
Chiến dịch Trị-Thiên-Huế diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (từ ngày 5-26/3/1975), giành thắng lợi có ý nghĩa rất lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch này, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, quân và dân Quảng Trị hết lòng, hết sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường; chuyển hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội; cấp cứu, đưa về tuyến sau nhiều thương binh, bệnh binh đã góp phần cho chiến dịch đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ký ức không thể quên
Thiếu tướng Lê Hữu Thỏa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết: "Tôi hạnh phúc khi được cầm súng đánh địch giải phóng quê hương mình. Niềm vui này là hạnh phúc lớn nhất trong đời lính. Hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng ấn tượng về chiến dịch giải phóng Quảng Trị, bảo vệ vùng đất giải phóng và mở màn cho chiến dịch Trị-Thiên-Huế vẫn còn in đậm trong ký ức".
Ðảng bộ, quân và dân Quảng Trị xác định nhiệm vụ, trọng trách lớn trước Ðảng, Bác Hồ và toàn thể dân tộc là: Bảo vệ Vĩnh Linh, tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh, giữ vững hành lang tiếp viện bắc-nam, tiếp sức cho cuộc kháng chiến của quân và dân miền nam đi đến thắng lợi.
Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau.
Mỗi suy nghĩ, hành động và việc làm của Ðảng bộ, quân và dân Quảng Trị lúc bấy giờ thể hiện rõ quyết tâm đánh Mỹ giải phóng quê hương: "Nhà tan cửa nát cũng ừ, đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau". Trên tinh thần đó, Quảng Trị tập trung xây dựng và phát triển các căn cứ địa cách mạng, huy động mọi nguồn lực trong toàn thể nhân dân, cùng đứng lên, đoàn kết kháng chiến kiến quốc. Các tầng lớp nhân dân, không phân biệt già, trẻ, gái, trai sớm giác ngộ cách mạng, tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, xây dựng các cơ sở cách mạng, bảo vệ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh...
Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: TTXVN)
Cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trên cột cờ thành phố Huế. (Ảnh: TTXVN)
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ðoái, du kích xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó, các đơn vị bộ đội chủ lực từ miền bắc được tăng cường vào vùng đất mới giải phóng huyện Triệu Phong nhiều lắm, tôi và một số đồng chí được giao nhiệm vụ đưa bộ đội về ở trong nhà dân; dẫn một cánh quân đánh mũi giáp công giải phóng thôn Linh Yên, phần đất còn lại của xã Triệu Trạch và tiến thẳng vào giải phóng huyện Hải Lăng vào ngày 19/3/1975. Một bộ phận dân quân du kích giúp bộ đội vận chuyển súng, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men và đưa thương binh ra tuyến sau... Ngày ấy, quân ta mạnh như vũ bão, nên đã sớm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tiến công vào giải phóng tỉnh Thừa Thiên-Huế".
Cựu chiến binh, bác sĩ Dương Quát và nhiều bác sĩ, y tá người Quảng Trị từng theo các mũi tiến công của bộ đội vào chiến trường Thừa Thiên-Huế để điều trị cho thương binh và chăm sóc sức khỏe bộ đội. Ông Quát nói: "Với quyết tâm góp một phần công sức cho chiến dịch đi đến thắng lợi, lúc đó tuy tuổi còn trẻ, nhưng tôi suy nghĩ phải nỗ lực hết mình, vượt lên muôn vàn khó khăn trong điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men thiếu thốn để điều trị lành bệnh cho bộ đội và nhân dân. Thời gian ở chiến trường, tôi trực tiếp phẫu thuật hàng nghìn ca và vui mừng khi hầu hết các thương binh đều được cứu sống".
