Độc đáo làng nghề đồ chơi Long Tuyền

Với những người dân Cần Thơ, làng nghề làm đồ chơi dân gian Long Tuyền, ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy không còn là địa điểm xa lạ. Hàng thập kỷ qua, với một ít giấy xốp, đất sét, bút mầu…, qua bàn tay khéo léo đã trở thành những món đồ chơi độc đáo, được nhiều người ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Đặng Thị Ly làm những món đồ chơi ngộ nghĩnh.
Bà Đặng Thị Ly làm những món đồ chơi ngộ nghĩnh.

Làng nghề… trẻ tuổi

Nằm bên dòng kênh xanh mát, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Truyền vẫn đông người qua lại các dịp cuối tuần. Người thì đến đặt hàng, người muốn xem những con rùa, con chuột, con chim… đủ sắc mầu. Không ít học sinh, sinh viên đến trải nghiệm cách làm đồ chơi dân gian đậm chất miền Tây.

Nói ông Truyền là “ông tổ” của làng nghề này cũng đúng, dù năm nay ông cũng chỉ ngót nghét ngũ tuần. Và từ lúc ông sáng tạo ra món đồ chơi độc đáo để rồi phát triển thành một làng nghề, sản phẩm vươn đến khắp mọi miền cũng chỉ khoảng 25 năm mà thôi. Ngoài sân, khi mọi người đang chăm chú ngắm nghía, chơi thử những món đồ ngộ nghĩnh thì trong nhà, vợ chồng ông Truyền luôn chân, luôn tay. Cứ khoảng 5 phút, một món đồ chơi lại hoàn thành. Bà Đặng Thị Ly, vợ ông Út Truyền bảo: “Chỉ cần ít giấy xốp, chỉ, bút lông, dây kẽm và đất sét là có thể làm được một món đồ chơi. Đầu tiên, dùng kéo cắt giấy xốp theo khuôn mẫu, rồi lấy chỉ và dây kẽm cố định để tạo ra các con vật đúng hình thù. Sau đó, để xuống dưới bụng một khối đất sét đặc hình trụ nhỏ, có quấn dây vòng quanh một đầu sợi dây xuyên qua lưng con vật. Xuyên qua khối đất hình trụ có một thanh thép nhỏ, luồn hai sợi dây cao-su sang hai bên. Khi kéo mạnh sợi dây, khối đất sét sẽ quay tròn. Thả sợi dây ra, nhờ các sợi cao-su, khối đất sét quay ngược trở lại như lúc đầu, làm con vật di chuyển”.

Nói thì có vẻ dễ và các con vật trông cũng đơn giản, nhưng theo ông Nguyễn Văn Truyền, để tạo ra là cả một quá trình nghiên cứu công phu. Ông kể lại, 25 năm trước, như bao hộ dân quanh vùng, gia đình ông vẫn sống chủ yếu bằng vườn tược. Cuộc sống quanh năm làm lụng chỉ đủ ăn. Những đứa con ra đời, khó khăn vất vả lại càng chất chứa lên vai đôi vợ chồng trẻ. Một buổi sáng nọ, ra bờ kênh, ông thấy người ta đang câu cá nên dừng lại xem. Cá cắn câu, người câu quay ròng rọc để kéo con cá vào, nhưng con cá quá khỏe, quẫy đuôi thật mạnh bơi ra xa. Cái ròng rọc quay tít mù. Nhìn thấy thế, trong đầu ông Truyền lóe lên một ý tưởng, đó là làm các món đồ chơi cho các con. Xin được một ít giấy xốp, ông suy nghĩ mãi xem nên làm con gì, sau cùng ông chọn cắt hình con rùa cho đơn giản. Sản phẩm thành hình, ông “nghiên cứu” làm khối hình trụ. Ban đầu ông vót gỗ, nhưng những khối gỗ như vậy quá nhẹ, lại mất nhiều công sức. Cuối cùng, ông nghĩ cách sử dụng đất sét, nặn sẽ rất nhanh, khối lượng lại lớn, khi thả dây, con vật không bị văng ra khi chạy. Làm được những món đồ chơi cho các con một thời gian, ông thấy đám trẻ con trong vùng rất thích. Thế là ông nghĩ cách “thương mại hóa” sản phẩm. Ông bàn với vợ, làm nhiều con rùa đồ chơi, rồi rao bán. Không ngờ, các món đồ chơi này rất được ưa chuộng. Để đa dạng sản phẩm, hai vợ chồng lại hì hụi sáng chế ra con heo, con cá sấu, con chuột. Sau này người anh trai ông Truyền nghĩ ra cách làm cái xe đẩy bồ câu, cũng sử dụng nguyên lý tương tự nhưng để di chuyển bồ câu thì phải đẩy và khối trụ có gắn một thanh thép nhỏ, nhô ra tầm 1cm, đập liên tục vào một nắp chai bằng nhựa để tạo nên những âm thanh vui tai.

Hàng của vợ chồng ông Truyền bán được, anh em trong nhà cũng làm theo để bán. Dần dần, các hộ chung quanh cũng đến học cách làm, ai đến học vợ chồng ông cũng hướng dẫn nhiệt tình, nhưng có người làm được, người không vì đòi hỏi sự khéo léo cao. Làng nghề dần dần cứ như thế mà thành hình, có những thời điểm hàng chục hộ sản xuất đồ chơi. Trong căn nhà được xây khá rộng rãi, ông Truyền hướng tay chỉ về phía bức ảnh cả gia đình với vẻ mặt không giấu được tự hào: “Ngôi nhà này và mấy đứa con được đi học đầy đủ, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học là từ những món đồ chơi đơn giản như vậy đó”.

