SIPAS 2024: Gương soi chất lượng chính quyền

NDO - Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 tiếp tục đóng vai trò như một “tấm gương soi” phản ánh chân thực chất lượng điều hành và phục vụ của chính quyền các cấp. Với mức tăng trung bình trên toàn quốc, SIPAS 2024 cho thấy những chuyển động tích cực trong cải cách hành chính, song cũng bộc lộ rõ sự phân hóa giữa các địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến tham gia giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: CÔNG LÝ).
Người dân đến tham gia giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: CÔNG LÝ).

Qua phân tích kết quả tại 14 tỉnh, thành miền trung-Tây Nguyên, loạt bài này không chỉ nhận diện điểm nghẽn cải cách ở những nơi tụt hạng mà còn khơi mở những bài học thực tiễn và gợi mở giải pháp cho một nền hành chính phục vụ, thực chất và bền vững hơn.

Bài 2: SIPAS thấp: Cảnh báo từ thực tiễn

Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công) năm 2024 đã phản ánh rõ rệt chất lượng dịch vụ hành chính công tại các tỉnh miền trung-Tây Nguyên có chỉ số SIPAS thấp, đòi hỏi quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn từ chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nút thắt năng lực và hạ tầng công nghệ

Một trong những yếu tố cản trở tiến trình cải cách hành chính tại các tỉnh miền trung-Tây Nguyên như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Phú Yên… là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin phục vụ dịch vụ công trực tuyến cùng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa đồng đều.

Tại tỉnh Đắk Lắk, bà Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ), thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp để cải cách hành chính, nhưng điều kiện hạ tầng công nghệ, trình độ và kỹ năng sử dụng hệ thống của cán bộ công chức vẫn là rào cản lớn. Có nơi còn thiếu máy móc, nơi thì cán bộ chưa quen thao tác trên môi trường điện tử”.

Bà Lê Ngọc Anh cho biết thêm, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai các mô hình mới như “Một ngày không viết”, “Ngày không hẹn”, cải tiến quy trình xử lý công việc trên hệ thống liên thông phần mềm giữa các sở ngành, đơn vị. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đồng đều giữa các cấp.

Ở tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng: “Một phần nguyên nhân khiến SIPAS của tỉnh chưa được cải thiện mạnh là do cung cấp thông tin cho người dân chưa kịp thời, thủ tục còn rườm rà, giải quyết còn chậm”. Ông nhấn mạnh cần có một cuộc rà soát toàn diện quy trình thủ tục hành chính; đồng thời tăng cường năng lực tương tác giữa cán bộ và người dân, thay vì chỉ dựa vào hình thức công bố trực tuyến.

SIPAS 2024: Gương soi chất lượng chính quyền ảnh 2

Cán bộ tại một phận một cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp đón và giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: HIỀN CỪ).

Môi trường đầu tư còn nhiều rào cản thủ tục

Không chỉ người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng là những người thường xuyên tiếp xúc với hệ thống hành chính và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiệu quả cải cách. Tại Đắk Lắk, ông N.V.T (nhân vật xin được giấu tên), Giám đốc một doanh nghiệp có dự án đầu tư nông, lâm nghiệp, chia sẻ: “Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng, thẩm định dự án. Có những công việc kéo dài vài tháng chỉ vì phải chờ ký xác nhận từ cấp huyện đến tỉnh. Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cần cơ chế phân quyền rõ ràng, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án và minh bạch hóa tiến độ giải quyết hồ sơ”.

Tại tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sỹ Đồng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi xác định cải cách hành chính không chỉ để người dân hài lòng, mà còn là điều kiện để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng văn bản chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng giữa các cơ quan, khiến nhiều nhà đầu tư phải chờ đợi hoặc gặp khó trong thủ tục”.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Chiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Chúng tôi đã triển khai các mô hình chính quyền thân thiện, chính quyền phục vụ, song cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn nữa từ phía các sở, ngành. Nhiều cán bộ vẫn làm theo lối cũ, ngại đổi mới, chưa tận dụng hết lợi thế của chuyển đổi số”.