Mỗi ngày, ông trực tiếp phẫu thuật từ 13 đến 15 thương binh, được đưa từ chiến trường về tuyến sau, trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhiều lúc ông làm nhiệm vụ phẫu thuật từ tờ mờ sáng đến tối mịt, chỉ kịp nuốt vội vắt cơm rồi tiếp tục công việc. Có lúc chân không đứng vững, y tá phải bưng ghế cho ông ngồi, hoặc làm tường cho ông dựa để tiếp tục công việc. Mỗi lần ông bị ốm là cả Chiến khu lo lắng, bởi ông là bác sĩ duy nhất ở Chiến khu Trị-Thiên, ở địa bàn ba huyện: Phong Ðiền, Hương Trà và Quảng Ðiền. Trong quá trình điều trị cho thương binh, bệnh binh, bác sĩ Dương Quát được mọi người trìu mến gọi là người có "bàn tay vàng" trên Chiến khu ngày ấy.
Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng tiến vào thành phố Huế. (Ảnh: TTXVN)
Ðiểm tựa cho chiến dịch lớn
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch Trị-Thiên, đáp lời kêu gọi của Ðảng ủy khu vực, quân và dân Vĩnh Linh cùng các địa phương trong vùng mới giải phóng không chỉ anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, mà còn dồn sức cho chiến dịch.
Các ngành giao thông-vận tải, thương nghiệp, y tế...; đảng viên, đoàn viên, cán bộ, nhân viên các cơ quan và bà con xã viên trong toàn khu vực ngày đêm bám sát các mũi tiến công, phục vụ chiến đấu.
Chia lửa cùng miền nam và Quảng Trị yêu thương, trong suốt 21 năm chiến đấu, quân và dân Vĩnh Linh đã chi viện cho mặt trận phía nam Quảng Trị với tinh thần "ăn cơm bắc, đánh giặc nam", trực tiếp chiến đấu 312 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống 27.000 tên địch, đánh sập 99 lô cốt, phá hủy 5 trạm ra-đa, 83 khẩu pháo các loại, bắn chìm và bắn cháy 85 tàu chiến, tàu vận tải quân sự, thu nhiều quân trang, quân dụng...
Trong 81 ngày đêm, mảnh đất này phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. (Ảnh: TTXVN)
Trong 81 ngày đêm, mảnh đất này phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. (Ảnh: TTXVN)
Trong chiến dịch Trị-Thiên-Huế, lực lượng dân quân, du kích Trị-Thiên vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu hỗ trợ cho các lực lượng đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng ở khu vực Ðường số 14 và trên toàn tuyến giáp ranh, đánh chiếm căn cứ Phổ Lại và Chi khu quân sự Mai Lĩnh; hỗ trợ cho nhân dân trong vùng địch kiểm soát ở Quảng Trị và ba huyện bắc tỉnh Thừa Thiên-Huế nổi dậy phá vỡ từng mảng hệ thống kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ. Phối hợp chặt chẽ đòn tiến công của quân ta ở mặt trận giáp ranh, từ nam sông Thạch Hãn đến vùng Lăng Cô ở bắc đèo Hải Vân. Lực lượng du kích, bộ đội địa phương, các đội công tác và các đoàn cơ sở của ta đồng loạt tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở quần chúng, chuẩn bị thực lực cách mạng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975...
Thắng lợi của chiến dịch Trị-Thiên-Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Quảng Trị anh hùng, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của toàn chiến trường miền nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Chia lửa cùng miền nam và Quảng Trị yêu thương, trong suốt 21 năm chiến đấu, quân và dân Vĩnh Linh đã chi viện cho mặt trận phía nam Quảng Trị với tinh thần "ăn cơm bắc, đánh giặc nam", trực tiếp chiến đấu 312 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống 27.000 tên địch, đánh sập 99 lô cốt, phá hủy 5 trạm ra-đa, 83 khẩu pháo các loại, bắn chìm và bắn cháy 85 tàu chiến, tàu vận tải quân sự, thu nhiều quân trang, quân dụng...
Hình ảnh bên trái: hai cha con người dân Quảng Trị không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)


(Bài viết nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước)
Ngày xuất bản: 18/3/2015
Nội dung: NGUYỄN VĂN HAI - MINH ÐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, binhdoan12.vn
Biên tập, trình bày: XUÂN BÁCH - PHI NGUYÊN - HOÀNG LINH