Đồng chí Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên cho biết: Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Steam for Việt Nam đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) cho học sinh, sinh viên, giáo viên. Trong vòng hai tháng (tháng 3 và tháng 4/2025), tỉnh Điện Biên hoàn thành chương trình tập huấn với mục tiêu phổ cập AI cho 100% giáo viên (gần 14.000 người). Trong đó có 1.200 cán bộ quản lý; 102 giáo viên cốt cán. Sau khóa tập huấn có hơn 35.700 dự án của giáo viên được hoàn thành. Đáng chú ý, 5 dự án xuất sắc nhất thuộc về giáo viên ở các huyện rất khó khăn là Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng thực hiện.
Cũng được giao đào tạo, tập huấn công nghệ cho cán bộ, công chức, song trước mỗi khóa tập huấn, Sở Khoa học và Công nghệ thường khảo sát nhu cầu theo từng nhóm đối tượng, từ đó chủ động sắp xếp nội dung đào tạo, tập huấn theo chủ đề, lĩnh vực.
Trong năm 2024 và các tháng đầu năm 2025, Sở đã tổ chức 14 lớp trực tiếp và trực tuyến đào tạo cho hơn 510 học viên về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin gắn với yêu cầu chuyển đổi số cho ngành y tế; chuyển đổi số thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho đội ngũ cán bộ thôn, bản; tập huấn quản lý văn bản và điều hành tích hợp ký số cho Hội người cao tuổi, giáo viên 8 trường trung học phổ thông…
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo duy trì hoạt động của 1.400 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của hơn 10.000 người. Trong đó, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thường là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản, thanh niên có đóng góp tích cực trong công tác chuyển đổi số tại địa phương. Chị Lò Thị Thu, công chức văn hóa xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, chia sẻ: Tôi thấy người dân tiếp cận khá nhanh các thiết bị điện tử để truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn. Một số người đã biết “livestream", đăng bài giới thiệu bán các loại hoa quả do gia đình trồng được trên các nền tảng mạng xã hội. Việc này đã giúp tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều người nhờ áp dụng tốt việc bán hàng trực tuyến bây giờ không còn phải lo đi chợ, tìm mối bán buôn như trước, vì khách có địa chỉ, giao thông thuận lợi nên có thể vào tận nhà giao dịch.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu đến năm 2026 toàn tỉnh Điện Biên có 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có kiến thức cơ bản về số hóa, có kỹ năng số phù hợp và sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số. Phong trào này không chỉ nâng cao năng lực cá nhân, mà còn kích hoạt tinh thần học tập suốt đời, lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng trong thời đại số.
Để công tác này được triển khai hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã đề nghị các cấp, các ngành, mỗi đơn vị phải thực hiện bài bản, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa. Căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế, mỗi đơn vị, mỗi ngành có thể lựa chọn triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" bằng các giải pháp, như: Ứng dụng các nền tảng học tập trực tuyến; tập huấn, đào tạo phân tầng theo nhóm đối tượng; phát huy các mô hình hiệu quả như “Đại sứ số”, “Gia đình số”, “Chợ số, Nông thôn số”. Đặc biệt, phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng, bền bỉ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.
Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Phong trào "Bình dân học vụ số" là bước khởi đầu cho một hành trình mới. Đó là hành trình kiến tạo tương lai bằng tri thức, công nghệ và khát vọng vươn lên..