Ông Nguyễn Văn Hậu do ngày xưa đi nhiều, khiến đôi chân thường sưng to mỗi khi hoạt động quá sức. Ấy vậy mà ngoài việc chăm nom vườn tược, mỗi tuần ông vẫn dành vài buổi đẩy xe đi bán đồ chơi. Ông bảo, cái nghề làm riết thành quen, không làm thì lại nhớ. Với lại những người như ông mà không làm nữa, sau này, ai biết được làng Long Tuyền này xưa kia đã từng có những món đồ chơi độc đáo như thế.

Để đồ chơi không còn là ký ức

Bữa nào cũng như bữa nào, cứ sau một buổi đi bán hàng là ông Nguyễn Văn Hậu lại tụ tập anh em ngồi lai rai. Chỉ cho tôi chiếc xe máy có thể gọi là “cổ lỗ sĩ” dựng ở góc sân, ông bảo: “Nó theo tui đi bán hàng hơn 20 năm rồi đó”. Nói rồi ông kể, hồi đầu, những món đồ chơi do ông và người làng làm ra bán rất chạy ở quê. Tuy nhiên, mọi người thường tụ tập bán hàng ở trước cổng trường cấp 1, cấp 2. Dần dần, khi cung vượt quá cầu, mọi người bàn nhau đến nơi khác để bán hàng. Thế rồi, trên những chuyến xe máy buộc chặt phía sau là các thùng hàng đồ chơi, họ rong ruổi khắp nơi, ở đâu có trường học thì dừng lại. “Ban đầu, tụi tui bán quanh các quận, huyện ở Cần Thơ. Cứ bán hết là quay về làm tiếp để bắt đầu cho chuyến đi mới. Sau dần, ham làm, chúng tôi đi miết, đi miết, xuống tận Cà Mau, lên tận TP Hồ Chí Minh. Bán được nhiều cho nên làm luôn chân, luôn tay. Ở nhà có bao nhiêu lao động thì tận dụng cho bằng hết. Không ít lần, bọn tui còn đi tận Vũng Tàu, Đắk Lắk…, cách xa 500-600km. Xa mấy cũng đi, miễn sao bán được hết hàng”, ông Hậu chia sẻ.

Về những chuyến xe rong ruổi, ngược xuôi, ông Nguyễn Văn Truyền kể lại, hồi đó, mọi người thường đi theo nhóm. Đi xa, mệt thì ghé dọc đường nghỉ ngơi. Lấy công làm lãi, cho nên chuyện ăn ở phải rất tiết kiệm. Ngày xưa đường sá còn khó đi, cư dân thưa thớt. Nhiều hôm phải đi đến nửa đêm mới tìm được chỗ nghỉ. “Đi xe máy nhiều, những khi thời tiết khắc nghiệt, sức khỏe mọi người bị bào mòn. Biết vậy nhưng ai ai cũng phải ráng sức. Không ít lần, vào các thành phố lớn, không tìm được nhà trọ giá rẻ, tụi tui phải xin ngủ nhờ trong nhà dân. Chuyện ngủ ngoài đường cũng không phải hiếm. Có một lần, giữa đêm, đi qua khu chợ, vắng tanh, vắng ngắt. Ai ai cũng mệt và đói, phải dừng chân, trải tạm tấm nylon lên các sạp thịt lợn mà chợp mắt”, ông Truyền nhớ lại.

Theo những người làm đồ chơi ở làng Long Tuyền, ngày xưa vất vả là thế, nhưng thu nhập tương đối ổn định. Chịu khó dành dụm cũng có thể xây nhà, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Sau này, khi nhiều người biết đến những món đồ chơi độc đáo của làng, họ đặt mối, thu mua nhiều. Đến lúc đó, những chuyến xe ngược xuôi của người dân nơi đây ít dần đi và đến bây giờ gần như chỉ còn là chuyện xa vắng. Ngoài bỏ mối bán buôn, thi thoảng, những người làm đồ chơi như ông Hậu, ông Truyền… lại đẩy xe bán ở các cổng trường trong vùng như trước.

Nói về hướng đi tiếp theo của làng nghề, bà Đặng Thị Ly cho biết, bây giờ số hộ còn theo nghề chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng sản xuất khó cạnh tranh với đồ chơi điện tử, điện thoại di động. Vì thế, nhiều người phải tìm hướng mới để sinh nhai. Như nhà bà Ly, hiện nay còn trồng thêm vườn sầu riêng để kiếm thêm thu nhập. “Đồ chơi truyền thống ít nhiều vẫn được ưa chuộng, nhất là những dịp lễ, Tết, lượng tiêu thụ lại tăng cao. Đó là niềm an ủi để chúng tôi tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, bây giờ nhiều tua du lịch có chương trình đưa khách vào làng trải nghiệm làm đồ chơi. Hy vọng, thời gian tới, những con vật ngộ nghĩnh của làng sẽ vẫn là nét văn hóa truyền thống của miền Tây Nam Bộ”, bà Ly chia sẻ.