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Thái, người dân ở thị xã Đức Phổ cho biết, mỗi lần đi làm thủ tục hành chính, người dân vẫn phải photocopy nhiều giấy tờ, khai lại thông tin đã có sẵn. “Cái gì cũng yêu cầu bản giấy, bản sao công chứng, đi lại mất thời gian. Nếu có thể làm trên mạng, xác nhận điện tử, thì sẽ đỡ hơn rất nhiều”, ông Thái cho biết.

Nỗ lực cải thiện từ thực tiễn địa phương

Dù còn không ít thách thức, các địa phương đều đang chủ động thay đổi cách thức phục vụ hành chính công theo hướng gần dân, minh bạch và hiệu quả hơn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, bà Ayun H’Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Tỉnh đang tập trung cải cách mạnh ở các lĩnh vực người dân và doanh nghiệp quan tâm như đất đai, xây dựng, đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua các kênh đa dạng như Cổng dịch vụ công, zalo, tổng đài”.

SIPAS 2024: Gương soi chất lượng chính quyền ảnh 3

Cán bộ bộ phận một cửa Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên giải thích các thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. (Ảnh: PHƯƠNG NAM).

Với tỉnh Quảng Ngãi, theo ông Tạ Công Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho rằng, giải pháp cải thiện chỉ số SIPAS không chỉ gói gọn trong ngành nội vụ mà phải là chiến lược toàn diện. "Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra công vụ, đưa các tiêu chí phục vụ làm căn cứ đánh giá thi đua. Ngoài ra, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng hành chính, nhất là ở các huyện miền núi cũng là ưu tiên sắp tới”, ông Tạ Công Dũng nhấn mạnh.

Ở tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, tỉnh xác định cải cách hành chính là động lực then chốt để phát triển. “Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, sở, ngành rà soát toàn bộ quy trình hành chính, cắt giảm tối đa các khâu trung gian. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ứng dụng thanh toán điện tử”.

Tỉnh đang tập trung cải cách mạnh ở các lĩnh vực người dân và doanh nghiệp quan tâm như đất đai, xây dựng, đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua các kênh đa dạng như Cổng dịch vụ công, zalo, tổng đài.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, bà Ayun H’Hương

Ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cũng cho rằng cần tiếp tục xây dựng nền hành chính minh bạch, chú trọng đối thoại và lấy ý kiến người dân sau giải quyết thủ tục hành chính. “SIPAS không chỉ là con số, mà là thước đo sự tin tưởng và hài lòng của người dân với bộ máy chính quyền”, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.

Ở cấp huyện, ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tuy Hòa chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai đánh giá sự hài lòng của dân ngay tại bộ phận tiếp nhận, để nắm được điểm yếu và khắc phục kịp thời. Mỗi cán bộ, công chức phải coi người dân như khách hàng, lấy thái độ phục vụ làm tiêu chí hàng đầu”.

SIPAS 2024: Gương soi chất lượng chính quyền ảnh 4

Các địa phương tập trung cải cách mạnh ở các lĩnh vực người dân và doanh nghiệp quan tâm như đất đai, xây dựng, đầu tư. (Ảnh: CÔNG LÝ).

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh này cho hay, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, “Sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị”; đồng thời xác định rõ mục tiêu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, dịch vụ y tế, giáo dục công lập đề ra tại kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 và hằng năm của Ủy ban Nhân dân tỉnh để làm cơ sở đánh giá, chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực, thường xuyên để cải thiện và duy trì chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức một cách bền vững, góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá khác có liên quan.

Mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại, song việc các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk và Phú Yên chủ động thừa nhận điểm yếu, cùng cam kết cải cách mạnh mẽ là tín hiệu tích cực. Cải cách hành chính không thể là cuộc chạy đua hình thức mà phải là hành trình thực chất, nơi người dân được phục vụ tận tình, doanh nghiệp được đồng hành thuận lợi và chính quyền trở thành lực đỡ cho phát triển.

Muốn vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa thể chế, con người và công nghệ. Và hơn hết, sự hài lòng của người dân không nên là mục tiêu cuối cùng, mà phải là chuẩn mực của chính quyền hiện đại, minh bạch và vì dân.