<p>Qua thư bạn đọc</p>

Việc xử lý tang vật vi phạm

NDO - Qúa trình xử lý vi phạm hành chính, dân sự, hình sự, việc xử lý đối với tang vật, phương tiện liên quan vụ việc gặp không ít vướng mắc, làm giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng trong lĩnh vực thực thi pháp luật.

Bạn đọc Nguyễn Thúy Hoàn (TP Hồ Chí Minh): Hằng ngày, với tình trạng vi phạm luật lệ an toàn giao thông phổ biến như hiện nay thì số lượng phương tiện giao thông bị tạm giữ trên phạm vi cả nước là rất lớn. Trong khi đó, ở hầu hết các địa bàn lâm vào tình trạng thiếu bến, bãi tập kết phương tiện vi phạm, nhất là tại các thành phố, thị xã. Cảnh tượng lộn xộn diễn ra tại nhiều điểm tập kết phương tiện vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hàng loạt ô-tô, xe máy, xe đạp của người vi phạm bị lực lượng cảnh sát giao thông tạm giữ, đưa về chất đống tại các bãi trông giữ tạm bợ, nhếch nhác. Ðặc điểm chung của nhiều bãi trông giữ này là không có mái che, mặt bằng chật chội, có bãi bị ngập nước lầy lội. Phương tiện của người dân để phơi mưa, phơi nắng bị xuống cấp nhanh chóng. Không ít người khi đến làm thủ tục nhận lại phương tiện phát hiện xe của mình bị tháo trộm thiết bị hoặc hỏng hóc, không còn sử dụng được nữa hoặc giá trị sử dụng rất thấp.

Bạn đọc Ðỗ Văn Nhân (Kon Tum): Việc xử lý tang vật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng hiện nay gặp không ít khó khăn. Thực tế, trong những vụ buôn lậu, vận chuyển gỗ trái phép, chủ vi phạm thường bỏ trốn không đến nhận lại tang vật, do vậy, phần lớn các trường hợp này, tang vật tồn đọng bị coi là vô chủ. Ðối với các tang vật vô chủ, trước khi lập kế hoạch xử lý, cơ quan kiểm lâm phải làm thủ tục thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều trường hợp, do thời gian chờ đợi thẩm định, xác minh, thông báo kéo dài vài ba tháng, khiến tang vật hao mòn, biến dạng, nhất là trong điều kiện bảo quản ngoài trời. Một vấn đề khó khăn nữa là, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương thường gom lại, tiến hành thanh lý, bán đấu giá tang vật theo định kỳ hằng năm hoặc sáu tháng. Do vậy, thời gian chờ đợi để được bán đấu giá quá lâu làm cho tang vật xuống cấp. Nhiều vụ bán đấu giá gỗ lậu tổ chức công khai, rầm rộ, nhưng số tiền thu được không đủ trang trải chi phí phục vụ việc đấu giá. Do vậy, theo tôi, đối với những trường hợp có đặc thù ở vùng xa xôi, giao thông cách trở, Nhà nước nên quy định thẩm quyền xử lý tang vật theo thủ tục đơn giản, kịp thời để tránh lãng phí.

Bạn đọc Trần Phương Minh (Lạng Sơn): Nhiều quy định về thủ tục xử lý tang vật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; có điều khoản chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp xử lý tang vật. Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Không ít trường hợp, để xử lý được tang vật trong các vụ buôn lậu gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, trái cây phải mất thời gian để giám định, thẩm định, đến lúc đưa ra tiêu hủy được thì đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, môi sinh, nhất là mối nguy về dịch bệnh.