Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, cứu sinh mạng trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu… Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức.
Phóng viên: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết thực trạng các vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em ở Việt Nam hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em: Hiện nay, tai nạn thương tích trẻ em phổ biến nhất vẫn là do tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1.800 vụ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, tương tự như vậy là các vụ trẻ em bị tử vong do tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, với nhiều biện pháp can thiệp tích cực trong thời gian qua, có thể nói, chúng ta đã từng bước giảm tình trạng tai nạn đuối nước cũng như tai nạn giao thông ở trẻ em. Và công tác này vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Lý do là nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích nói chung và đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ suất cao và yêu cầu là phải giảm mạnh nhiều hơn nữa.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 1.800 vụ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, tương tự như vậy là các vụ trẻ em bị tử vong do tai nạn giao thông…
Thời gian gần đây, chúng ta lại thấy xuất hiện thêm nhiều loại tai nạn thương tích khác đối với trẻ em. Cụ thể như: tai nạn liên quan đến an toàn thực phẩm, các vụ việc ngộ độc thực phẩm ở các trường học, trẻ em học bán trú hay mua dịch vụ và đồ ăn ở ngoài cổng trường…
Thực trạng này còn đặt ra yêu cầu phải tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát được việc cung cấp thực phẩm cho những trường tiểu học, cho các bếp ăn bán trú cho học sinh và đặc biệt là quản lý được tình trạng các dịch vụ bán đồ ăn cho học sinh tại cổng trường, ở khu vực có trường học.
Một vấn đề nữa cũng đang nổi lên, đó là tình trạng trẻ em là nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn, cháy nổ. Đây là vấn đề cũng cần đặc biệt quan tâm. Trước hết là làm sao để có những khu vực trường học an toàn, những chung cư an toàn để bảo đảm cho công tác an toàn phòng, chống cháy nổ nói chung, trong đó đặc biệt là liên quan đến đối tượng trẻ em.
Phóng viên: Vậy ông đánh giá như thế nào về các biện pháp và mô hình phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ đang được triển khai, nhất là với những tai nạn thương tích phi truyền thống xảy ra gần đây?
![]() |
Các em nhỏ dự chương trình trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy tại Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Với những loại hình tai nạn thương tích mới xuất hiện, đặc biệt là tai nạn cháy nổ, thì công tác truyền thông phòng ngừa của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triển khai rất tốt trong thời gian vừa qua.
Chúng ta đã đưa những kiến thức, kỹ năng về sinh tồn, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống cháy nổ vào trong trường học, cũng giống như trước đây chúng ta đã đưa vào môi trường giáo dục cho học sinh các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn giao thông; phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Chúng tôi cho rằng, công tác này phải kết hợp nhiều biện pháp để xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ. Thí dụ như, chúng ta cần kiểm tra nhiều hơn nữa việc truyền thông giáo dục các mô hình an toàn cho trẻ em, thiết lập môi trường sống an toàn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định về tiêu chí ngôi nhà an toàn, và chúng ta cố gắng phấn đấu có ít nhất 5 triệu hộ gia đình hộ gia đình đạt ngôi nhà an toàn.
Cục Trẻ em cũng sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để có thể cập nhật thêm những thông tin, bổ sung thêm tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn để phòng, chống những hình thức tai nạn có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta vẫn nói nhiều về việc kết hợp ba môi trường gia đình - nhà trường và xã hội, nhưng trọng tâm của việc tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư đối với các loại hình kinh doanh thức ăn, đồ ăn ở ngoài cổng trường, hay là việc cung cấp thực phẩm cho trường bán trú,… Chúng tôi cho rằng, cần phải có những cập nhật về các tiêu chuẩn về trường học an toàn hay là tiêu chuẩn với cộng đồng an toàn.
Với việc xuất hiện nhiều loại hình tai nạn phi truyền thống, chúng ta cần phải có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng dân cư, của chính quyền cấp sở tại… Xây dựng và lồng ghép các loại tiêu chí để xây dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ, trong đó lấy trẻ em là đối tượng trung tâm.
Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta phải có ngay giải pháp gì để đem lại một môi trường sống thực sự an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em?
Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Hiện nay, trung bình mỗi một năm chúng ta kéo giảm được khoảng từ 3 đến 5% số vụ trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với khoảng 100 trường hợp trẻ em được cứu sống mỗi năm.
Nếu so với cách đây 10 năm, 15 năm, số ca tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam đã có những thời điểm xấp xỉ lên đến gần 3.000 trường hợp tử vong trong một năm, thì hiện nay, con số này đã được kéo giảm xuống là xấp xỉ 2.000. Có những năm con số này đã xuống còn khoảng hơn 1.800 trường hợp.
Chúng ta đã có những mô hình can thiệp tốt, nhưng vấn đề hiện nay là cần phải nhân rộng những mô hình tích cực ấy. Và để nhân rộng, thì nguồn ngân sách của địa phương cần phải tăng cường hơn nữa để có thể triển khai các mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em
Tuy nhiên, tốc độ giảm này tạm gọi là giảm một cách tự nhiên. Như vậy không bảo đảm cho yêu cầu và mục tiêu về kiểm soát tai nạn thương tích trẻ em và bằng mọi cách kéo giảm kéo giảm nhanh hơn nữa, để mỗi năm chúng ta đặt mục tiêu kéo giảm khoảng từ 3 đến 5%, hoặc tốt hơn là 10% số trường hợp trẻ tử vong do thương tích.
Chúng ta đã có những mô hình can thiệp tốt, nhưng vấn đề hiện nay là cần phải nhân rộng những mô hình tích cực ấy. Và để nhân rộng, thì nguồn ngân sách của địa phương cần phải tăng cường hơn nữa để có thể triển khai các mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước.
Cụ thể như: Thiết lập môi trường nước an toàn, tăng cường các biện pháp giám sát của gia đình, cộng đồng, của trường hợp đối với học sinh, đối với trẻ em; tăng cường mở các lớp dạy bơi an toàn dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em và học sinh,… Tất cả những việc này đòi hỏi phải có sự đầu tư ngân sách một cách hợp lý.
Trong thực tế, bài toán ngân sách của các địa phương, đặc biệt là những địa phương mà còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và chưa cân đối thu chi, đặc biệt là xây dựng, thi công các công trình nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên địa bàn, thì cần phải có sự cân đối và ưu tiên.
Tôi xin nhấn mạnh, “Cứu sinh mạng trẻ là vấn đề cần phải ưu tiên”, và đầu tư ngân sách cho triển khai mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em không thực sự tốn quá nhiều ngân sách. Lĩnh vực này chỉ tốn một nguồn kinh phí vừa phải mà chúng ta có thể tính toán được.
Vì vậy, rất mong là Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố hãy nhanh chóng có nghị quyết để phân bổ hợp lý nguồn lực, bao gồm nhân lực và nguồn ngân sách địa phương để nhanh chóng triển khai những mô hình can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bằng chứng là ở những vùng có can thiệp, có ngân sách địa phương đầu tư, hoặc có dự án đang triển khai, thì minh chứng rõ ràng là trong từ 3 đến 5 năm lại đây, số vụ tử vong do tai nạn thương tích đã giảm từ 30 đến 50%.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030
Giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em:
- Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030.
- Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030.
- Hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.
- Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
- 7.000.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn vào năm 2025 và 8.000.000 vào năm 2030; 12.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn vào năm 2025 và 15.000 vào năm 2030; 400 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 500 vào năm 2030.