Sầm Nưa - Bài ca tình hữu nghị Việt-Lào

Căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa

Trong số những địa danh lịch sử của đất nước Triệu Voi, không thể không nhắc tới Sầm Nưa, một căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, nơi chở che, đùm bọc các chiến sĩ cách mạng Lào hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó, có những người con ưu tú như: Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, Hoàng thân Xu-va-nu-vông, Khăm-tay Xi-phăn-đon... Đây là nơi ra đời Đảng Nhân Dân cách mạng Lào, lực lượng vũ trang cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước. Sầm Nưa còn đi vào lịch sử của hai dân tộc Việt Nam - Lào như một biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 3-1946, Thực dân Pháp đưa quân tái chiếm nước Lào. Chính phủ cách mạng lâm thời Lào phải tạm lánh sang Băng-cốc, Thái-lan; một bộ phận trung kiên khác sang Việt Nam xây dựng cơ sở cách mạng Lào. Từ tháng 12-1946, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã xây dựng được nhiều căn cứ và sau đó phát triển thành các chiến khu rộng lớn ở vùng tây, Thượng Lào và vùng đông-bắc Lào. Từ những đơn vị chiến đấu đó, ngày 20-1-1949, tại Lát-xa-vông, xã Lào Hùng, huyện Xiêng Kho, tỉnh Hủa Phăn, quân đội Lào It-xa-la tuyên bố chính thức thành lập Bộ chỉ huy đầu tiên do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Tổng chỉ huy. Đây là đội tiền thân của Quân đội Nhân dân cách mạng Lào.

Sau những năm tháng chiến đấu gian khổ, được sự giúp đỡ hết lòng của bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được thắng lợi to lớn, buộc quân Pháp phải rút về nước, hòa bình được lập lại. Nhưng chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại tiến hành xâm lược Đông Dương. Cuộc chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào bước sang thời kỳ mới - thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương và để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Lào giành được thắng lợi hoàn toàn, trước hết, cần phải có Đảng cách mạng tiên phong lãnh đạo. Vì vậy, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và các đồng chí đảng viên cộng sản ở Lào tập trung chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính Lào. Căn cứ địa Sầm Nưa được chọn là nơi tổ chức Đại hội thành lập Đảng từ ngày 22-3 đến 6-4-1955, với 25 đại biểu ưu tú tham gia. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, thay mặt cho Ban tổ chức và Ban trù bị Đại hội trình bày Báo cáo Chính trị thành lập Đảng. Báo cáo nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới là "đoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng". Báo cáo chính trị xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Lào tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Đại hội thảo luận và thông qua Điều lệ Đảng, lấy tên là "Đảng Nhân dân Lào". Đại hội bầu Ban chỉ đạo Trung ương Đảng do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Bí thư. Tại vùng đất này Mặt trận Lào yêu nước - Neo Lào Hắc xạt được thành lập (6-1-1956). Sự ra đời của Đảng Nhân dân Lào đã tạo sự biến đổi về chất trong tiến trình đấu tranh cách mạng Lào, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn.

Mảnh đất và con người Sầm Nưa còn mang một sứ mệnh quốc tế quan trọng là căn cứ địa chung của hai nước Việt Nam - Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống đế quốc xâm lược để giành tự do, độc lập. Từ khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai, bước chân của các đoàn quân Tây tiến từ Hà Nội ngược lên Tây Bắc, vượt biên giới sang Sầm Nưa đánh địch giúp bạn. Những đoàn quân mà Nhà thơ Quang Dũng đã mô tả trong bài “Tây Tiến”: “Đường đi thăm thẳm một chia phôi, Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy”, để rồi “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”mãi mãi là một khúc ca hùng tráng về liên minh chiến đấu Việt Nam -Lào. Từ căn cứ địa cách mạng này, những đoàn quân chủ lực của ta luôn sát cánh cùng các đơn vị bạn tiến công địch ở Thượng Lào, chia lửa ở chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Đường Chín - Nam Lào, Trung Lào, nơi tiếng súng những tháng năm đánh Mỹ cứ vang rền theo chiến dịch. Sầm Nưa còn ôm trong lòng đất hàng ngàn linh hồn của những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh anh dũng trên đất Hủa Phăn vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của cả hai dân tộc. Sầm Nưa và người con gái xinh đẹp vùng đất này đã trở thành nguồn cảm hứng cho người chiến sĩ quân tình nguyện, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát nổi tiếng “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”. Bài hát ca ngợi hình ảnh người con gái Lào đang say mê múa điệu Lăm-vông, một điệu múa dân tộc đặc sắc của đất nước Triệu voi với các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bên đống lửa bập bùng, biểu tượng cho tình cảm gắn bó, đoàn kết keo sơn vốn đã tự rất lâu đời của hai nước, hai dân tộc Lào - Việt. Nó cũng trở thành bài hát truyền thống trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam - Lào và trong những ngày lễ hội ở Lào, nhất là tỉnh Hủa Phăn.

