Sự cạn kiệt của nguồn nước...

và câu hỏi quản trị toàn cầu

Ảnh: Thành Đạt.

Ảnh: Thành Đạt.

Nước sạch đóng vai trò thiết yếu đối với mỗi người và quá trình phát triển của một quốc gia. Nhưng thực tế, người dân nhiều nơi thường xuyên gặp cảnh mất nước hoặc chất lượng nước không đảm bảo, cơn khát nước sạch càng nóng trong những tháng cao điểm mùa hè, có khi còn là cảnh thiếu nước ngay giữa mùa mưa, thậm chí là sống cạnh công trình cấp nước những vẫn không có nước sạch để sử dụng.

Cho đến những đợt hạn hán gần đây tại châu Âu và Hoa Kỳ, các cường quốc trên thế giới vẫn có xu hướng cho rằng tình trạng thiếu nước chủ yếu là vấn đề của các nước nghèo. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và việc khai thác nước quá mức bởi các hoạt động của con người, một nửa dân số thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên thiết yếu này.

Trên khắp thế giới, các căng thẳng xã hội liên quan đến việc tiếp cận nước ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Cho đến gần đây, nước hiếm khi xuất hiện trên các trang nhất của báo chí. Thế nhưng, việc quản lý nước lẽ ra phải là một trong những chủ đề cấp bách và thiết yếu hàng đầu. Các giải pháp đã tồn tại, nhưng các chính phủ vẫn chưa quan tâm đúng mực.

Ông Nicolas Maineti, Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chia sẻ trong một buổi toạ đàm về “Sự cạn kiệt của nguồn nước” vừa qua ở Hà Nội cho biết, tài nguyên thiên nhiên nước đang cạn kiệt, đó là một sự thật hiển hiện trong thế giới hiện nay. Nước được xem là một tài sản chung vốn tưởng như vô tận nhưng hoá ra không phải như vậy. Việc nguồn nước cạn kiệt đang là sự cảnh báo đòi hỏi chúng ta phải hành động.

Ông Nicolas Maineti, Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Nicolas Maineti, Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Các chủ đề về môi trường, đại dương, núi lửa và đặc biệt là tài nguyên nước, yếu tố đang ngày càng trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận toàn cầu. Và một câu hỏi đã được đưa ra “Liệu chúng ta đang đi đến sự hồi kết của nước sạch?” kéo theo đó là một loạt các câu hỏi khác đầy tỉnh cảnh báo: Chúng ta đang tiến tới sự cạn kiệt của nguồn nước? Hoặc ít nhất là sự kết thúc của nước sạch dễ tiếp cận và giá rẻ?”- ông Nicolas Maineti nói.

Trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu nước vẫn thường được xem là vấn đề của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, và việc khai thác quá mức đã khiến một nửa dân số thế giới hiện nay phải đối mặt với khan hiếm nước, kể cả tại các cường quốc như Hoa Kỳ hay các nước châu Âu.

Giáo sư Simon Porcher, Pháp đã chỉ ra rằng, nước không chỉ là một thách thức môi trường, mà còn là vấn đề về quản trị, bất bình đẳng, và xung đột xã hội. Phân tích về việc “nước ngọt là tài nguyên hiếm”, Giáo sư Simon Porcher khẳng định, dù Trái Đất có 70% là nước, chỉ khoảng 2,5% là nước ngọt nhưng trong số đó, chỉ 1% thực sự dễ tiếp cận. Phần còn lại bị “khóa” trong băng hoặc nằm sâu trong lòng đất.

Giáo sư Simon Porcher, là giáo sư đại học ngành khoa học quản lý tại Đại học Paris Dauphine-PSL. Nghiên cứu của ông tập trung vào quản lý và định giá dịch vụ công về nước.

Giáo sư Simon Porcher, là giáo sư đại học ngành khoa học quản lý tại Đại học Paris Dauphine-PSL. Nghiên cứu của ông tập trung vào quản lý và định giá dịch vụ công về nước.

Phần lớn nước ngọt bị 'khóa' trong băng hoặc nằm sâu trong lòng đất...
Giáo sư Simon Porcher

Cũng theo Giáo sư Simon Porcher, khủng hoảng nước là vấn đề toàn cầu. Không chỉ xảy ra ở các nước nghèo, thiếu nước hiện diện cả ở các cường quốc do nhu cầu tiêu thụ quá lớn, đặc biệt trong công nghiệp và nông nghiệp.

