Quận Bình Thạnh hướng đến phát triển bền vững

NDO - Là quận nội thành, quận Bình Thạnh là điểm đầu mối giữa quốc lộ 1A và 13, có bến xe miền Ðông, tuyến đường sắt bắc-nam mở ra cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh.

Diện tích tự nhiên của Bình Thạnh hơn 2.000 ha, nằm dọc sông Sài Gòn và có các rạch Cầu Bông, Thị Nghè, Thanh Ða...

Ngay từ những ngày đầu, sau khi thống nhất đất nước, quận Bình Thạnh đã tiếp quản hơn 1.900 cơ sở kinh tế, với một số cơ sở khá nổi bật như: Sakymen (nay là Công ty dệt chăn Bình Lợi), Sagomen (nay là Công ty may Bình Minh), Công ty Vissan, gạch bông Ðức Tân, Công ty sứ Thiên Thanh,... đây là những cơ sở quan trọng ban đầu để sau khi đất nước bước vào tiến trình đổi mới, Bình Thạnh đạt được những thành tựu như ngày nay. Giai đoạn 2001-2005, nhiều cơ sở kinh tế trên địa bàn quận đã vươn mình để trở thành những công ty có thương hiệu vững chắc trong nền kinh tế chung của thành phố như: cân Nhơn Hòa, kéo Nguyễn Ðình, sơn mài Sông Ðồng, si-li-cát - thủy tinh Ngọc Thắng, da giày - may mặc xuất khẩu Gilimex, đóng tàu - sà-lan Phú Thạnh... Giai đoạn 2006-2010, quận Bình Thạnh đã triển khai, quán triệt thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, gắn với nhiều biện pháp chống suy giảm kinh tế, bình ổn giá cả thị trường, chống lạm phát. Trong giai đoạn này, quận đã tiến hành phê duyệt phương án, xây dựng tiêu chí mời gọi đầu tư Khu kinh doanh thương mại đa chức năng Bà Chiểu, triển khai dự án Trung tâm thương mại-văn hóa Thanh Ða. Cùng nhiều dự án hoàn chỉnh quy hoạch, phát triển kinh tế trên địa bàn. Ðến năm 2010, quận Bình Thạnh sẽ là một cụm kinh tế, để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của một "cửa ngõ" của TP Hồ Chí Minh. Các số liệu thống kê giai đoạn 2005-2010 cho biết, hoạt động thương mại dịch vụ đã tăng 3,12 lần so với giai đoạn trước với doanh số năm 2010 là hơn 38,5 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng hơn 1,5 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư tăng 5,22 lần so với năm năm trước, trong đó doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 73% tổng vốn đầu tư và chiếm 78% số thu ngân sách của quận. Thúc đẩy thế mạnh của quận, cho nên ba năm liền (2008-2010), quận Bình Thạnh đều đứng trong danh sách "CLB nghìn tỷ của thành phố", tự cân đối thu chi và còn nguồn vốn để đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thể thao,..., bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao từng bước chất lượng cuộc sống người dân. Từ những thành tựu quan trọng đó, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quận Bình Thạnh lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2010-2015) đã phấn đấu đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh số thương mại dịch vụ từ 25% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng 7%-8%, thu ngân sách hằng năm tăng 5% so với dự toán, luôn bảo đảm  chi ngân sách cho giáo dục, y tế và văn hóa xã hội... Tự chủ trong cân đối thu-chi ngân sách cho nên việc chăm lo an sinh xã hội của người dân đã được chú trọng hết mức. Các con số thống kê cho thấy, về y tế, nếu năm 2005, quận chỉ có 50 giường bệnh thì năm 2010 số giường bệnh đã tăng lên 100 với số lượt người khám-chữa bệnh tương ứng là 890 và 950 lượt. Số học sinh đến trường năm 2005 là hơn 57 nghìn học sinh thì năm học 2010-2011 là hơn 60 nghìn học sinh, 20/20 phường đều đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng. Các số liệu về thể dục thể thao (TDTT) cũng khá ấn tượng. Nếu năm 2005 chỉ có hơn 84 nghìn người thường xuyên luyện tập TDTT (hơn 54 nghìn người đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể) thì năm 2010, các con số này tương ứng với hơn 110 nghìn và hơn 64 nghìn.

Bước vào tiến trình đô thị hóa, ngoài việc hoàn chỉnh các dự án nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa-TDTT, Bình Thạnh còn chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, mở rộng mạng lưới giao thông kết nối với các khu dân cư hiện hữu. Xây mới các công trình phúc lợi công cộng, nổi bật là các công trình có quy mô lớn như: cải tạo và mở rộng đường Ðiện Biên Phủ, mở rộng vòng xoay Hàng Xanh, xây dựng cầu-đường Bình Triệu II, các khu dân cư Bình Hòa, Miếu Nổi, Văn Thánh Bắc, cầu Thủ Thiêm... Cùng các công trình gắn mật thiết đến đời sống người dân trên địa bàn như: Khu công viên cây xanh, tái định cư phường 12, Khu nhà ở tái định cư 500 căn hộ phường 22, hệ thống thoát nước đường Hoàng Hoa Thám-Vạn Kiếp và hàng chục trường THCS đạt tiêu chuẩn văn minh, hiện đại. Ðể đạt được những kết quả to lớn này, lãnh đạo quận đã áp dụng triệt để chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" trong quy hoạch và xây dựng đô thị. Quận đã "mạnh tay" xóa bỏ 16/20 "quy hoạch treo" không còn phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi (về thủ tục) để người dân tự xây dựng, sửa chữa hơn 1,8 triệu m2 sàn xây dựng, tăng hơn 84% so với năm năm trước. Từ những chủ trương và hành động hợp lòng dân đó, người dân của quận đã hiến hơn 20 nghìn m2 đất (trị giá khoảng 36,8 tỷ đồng) và đóng góp thêm 23,2 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 221 căn hộ trong địa bàn khu dân cư. Nằm ven sông Sài Gòn, công tác chống sạt lở, thoát triều là công việc được chú trọng thường xuyên, quận đã triển khai nhiều dự án chống ngập và sạt lở, xây dựng cống kiểm soát triều Cầu Bông - Bình Triệu - Bình Lợi - Rạch Lăng, dự án chống sạt lở kênh Thanh Ða tại các phường 25, 26 và 27, khơi thông dòng chảy Rạch Lăng, rạch Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa, xây trạm bơm thoát nước khu cư xá Thanh Ða, gia cố đê bao phường 28...

Là cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh hướng ra các đô thị vệ tinh trong tương lai, cũng là nơi đón nhận luồng hàng, luồng giao thông và dân cư quan trọng của thành phố. Xây dựng một hạ tầng cơ sở giao thông, nhà ở, trung tâm thương mại, văn hóa-TDTT... hoàn chỉnh, kết nối, xuyên tâm trên địa bàn quận như hình tượng một bàn tay mở rộng chào mời, thân thiện, nghĩa tình để TP Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, văn minh.