Thắm tình hữu nghị anh em

Năm ngoái, may mắn được tham gia Ban Thư ký Cuộc thi tìm hiểu “Việt- Lào trong trái tim tôi” do Báo Nhân Dân, phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộngýản Hồ Chí Minh và Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tổ chức nhân dịp 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2007) và 30 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt- Lào (18-7-1977 - 18-7-2007), tôi đã được đọc rất nhiều bài dự thi của mọi người từ em học sinh nhỏ tuổi đến các cụ già, phụ nữ, giáo viên, bộ đội, công nhân và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu ở Lào. Nhiều bài viết rất công phu, xúc động, thể hiện sâu sắc những tình cảm trân trọng, gìn giữ và mong muốn quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào không ngừng được củng cố và phát triển. Trong số những bài viết tốt, gây ấn tượng mạnh, có bài dự thi của vợ, chồng bác Lê Reo và Đỗ Thị Yên quê ở Thanh Hoá, từng là bộ đội tình nguyện ở Lào. Với những tình cảm gắn bó sâu sắc với đất nước bạn, nơi các bác đã hiến dâng một phần tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng hai nước, hai bác đã dành rất nhiều thời gian, công sức, sưu tầm tài liệu, hình ảnh về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào và trình bày bài dự thi khá độc đáo, tỷ mỉ, cẩn thận. Hai bác còn mang theo nhiều kỷ vật của thời kỳ hoạt động ở Lào như: tấm bản đồ, dù, chiếc cuốc chim… đến tặng Ban Tổ chức cuộc thi, khiến chúng tôi vô cùng cảm động.

Năm nay, được đi cùng Đòan cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thăm Căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa và tham gia các hoạt động thúc đẩy tình đoàn kết Việt Nam - Lào là dịp quý hiếm giúp tôi hiểu sâu thêm về mối quan hệ gắn bó giữa hai nước. Nhiều bác trong Đoàn tuổi cao, sức yếu, có người đã hơn 90 tuổi, nhưng tình thần còn rất hăng hái, chẳng quản ngại đường xa xôi, cách trở, giống như thời trai trẻ, quyết tâm quay lại vùng đất năm xưa để gặp các bạn Lào thân thiết đã từng kề vai, sát cánh chiến đấu bên nhau, đúng như câu thơ của Bác Hồ:

Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Dừng chân tại Thanh Hóa, tình cờ tôi được nghỉ chung cùng phòng với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người cũng từng có những năm tháng chiến đấu ở Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh tâm sự, thời kỳ ở Lào là những năm, tháng chiến tranh ác liệt, nhưng đầy ắp những kỷ niệm sâu sắc. Đó là thời kỳ tạo cho anh nguồn cảm hứng lớn, mãnh liệt và sáng tác sung sức nhất để làm hành trang cho sự nghiệp lao động sáng tạo văn nghệ sau này. Anh đọc cho tôi nghe một đoạn Trường ca Sư đoàn 312 về tinh thần quốc tế cao cả, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng hai nước Việt Nam - Lào của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam:

Tình nguyện quân các anh chiến đấu ở đất Lào
Những mùa khô xác xơ
Những mùa mưa dai dẳng
Tình nguyện chết và tình nguyện sống
Chết xa quê, sống gian khổ âm thầm
Túi áo các anh không có thẻ chứng minh
Không có giầy đi đường, không ảnh người thân gửi
Trái tim anh vượt qua biên giới
Vẫn thương về mảnh đất chôn rau.