Và cũng chính nước là nguyên nhân của bất bình đẳng. Hơn 2 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để uống. Không chỉ xảy ra giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, bất bình đẳng còn tồn tại ngay trong lòng đô thị, nơi cư dân khu ổ chuột phải trả giá nước cao hơn người sống ở khu trung tâm, dù chất lượng thấp hơn.

Thậm chí, nước là nguồn cơn của xung đột, từ Bolivia đến Mexico, từ Trung Đông đến châu Á, nước không chỉ là nhu cầu sinh tồn, mà còn là tâm điểm của nhiều mâu thuẫn xã hội, kinh tế và chính trị.

Khủng hoảng trầm trọng do hạn hán ở vùng Sừng Châu Phi. Ảnh: UNPF

Đợt hạn hán nghiêm trọng tại Ninh Thuận, Việt Nam năm 2016. Ảnh: Thành Đạt

Những năm gần đây, các cuộc biểu tình về giá nước tại Bolivia hay căng thẳng quanh sông Niles cho thấy rõ: nước không chỉ là tài nguyên tự nhiên, mà còn là nguồn quyền lực và lợi ích. Khi không có cơ chế chia sẻ công bằng và minh bạch, nước sẽ chuyển từ nhu yếu phẩm thành mồi lửa trong các cuộc đối đầu xã hội và địa chính trị.

Giáo sư Simon Porcher khuyến nghị, quản trị là vấn đề cốt lõi. Theo đó, tài nguyên nước không thể quản lý hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp giữa cộng đồng, chính quyền, khu vực tư nhân và giới khoa học. Tư duy "mỗi người mỗi việc" cần được thay thế bằng một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Song song là cần cấp bách triển khai những giải pháp khả thi và đa tầng.

Cũng theo Giáo sư Porcher, cần đổi mới mô hình tài chính ngành nước để khuyến khích tiết kiệm, đầu tư vào xử lý và tái sử dụng nước, giảm thất thoát qua hệ thống hạ tầng cũ, đồng thời tích hợp yếu tố sinh thái vào quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, cải cách mô hình kinh tế ngành nước sinh hoạt theo hướng thay vì chỉ tính phí theo lượng nước tiêu thụ, mô hình giá nước cần được điều chỉnh để đảm bảo vừa công bằng, vừa khuyến khích tiết kiệm. Điều này giúp cân bằng giữa mục tiêu môi trường và khả năng duy trì tài chính cho các đơn vị cung cấp nước.

Đáng chú ý, tiết kiệm nước trong nông nghiệp. Là lĩnh vực sử dụng nhiều nước nhất nhưng lại kém hiệu quả, nông nghiệp cần được cải tổ thông qua công nghệ tưới tiêu thông minh, chuyển đổi cây trồng và cải cách chính sách trợ giá, nhằm giảm thiểu lãng phí và tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

Quy trình sản xuất "xanh" tại trang trại của TH True Milk tại Nghệ An. (Ảnh: Thành Đạt)

Bên cạnh đó, tái sử dụng nước đã qua xử lý. Thay vì xả ra môi trường, nước thải có thể được xử lý để phục vụ cho các mục đích phi sinh hoạt như tưới tiêu, rửa đường hay làm mát nhà máy. Đây là giải pháp hiệu quả để giảm áp lực lên nguồn nước sạch, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Ngoài ra, bảo vệ và đầu tư vào vốn tự nhiên. Hệ sinh thái như rừng, đất ngập nước hay lưu vực sông đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước, lọc nước và điều tiết lũ lụt. Do đó, các chính sách quản lý nước cần gắn chặt với quy hoạch lãnh thổ và bảo tồn môi trường thay vì chỉ tập trung vào hạ tầng kỹ thuật.

Liên quan tới vấn đề về quản trị xuyên biên giới, đặc biệt với các lưu vực sông quốc tế như sông Mê Kông, nơi nguồn nước bị chia sẻ bởi nhiều quốc gia nhưng lại thiếu một cơ chế hợp tác toàn diện, “Cần có đối thoại không chỉ giữa các quốc gia láng giềng, mà cả với các quốc gia đầu nguồn, nơi nắm quyền kiểm soát dòng chảy”, Giáo sư Porcher nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng nước cần được nhìn nhận như một tài sản chung toàn cầu, không chỉ là hàng hóa kinh tế hay công cụ chính trị. Việc quản lý nước hiệu quả không thể đến từ một chiều (chính phủ) mà cần sự phối hợp từ chính quyền, cộng đồng, khoa học và khu vực tư nhân.

