. Nhiều kỷ lục quốc gia được thiết lập cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của họ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang Thuấn về đích ở nội dung 400m hỗn hợp nam, hơn đàn anh Hưng Nguyên tới gần chín giây. Ảnh: VASA
Quang Thuấn về đích ở nội dung 400m hỗn hợp nam, hơn đàn anh Hưng Nguyên tới gần chín giây. Ảnh: VASA

Nhiều bất ngờ thú vị

Lần gần nhất các tuyển thủ cạnh tranh là Giải vô địch các vận động viên bơi, lặn xuất sắc quốc gia 2024 (diễn ra từ tháng 12 tại Tây Ninh). Ba tháng sau, tất cả lại bước vào chu kỳ kiểm tra chuyên môn tiếp theo. Đây là một phần quan trọng trong công tác huấn luyện nhằm nắm bắt tốc độ phát triển và kinh nghiệm tích lũy ở mỗi kình ngư, đồng thời giúp thúc đẩy quá trình tuyển chọn những gương mặt xuất sắc cho đội tuyển quốc gia.

Sau sáu ngày tranh tài gay cấn, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại giải đấu ở vị trí số 1 với 17 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và chín huy chương đồng. Hai kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm và Lương Jeremie Loic Nino đã góp công lớn vào chiến thắng của đoàn mình. Mỗi người đều có một nội dung phá kỷ lục quốc gia. Đặc biệt, Phương Trâm đóng góp tới 10 huy chương vàng và Lương Jeremie đoạt bảy huy chương vàng.

Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng huy chương là đoàn Quân đội, với 11 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và chín huy chương đồng. Nổi bật nhất trong số đó là kình ngư 16 tuổi Nguyễn Thúy Hiền. Cô đã giành tới sáu huy chương vàng và phá tới năm kỷ lục quốc gia.

Trước khi giải đấu khai màn, nhiều chuyên gia dự đoán khoảng thời gian đầu năm chưa phải chu kỳ cao độ của các vận động viên. Thế nhưng, hàng loạt kỷ lục quốc gia được phá đã tạo nên sự bất ngờ lớn.

Điển hình như ở nội dung tiếp sức 4x50m hỗn hợp nam, đội hình các kình ngư Thành phố Hồ Chí Minh (gồm Lương Jeremie, Gia Hoàng, Sỹ Nhất và Duy Khôi) đã phá kỷ lục do Đội tuyển tiếp sức 4x50m nam quốc gia xác lập từ năm 2009 (1 phút 42 giây 69) bằng thành tích 1 phút 40 giây 45. Bên cạnh đó, đội hình nữ của họ cũng phá sâu kỷ lục quốc gia cũ ở nội dung tiếp sức 4x50m hỗn hợp nữ (1 phút 57 giây 30) với kết quả mới là 1 phút 54 giây 27 - nhanh hơn tới ba giây.

“Trong cả sáu ngày thi đấu, giải đều đặn có kỷ lục quốc gia mới được thiết lập. Các vận động viên trẻ thi đấu với chất lượng chuyên môn cao, luôn cạnh tranh hấp dẫn ở các nội dung. Do đó, những người làm công tác đào tạo sẽ có được đánh giá chính xác về các gương mặt tài năng để tiếp tục chuẩn bị cho tương lai”, đại diện bộ môn bơi của Cục Thể dục-Thể thao Việt Nam, bà Lê Thanh Huyền chia sẻ.

Tiềm năng rộng mở từ lứa trẻ

Tại giải đấu lần này, tất cả các huấn luyện viên của Đội tuyển bơi Việt Nam cùng chuyên gia người Brazil Gustavo đều có mặt để theo sát quá trình thi đấu của từng cá nhân. Các tuyển thủ được quan sát kỹ càng không chỉ về thông số chuyên môn, mà còn được điều chỉnh cả về phong cách thi đấu thực tế.

Nhìn vào kết quả của giải đấu lần này, các tuyển thủ của Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn được đánh giá là những người có chuyên môn tốt nhất. Song, các kình ngư giành nhiều huy chương vàng cá nhân, như Phương Trâm, Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo hay Lương Jeremie... giờ đã bước qua ngưỡng tuổi 20. Để phục vụ cho mục tiêu dài hạn như đấu trường châu lục hay sân chơi Olympic, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia chủ yếu sẽ hướng sự chú ý tới lứa vận động viên ở quãng 15 đến 18 tuổi. Thực tế, giải đấu năm nay cũng mang đến vô số bất ngờ thú vị.

Gương mặt trẻ Trần Văn Nguyễn Quốc đã vượt qua những đàn anh (như Huy Hoàng, Ngọc Vinh...) để vô địch nội dung 200m tự do. Ở cự ly 50m tự do nam, Nguyễn Quốc cũng giành huy chương vàng và phá kỷ lục quốc gia do Quý Phước xác lập năm 2017. Tới đường đua 100m, tài năng trẻ của đoàn Đà Nẵng chỉ chịu thua Lương Jeremie để cán đích thứ hai. Đây được xem là giải đấu thăng hoa nhất trong sự nghiệp của chàng trai 17 tuổi.

Một trường hợp đặc biệt khác có thể kể đến là Nguyễn Thúy Hiền. Ở độ tuổi 16, nữ kình ngư đã giành tới sáu huy chương vàng và phá năm kỷ lục quốc gia. Kết quả chuyên môn ấn tượng tại giải đấu này là tiền đề để ban huấn luyện đội tuyển quốc gia tiếp tục điều chỉnh giáo án chuyên môn phù hợp, giúp cô gái trẻ có thể bứt phá hơn nữa.

Theo bà Lê Thanh Huyền, các kình ngư trẻ hoàn toàn có đủ cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hay thậm chí vượt qua thế hệ đàn anh, đàn chị. Do đó, càng có thêm nhiều gương mặt trẻ làm nên bất ngờ, ban huấn luyện càng trân trọng nỗ lực đào tạo của từng địa phương. Bơi lội Việt Nam, nhờ đó, cũng có thêm nhiều nguồn lực để phục vụ quá trình phát triển đường dài.

Giải vô địch quốc gia 2025 dành cho hồ ngắn (25m) là giải quốc nội đầu tiên trong hệ thống thi đấu quốc gia năm nay. Theo kinh nghiệm chuyên môn, đây được xem là một trong những bài kiểm tra để các huấn luyện viên tìm kiếm và phát hiện thêm những nhân tố triển vọng. Còn màn so tài ở hồ bơi truyền thống (50m) mới là thước đo chính xác về chuyên môn.

Dẫu vậy, từ giải đấu này, những tài năng như Nguyễn Quốc, Khả Nhi, Thúy Hiền hay Quang Thuấn... sẽ được quan sát kỹ càng hơn để có sự chọn lọc nhân sự cho đội tuyển quốc gia.