Sau khi vượt qua những đoạn đường khúc khỉu, quanh co ở vùng Quan Sơn, Thanh Hóa và cửa khẩu Na Mèo, chung tôi khá bất ngờ, ngạc nhiên được chứng kiến hàng nghìn người dân các bộ tộc Lào xếp hàng dọc theo hai bên đường vẫy cờ, hoa chào đón nồng nhiệt các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam năm xưa sang thăm vùng căn cứ cách mạng Sầm Nưa như chào đón những người thân trong gia đình xa cách lâu ngày mới gặp mặt. Cả Đoàn xuống xe đi bộ một đoạn đường dài để tay bắt, mặt mừng với các bạn và hô vang hai tiếng “ Đoàn kết” trong bầu không khí thân thiết, thắm đượm tình anh, em. Chúng tôi càng bất ngờ, ngạc nhiên hơn, suốt chặng đường dài hơn 80 km, từ cửa khẩu Na Mèo đến Thị xã Sầm Nưa, qua mỗi bản làng, khu dân cư, trường học liên tục nhìn thấy những hàng người xếp dài dọc hai bên đường quốc lộ trong trang phục đẹp, vẫy cờ, hoa nồng nhiệt chào đón Đoàn. Nhất là tại khu vực căn cứ địa cách mạng ở Viêng Xay, đoàn người xếp hàng dài hơn một km với cả tiếng chiêng, trống âm vang khắp khu vực. Đến khu vực Thị xã Sầm Nưa, không khí chào đón càng sôi động, tưng bừng giống như ngày hội lớn của tỉnh. Suốt dọc con đường trung tâm tiến về Quảng trường Thị xã rực rỡ hoa, khẩu hiệu, cờ Việt Nam-Lào và những hàng người xếp hàng hai bên đường và trên hè phố. Ở khu vực Quảng trường, các em học sinh cầm cờ Việt Nam-Lào múa, hát chúc mừng Đoàn đã đặt chân đến vùng đất cách mạng.

Gặp gỡ giữa các cựu chiến binh Việt Nam-Lào.

Đồng chí Bỉ thư Tỉnh ủy,Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn Khăm-thăn Vi-phao-păn và lãnh đạo tỉnh ra đón Đoàn ngay tại cổng chào. Ôm hôn thắm thiết đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương và các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam năm xưa, đồng chí Tỉnh trưởng nói rằng, lễ đón các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hôm nay, giống như đón những người thân, ruột thịt xa nhà lâu ngày trở lại. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã gặp lại các cựu chiến binh Lào trong sự xúc động và vui mừng khôn tả, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của thời kỳ kề vai, sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung. Những ngày ở lại Sầm Nưa, Đoàn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam luôn được các bạn quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo. Những cuộc hội thảo, gặp gỡ, giao lưu giữa Đoàn Việt Nam và các bạn Lào, giữa những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam với các cựu chiến binh Lào, thăm căn cứ địa cách mạng ở Viêng Xay và Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc diễn ra trong bầu không khí thân mật, sâu nặng nghĩa tình, khó diễn tả hết bằng lời.

Đổi thay trên vùng đất cách mạng

Tình Hủa Phăn giáp giới với ba tỉnh của Việt Nam là Sơn La, Thanh Hoá và Nghệ An với đưòng biên giới dài 619 km và có nhiều đường quốc lộ thông sang Việt Nam rất thuận tiện cho giao thông qua lại. Tỉnh Hủa Phăn giàu tài nguyên thiên nhiên, có mỏ sắt, mỏ bạc và nhiều mỏ khoáng sản khác chưa khai thác và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, những nét văn hóa đặc sắc rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La và Nghệ An luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, nhất là từ khi hai nước có chính sách đổi mới, mở cửa, tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị càng được củng cố và phát triển. Hai bên quan tâm tuyên truyền giáo dục nhân dân các bộ tộc trong tỉnh, nhất là nhân dân dọc theo hai biên giới nhận thức rõ và hiểu biết sâu sắc về truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai nước; chủ động giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh và xây dựng đường biên giới thật sự là đường biên giới hữu nghị và hợp tác.