Chúng ta đủ hiểu biết, đủ giải pháp, nhưng vẫn thiếu một tinh thần hành động chung
Giáo sư Simon Porcher cảnh báo

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh; 173 sông suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm đạt khoảng 844,4 tỷ m3; trong đó tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 310-315 tỷ m3/năm, chủ yếu thuộc các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Vũ Gia-Thu Bồn.

Ngoài hệ thống sông, để đáp ứng yêu cầu tích trữ, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước, thủy điện, chống lũ lụt, Việt Nam còn có các hồ chứa nước. Cả nước hiện có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. Trong đó, khoảng 2.100 hồ đang vận hành (tổng dung tích hơn 34 tỷ m3) khoảng 240 hồ đang xây dựng (tổng dung tích hơn 28 tỷ m3), trên 510 hồ đã có quy hoạch (tổng dung tích gần 4 tỷ m3).

Đập chính thủy điện Plei Krong (Kon Tum). (Ảnh: Ngọc Hà)

Đập chính thủy điện Plei Krong (Kon Tum). (Ảnh: Ngọc Hà)

Trong số các hồ nêu trên, có khoảng 800 hồ thủy điện, tổng dung tích trên 56 tỷ m3 (gồm 59 hồ đang vận hành, 231 hồ đang xây dựng và hơn 500 hồ đã có quy hoạch xây dựng) và hơn 2.100 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích hơn 9 tỷ m3, phần lớn là hồ chứa nhỏ, đã xây dựng xong, đang vận hành.

Việt Nam cũng có lợi thế bổ sung nguồn nước, khi nằm trong số các quốc gia có lượng mưa lớn trên thế giới với lượng mưa trung bình năm khoảng 1.940-1.960mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3/ năm).

Tuy nhiên, lượng mưa của Việt Nam phân bố rất không đều theo không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong 4-5 tháng mùa mưa (chiếm 75-85% tổng lượng mưa năm), lượng mưa trong mùa khô chỉ chiếm 15-25%. Phía đông Trường Sơn thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ được ghi nhận là những khu vực có lượng mưa lớn trên cả nước.

Nguồn nước dưới lòng đất của Việt Nam cũng có trữ lượng tiềm năng khá lớn, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Tổng trữ lượng nước dưới đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam ước tính vào khoảng 91,5 tỷ m3/năm, trong đó, nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm, còn nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm.

Một em bé hứng nước tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Một em bé hứng nước tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Với trữ lượng nước hiện nay, tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 8.610 m3/người/năm, cao hơn so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ xét nguồn nước nội sinh, Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước do tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280 m3/ người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/ người/năm và mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm.

Với Việt Nam, mặc dù có hệ thống sông ngòi dày đặc thế nhưng lại được cảnh báo có thể sẽ thiếu nước trong 10 năm tới. Trong đó, ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu nước.

Theo báo cáo, hiện nay, hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa. Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú và dồi dào song Việt Nam cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương. Cùng với đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, mức độ rủi ro thiên tai ngày càng tăng đã khiến cho nguồn tài nguyên nước của nước ta đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên nước trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Trong việc quản lý sử dụng tài nguyên nước, việc điều chỉnh giá nước sạch với mục tiêu là đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất, kinh doanh nước sạch; đồng thời khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch và tạo tự chủ tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước.

Thực trạng trên là một điều đáng lo ngại với nguồn nước của Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt cả về mức độ và quy mô, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Một cô gái đi xách nước về dùng tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Một cô gái đi xách nước về dùng tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Niềm vui chở nước về nhà tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Niềm vui chở nước về nhà tại Ninh Thuận, mùa khô năm 2016. (Ảnh: Thành Đạt)

Các chuyên gia cảnh báo, những thiệt hại về môi trường còn kéo theo thiệt hại về kinh tế, GDP ngành nông nghiệp được dự đoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức sụt giảm khoảng 3,5% vào năm 2035. Đây chỉ là ước tính rất thận trọng của các nhà khoa học vì chỉ mới xét cho những tỉnh bị ô nhiễm nhất ở khu vực hạ lưu, còn trên thực tế cả nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, ước tính rơi vào khoảng 6% GDP vào năm 2035.

Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nước thải chiếm khoảng 80% tổng số nước thải tại các thành phố nhưng chỉ có khoảng 6% được xử lý.

Ông Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam khẳng định nguồn nước thải là hiểm họa môi trường hàng đầu tại Việt Nam.

