Giữa những ngày tháng 4, khi lúa trên đồng vừa vào đòng, cây thốt nốt vươn cao như đón nắng hè, cũng là lúc đồng bào Kh’mer Nam Bộ hân hoan đón chào Tết Chôl Chnăm Thmây – Tết cổ truyền thiêng liêng và rực rỡ sắc màu. Không chỉ là dịp để tiễn đưa năm cũ, đón năm mới, đây còn là khoảng thời gian đặc biệt để con cháu sum vầy, báo hiếu, cầu an và gìn giữ những giá trị văn hóa tâm linh truyền thống.

Tết “chịu tuổi”

Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Kh’mer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa là chia tay năm cũ, chào đón năm mới, nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình.

Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là tết “chịu tuổi”, với ý nghĩa sang một năm mới, tuổi mới. Tết Chôl Chnăm Thmây
được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Nhưng dù vào tháng nào theo lịch Kh’mer, Tết Chôl Chnăm Thmây cũng rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuận thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn. Ăn Tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa.

Nguồn gốc của Tết Chôl Chnăm Thmây được lý giải bằng truyền thuyết xoay quanh cuộc đấu trí giữa vị thần tối cao Phạm Thiên - một trong tam vị nhất thể của Bà-la-môn giáo và cậu bé thông minh Thom Ma Bal - một tiền kiếp của Đức Phật.

Lễ tắm phật. Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết

Lễ tắm phật. Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết

Chuẩn bị lọng cho ngày xuân.

Chuẩn bị lọng cho ngày xuân.

Đưa xuân đến mọi nhà.

Đưa xuân đến mọi nhà.

Truyền thuyết Chôl Chăm Thmây có nguồn gốc từ câu chuyện: ngày xưa, có một cậu bé tên là Thom Ma Bal rất thông minh, 7 tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thom Ma Bal chẳng mấy chốc vang đến thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Phạm Thiên trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

Thần Phạm Thiên vốn dĩ rất được tôn sùng, nay thấy các buổi thuyết giảng của mình ngày càng thưa vắng người nghe, lại nghe nói ở trần gian một cậu bé nhỏ hơn mình nhưng thuyết pháp thu hút hơn mình nên tức giận.

Thần liền xuống hạ giới để thử tài cậu bé với câu hỏi: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, duyên con người ở đâu? Thần giao hẹn, nếu sau bảy ngày mà không trả lời được thì cậu bé phải tự kết liễu đời mình; ngược lại, nếu cậu trả lời đúng thì thần sẽ tự cắt đầu mình.

Sắp tới thời hạn cuối, nhưng Thom Ma Bal vẫn chưa nghĩ ra được câu trả lời, buồn bã, cậu đi vào rừng định kết liễu đời mình. Bỗng Thom Ma Bal nghe thấy hai chim thần In Thri nói chuyện.

Chim mái hỏi chim trống: “Ngày mai ta sẽ đi ăn ở đâu?”. “Ngày mai ta sẽ ăn thịt Thom Ma Bal”, chim trống đáp. Chim mái ngạc nhiên: “Tại sao ăn thịt Thom Ma Bal?”. Chim trống thuật lại chuyện thần Phạm Thiên yêu cầu Thom Ma Bal phải trả lời câu hỏi thách đố của thần. Nghe xong chim mái hỏi: “Vậy có ai giải đáp được không?”. Chim trống tự đắc đáp: “Ta đã nghe thần Phạm Thiên nói là, buổi sáng, duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. Buổi trưa, duyên của con người ở trên ngực, nên người ta phải tắm cho mát. Buổi tối, duyên của con người ở dưới bàn chân, nên người ta thường rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ”.

Thom Ma Bal ngồi dưới gốc cây, nghe được lời nói chuyện của đôi chim nên rất vui mừng và trở về nhà. Đến ngày đã hẹn, thần Phạm Thiên cầm gươm vàng bay đến gặp Thom Ma Bal. Cậu bé đã trả lời đúng câu hỏi của thần. Thua cuộc, đúng như giao ước, thần cắt đầu mình, tự sát. Từ đó về sau, hằng năm, cứ đến ngày thần tự sát, bảy cô con gái của thần thay phiên nhau xuống trần gian, mang theo một mâm đầu của cha xuống núi Prassume, rồi đi vòng quanh chân núi ba lần theo hướng Mặt Trời mọc. Đó chính là ngày năm mới (Chôl Chnăm Thmây) của người Kh’mer.