Tỉnh lỵ của Hủa Phăn là Thị xã Sầm Nưa, nằm trong khu đất, chung quanh được bao bọc bởi đồi núi, rừng, khí hậu gần giống như ở Sa Pa và Đà Lạt. Ba công trình kiến trúc khá quy mô: Đài tưởng niệm những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào; Nghĩa trang liệt sĩ và Đài tưởng niệm đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn nằm trên ba quả đồi cao phía bắc Thị xã. Từ trên ba quả đồi này có thể ngắm nhìn bao quát toàn bộ quang cảnh Thị xã Sầm Nưa với những đường phố uốn lượn thoai thoải theo các sườn đồi. Những ngôi nhà cao tầng, nhà sàn dân tộc đan xen, bồng bềnh, lúc ẩn, hiện thấp thoáng trong sương mờ buổi sáng trông rất thơ mộng.

Trở lại Sầm Nưa, bác Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Lào xúc động tâm sự rằng, hết sức ngạc nhiên, phấn khởi trước sự đổi thay sâu sắc ở vùng đất căn cứ địa cách mạng này. Khi Sầm nưa mới giải phóng còn hoang vắng, tiêu điều; đi ra đường rất khi gặp người. Ngày nay, Sầm Nưa đã thay da đổi thịt, trở thành một thị xã vùng núi sầm uất, nhộn nhịp. Đường phố rộng thoáng, có nhiều xe máy, ô tô lưu thông qua lại. Các em học sinh cắp sách đến trường trong các bộ trang phục đẹp, gương mặt hồng hào, vui tươi, rạng ngời niềm tin yêu cuộc sống. Hàng hóa bày bán trong các cửa hiệu, khu thương mại khá phong phú do Lào sản xuất hoặc nhâp khẩu từ Thái-lan, Trung Quốc, Việt Nam… Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Hầu hết các hộ gia đình đều có xe máy, ti vi. Khoảng từ 10 dến 15% số hộ gia đình có xe ô tô riêng. Cuộc sống ở Sầm Nưa thanh bình, yên ả. Ba ngày Đoàn Việt Nam lưu tại đây, đều tham gia hát múa Lăm-vông ở nhà Văn hóa, Thể thao của thị xã do các bạn tổ chức. Đây là nét sinh hoạt văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc của đất nước Triệu Voi. Người Lào nói chung và các thiếu nữ Lào nói riêng rất yêu thích hát, múa Lăm-vông. Khi âm nhạc nổi lên, các thiếu nữ Lào trong các bộ trang phục dân tộc nhiều màu sắc duyên dáng, dịu dàng tiến về phía chúng tôi chắp tay mời chào. Mọi người có mặt, không phân biệt lứa tuổi, địa vị xã hội, cùng hòa mình vào bầu không khí hát, múa say mê. Những điệu múa dân tộc uyển chuyển, mượt mà của các thiếu nữ Lào hòa lẫn tiếng nhạc rộn ràng làm đắm say, quyến rũ lòng người. Khó có thể hình dung trên đất nước này lại thiếu điệu múa Lăm-vông vì nó như hơi thở, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân các bộ tộc Lào.

Các bạn Lào Đoàn Việt Nam về nước ở cửa khẩu Na Mèo.

Kết thúc chuyến thăm Sầm Nưa, các bạn đã tổ chức buổi tiễn Đoàn Việt Nam về nước rất trang trọng, sâu nặng nghĩa tình. Hàng nghìn người lại xếp hàng trên đường phố ở khu quảng trường thị xã vẫy cờ, hoa lưu luyến tiễn Đoàn. Trên suốt chặng đường trở về Việt Nam trên đất Lào, qua các khu dân cư, làng mạc, chúng tôi lại gặp cảnh người dân đứng thành hàng dài hai bên đường, vẫy cờ, hoa tạm biệt Đoàn giống như hôm đầu đón Đoàn đến Sầm Nưa. Trên xe ô-tô, với xúc động dâng trào trước tình cảm nồng ấm, chan chứa của người dân Hủa Phăn dành cho những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, chúng tôi cùng nhau ca vang bài hát:

Tình Việt-Lào anh em mãi mãi không bao giờ phai
Thương nhau, vui buồn bên nhau
Tình nghĩa nặng sâu hơn nước sông Hồng Hà, Cửu Long

BÌNH NGUYÊN