Lực lượng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận mang nước sạch đến cho người dân thôn Tà Nôi. Ảnh: Thành Đạt

Lực lượng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận mang nước sạch đến cho người dân thôn Tà Nôi. Ảnh: Thành Đạt

Thêm nữa, thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thực trạng nhiễm mặn trong các nguồn nước sinh hoạt ngày càng cao. Đơn cử như gần đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn xâm nhập sớm và lâu hơn, lấn sâu vào nội đồng theo hệ thống sông, kênh rạch với những diễn biến phức tạp.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, một số vùng ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng như; Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre); Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang (Trà Vinh); Long Phú, Trần Đề (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Phước Long (Bạc Liêu)…

Ứng phó với tình trạng khan hiếm nước sạch tại Việt Nam

Bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề "nóng". Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1929/QĐ-TTg nêu rõ: mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng.

Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

Theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 65% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2030 và 100% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2045.

Mục tiêu Quốc gia về nước sạch nông thôn tại Việt Nam tới năm 2045. (Đồ họa: BÌNH AN)

Mục tiêu Quốc gia về nước sạch nông thôn tại Việt Nam tới năm 2045. (Đồ họa: BÌNH AN)

Tuy nhiên, nguồn nước nội sinh (sẵn có) hiện chỉ chiếm chưa đến 40%. Mặt khác, lượng mưa phân bố không đồng đều, nhiều khu vực lượng mưa hằng năm rất ít, khiến tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt khu vực nông thôn ở nhiều nơi ngày càng gay gắt...

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm do nước thải, giải pháp khắc phục suy thoái nguồn nước là phải sử dụng nguồn nước bền vững (các sông lớn, các hồ đập thủy lợi, thủy điện).

Bên cạnh đó, khu vực đô thị cần hình thành một số vùng cấp nước theo một hoặc một số nhà máy nước quy mô công suất lớn, có phạm vi cấp nước rộng không phụ thuộc địa giới hành chính; kết nối cấp nước đô thị với nông thôn trên địa bàn một tỉnh hay nhiều tỉnh.

Một người đàn ông vật lộn với vùng sụt lún tại điểm hạn mặn huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, mùa khô năm 2024. (Ảnh: Sơn Bách)

Một người đàn ông vật lộn với vùng sụt lún tại điểm hạn mặn huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, mùa khô năm 2024. (Ảnh: Sơn Bách)

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực từ mỗi cá nhân đến các cơ quan, cộng đồng, quốc gia.

Các chuyên gia cùng các nhà quản lý đều chung nhận định rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ nguồn nước của cộng đồng, đến tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm. Cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị, cần đồng bộ các nhóm giải pháp

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ nguồn nước.

Để giảm thiểu tình trạng thiếu nước sạch, trước hết cần đẩy mạnh vai trò của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. Yêu cầu bắt buộc các nhà máy sản xuất phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Siết chặt và áp đặt hình phạt nghiêm minh đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

Thứ hai, sử dụng tài nguyên nước hợp lý và hiệu quả. Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống nước để kịp thời phát hiện và sửa chữa rò rỉ.

Thứ ba, tích cực tiết kiệm nước trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Chú ý quản lý lượng nước đầu vào, sử dụng công nghệ tiên tiến. Ưu tiên áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm cho cây trồng trong nông nghiệp như tưới phun sương, tưới màng sương. Xử lý nước thải và tái sử dụng nước một cách hiệu quả, thiết kế các công trình tiết kiệm nước như bồn rửa tích hợp toilet để tận dụng nước thải.

Thứ tư, trồng rừng để bảo vệ nguồn nước. Tăng cường trồng rừng để gia tăng độ che phủ rừng, bảo vệ và phát triển các khu vực rừng đầu nguồn. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ nguồn nước.

Một người đàn ông tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thẫn thờ trước mảnh ruộng hạn cháy của mình. Ảnh chụp mùa khô năm 2024. (Ảnh: Sơn Bách)

Một người đàn ông tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thẫn thờ trước mảnh ruộng hạn cháy của mình. Ảnh chụp mùa khô năm 2024. (Ảnh: Sơn Bách)

Thứ năm, ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật. Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. Phát triển các hệ thống xử lý nước thải hiện đại, thân thiện với môi trường. Áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để dự báo và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Thứ sáu, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững. Chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và công bằng giữa các quốc gia, chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia.

Cuối cùng, điều cơ bản và quan trọng nhất vẫn là ý thức từ mỗi cá nhân bởi bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi người cần có ý thức sử dụng tài nguyên nước hợp lý, nâng cao tinh thần tiết kiệm nguồn nước. Đó chính là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng thiếu nước sạch hiện nay.

Ngày xuất bản: 5/2025
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: VIỆT HÀ
Ảnh: THÀNH ĐẠT, SƠN BÁCH, TTXVN
Trình bày: SƠN BÁCH