Truyền thuyết Chôl Chnăm Thmây vừa giải thích nguồn gốc lễ hội quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Kh’mer Nam Bộ, đồng thời, phản ánh quan niệm về vũ trụ luận của người Kh’mer xưa.

Nòng cốt của câu chuyện là mô típ ra câu đố và giải câu đố nhằm đề cao trí thông minh của con người trước sức mạnh của thế giới tự nhiên. Câu đố của thần tượng trưng cho sự thử thách của thần thánh dành cho con người. Cậu bé 7 tuổi tượng trưng cho sự nhỏ bé của con người trước quyền năng tối thượng của thần linh. Thế nhưng, cuối cùng, con người đã chiến thắng, đó chính là giá trị nhân văn, vị nhân sinh của Bà-la-môn giáo. Việc các thiên thần, người trần gian đều thích nghe Thom Ma Bal giảng thuyết hành động thần tự chặt đầu thể hiện sự bình đẳng trong chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp.

Giá trị nhân văn, vị nhân sinh còn được thể hiện đậm nét trong sinh hoạt lễ hội Chôl Chnăm Thmây.

Nhà sư giảng giải ý nghĩa của ngày tết. Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết

Nhà sư giảng giải ý nghĩa của ngày tết. Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết

Ba ngày Tết

Cũng như nhiều dân tộc khác, Tết Chôl Chnăm Thmây của người Kh’mer diễn ra trong 3 ngày (thường từ 13 đến 15/4 dương lịch) với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lơn-săk có nghĩa là “tăng lên”.

Trước tết là quãng thời gian chuẩn bị rộn ràng và háo hức trong mọi gia đình, mọi ngôi chùa. Những ngày trước Tết, bản làng Kh’mer như được "thức dậy" trong sự rộn ràng chuẩn bị. Từ sáng sớm, bà con đã tất bật lau dọn nhà cửa, mua sắm bánh trái, chuẩn bị trang phục truyền thống. Khắp các ngôi chùa Kh’mer như chùa Dơi, chùa Mahanam hay chùa Xiêm Cán… vang vọng tiếng trống, tiếng kèn ngũ âm rộn ràng báo hiệu năm mới đang về. Mọi người sơn phết lại các ngôi chùa và bàn thờ tổ tiên.

Phần lớn, lễ Chôl Chnăm Thmây được tổ chức ở chùa, với sự tham gia của các vị sư sãi, các vị Acha và những người Kh’mer sinh sống trong các phum sóc chung quanh chùa.

Cho dù giàu hay nghèo, các nhà đều không thể thiếu được các loại bánh truyền thống của người Kh’mer như Num-Chrụt (bánh tét), Num-tean (bánh ít) và Num-Kha-Nhây (bánh gừng)… Đây là các loại bánh tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Kh’mer, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên; dùng làm lễ vật, đi chùa và để tiếp khách trong những ngày tết.

Đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp nhang đèn, hoa quả, ly nước ướp hương hoa… cúng trên bàn thờ trước sân nhà để tiễn vị Chư thiên cũ (Kh’mer gọi là Thần Têu-va-đa) và rước vị Thần Têu-va-đa mới xuống cai quản đất đai, thổ trạch. Đồng bào dân tộc Kh’mer tin rằng mỗi năm, Thần Têu-va-đa đều luân phiên nhau xuống một vị để cai quản dương thế trong một năm. Cho nên, đồng bào dân tộc Kh’mer rất tôn kính, ngưỡng mộ Thần. Trong đêm giao thừa, mọi người ngồi xếp chân trước bàn thờ sân nhà, khấn vái để vị Thần Têu-va-đa năm mới ban phước lành cho cả gia đình trong năm.

Sáng thứ nhất ngày 4/3 âm lịch (thường nhằm ngày 14/4 dương lịch) gọi là ngày Chôl Sang-kran Thmây, mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran). Maha sang-kran đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng, theo sự hướng dẫn của vị Acha, Ban quản trị, đồng bào Phật tử Kh’mer mọi người đứng xếp hàng đi quanh chánh điện ba vòng, sau đó vào bên trong chánh điện Tụng kinh lễ bái Tam bảo để chào mừng năm mới.

Đến đêm những người Phật tử lớn tuổi vân tập trong ngôi giảng đường hoặc chánh điện nghe Chư tăng thuyết pháp, còn lớp thanh niên nam nữ trẻ tuổi thì ra sân chùa tổ chức các trờ chơi dân gian và xem văn nghệ truyền thống như múa Rom vong, Rô băm, Dù kê...

Ngày tết thứ hai, ngày 5/3 âm lịch (nhằm ngày 15/4 dương lịch) gọi là ngày Won-bot, sáng mọi người làm lễ dâng huê ẩm thực đến Chư tăng, đến chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-Panum-Khsách) thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ.

Thông thường, để đắp núi cát, các chùa hiện nay mua vài khối cát đổ thành một đống cách chùa khoảng 500m. Khi đến giờ thực hành nghi lễ, người dân đến ngồi chung quanh đống cát thắp nhang đọc kinh theo sự hướng dẫn của người chủ lễ. Sau khi xong các bài kinh, mỗi người tìm cho mình một ít cát sạch đem về chùa, dưới sự chỉ dẫn của vị Acha, tất cả mọi người cùng đi diễu hành quanh ngôi chánh điện ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ.

Sau đó những người có mặt sẽ đổ cát vào một nơi đã chuẩn bị sẵn để tiến hành đắp núi. Thông thường núi cát được đắp thành tám ngọn núi nhỏ ở tám hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Cũng có nơi đắp 4, 5 ngọn hoặc 7 ngọn, tùy theo phong tục hoặc thói quen truyền đời của từng nơi.

Tiếp theo phần đắp là phần trang trí và làm lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về tục đắp núi cát, nhưng cơ bản là câu chuyện về một người thợ săn làm phước bố thí cho chư tăng đi thọ thực một nắm cơm nên Diêm vương không thể dùng vạc dầu trị tội sát sinh của anh ta được. Trước khi bị bắt trở lại địa ngục, người vợ của thợ săn đã cùng chồng đắp một núi cát và ra lời đố nếu đao phủ của Diêm vương đếm hết số cát trong ngọn núi thì sẽ theo về chịu tội. Kết quả là đao phủ của Diêm vương đã không thể đếm được số cát, cho nên người thợ săn thoát tội.

Tục đắp núi cát này mang nhiều ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa ngăn cản ma quỷ và những điều xấu xa tội lỗi, tục đắp núi cát cũng nhắc nhở mọi người tích phúc, hướng tới những điều tốt lành. Ngoài ra, tục đắp núi cát còn thể hiện sự mong cầu cho năm mới ấm no, sung túc, cũng như thể hiện công sức và lòng thành kính của những người tham gia.

Lễ dâng huê ẩm thực.

Lễ dâng huê ẩm thực.

Lễ đắp núi cát.

Lễ đắp núi cát.

Ngày tết thứ ba 6/3 âm lịch (nhằm ngày 16/4 dương lịch) gọi là “Lơn-sắk” là ngày có rất nhiều ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Kh’mer, buổi sáng mọi người đến chùa dâng huê ẩm thực đến chư tăng, chư tăng cùng mọi người tắm các tượng Phật, giữa trưa cùng ngày, Acha, Ban quản trị đại diện đồng bào Phật tử Kh’mer cung thỉnh chư tăng làm lễ cầu siêu (người Kh’mer gọi là Băng-Sa-Kôl) để hồi hướng phước đến vong linh những người đã mất có quan hệ quyết thống với mình, nhất là những người có công tạo lập, các vị sư sãi quá cố đã hy sinh vì Đạo pháp dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Quốc gia dân tộc.

Buổi chiều đồng bào Kh’mer mọi người đều cung thỉnh chư tăng đến gia đình tụng kinh cầu siêu cho bàn thờ tổ tiên và những mộ phạm vi gia tộc mình thể hiện lòng thành kính tri ân đến tổ tiên, ông bà đã quá cố trong năm.

Trong những ngày Tết, nhiều tiết mục văn nghệ, trình diễn nhạc ngũ âm, nghệ thuật truỳen thống, trò chơi dân gian được tổ chức tại sân các chùa. Đây cũng là dịp thanh niên nam nữ gặp gỡ, tìm hiểu nhau và bày tỏ tình cảm, từ đó nên duyên vợ chồng.

Chôl Chnăm Thmây không chỉ là ngày Tết – đó là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nhịp cầu gìn giữ và trao truyền bản sắc văn hóa Kh’mer. Trong nhịp sống hiện đại, hình ảnh những cụ già khăn rằn, em nhỏ tung tăng trong lễ hội, và những ngôi chùa lung linh ánh nến… vẫn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của một nền văn hóa rạng ngời nơi miền Tây Nam Bộ.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: Tuyết Loan, Ngọc Xiêm
Ảnh: Nguyễn Đoàn Kết, Ngô Thị Thúy, Đinh Công Tâm
Trình bày: Vân Thanh
Ngày xuất bản: 17/4/2025