Thiên thời, địa lợi
Biển Ðông có vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị hết sức quan trọng, là khu vực giao thương nhộn nhịp với những tuyến đường biển lớn có ý nghĩa chiến lược đối với hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hằng năm, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa các nước, đặc biệt là dầu mỏ vận chuyển qua Biển Ðông chiếm tỷ trọng rất cao. Trong vùng biển này có những hải cảng hàng đầu thế giới, như Singapore, Hồng Công. Biển Ðông từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các nước trong khu vực và cả những cường quốc hàng hải khác trên thế giới.
Nằm bên bờ Biển Ðông, Việt Nam có vùng biển rộng hơn một triệu km2 (gấp hơn ba lần diện tích đất liền) với bờ biển dài hơn 3.260 km, nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (không kể một số đảo). Tính bình quân cứ 100 km2 đất liền nước ta có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới, đồng thời bờ biển lại mở ra cả ba hướng đông, nam và tây nam, rất thuận lợi cho việc đi ra mọi nẻo đường đại dương. Dọc theo bờ biển nước ta có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng quy mô tương đối lớn (kể cả cảng trung chuyển quốc tế). Hơn thế, bờ biển nước ta lại ưu việt về kỳ quan, khí hậu, cảnh sắc và tỷ lệ thời gian có nắng mặt trời, bởi thế nó sẽ là "mỏ vàng" khổng lồ, nếu biết khai thác như một tài nguyên tiềm tàng, thì càng khai thác đúng, tài nguyên đó càng giàu đẹp thêm (thí dụ như việc biến đảo Hòn Tre khô cằn và hoang vắng trở thành Hòn Ngọc Việt - một điểm du lịch và nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực và thế giới nằm trên vùng biển Nha Trang)...
Tài nguyên trong lòng biển và thềm lục địa nước ta cũng rất phong phú, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước, trong đó nổi bật là dầu khí, hải sản, ngoài ra còn nhiều loại khoáng sản phổ biến khác và cả những tài nguyên có giá trị năng lượng cao mà khoa học hiện đại mới phát hiện. Một ưu thế nữa của vùng biển nước ta là vừa có những quần đảo ngoài khơi, vừa có tới khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, trong đó ba đảo rộng từ 100 km2 trở lên (như đảo Phú Quốc diện tích gần bằng quốc đảo Singapore), 23 đảo rộng từ 10 km2 trở lên... Nhưng đặc biệt đáng chú ý là vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Ðông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Có thể nói đó chính là cánh cửa lớn rộng mở để nước ta vươn mạnh ra đại dương và thế giới nhằm chủ động hội nhập và hội nhập có hiệu quả cao. Vùng biển của Tổ quốc là tài sản thiêng liêng, là nguồn lực vô cùng to lớn để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác quốc tế vì hòa bình và thịnh vượng chung.
Trong xu thế toàn cầu hóa, xây dựng và triển khai Chiến lược biển Việt Nam chính là sự nắm bắt kịp thời và phát huy cao độ yếu tố thuận lợi để thích ứng tình hình mới.
Tuy nhiên, xét cả về mặt chủ quan và khách quan, thực tế hiện nay cho thấy trong việc khai thác lợi thế này còn không ít hạn chế, khó khăn và yếu kém. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hằng năm còn nhỏ bé, chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật Bản, 1/7 của Hàn Quốc và 1/260 kinh tế biển của thế giới. Những năm qua, do chưa có chiến lược tổng thể, cho nên các ngành, các địa phương thiếu căn cứ để quy hoạch. Cho đến trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, cũng chưa có cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ quản lý, điều hành chung, dẫn đến những hoạt động đầu tư manh mún, chưa đồng bộ, hiệu quả thấp, kinh tế biển phát triển chậm, thiếu bền vững và cơ cấu chưa hợp lý.
Ðáng chú ý là khoa học - công nghệ biển còn yếu, chưa ứng dụng được bao nhiêu vào thực tiễn, cho nên phương thức khai thác kinh tế biển nước ta nhìn chung vẫn theo tập quán cũ với trình độ kỹ thuật và phương tiện phần lớn còn lạc hậu, tập trung hoạt động gần bờ là chính (trong khi các nước phát triển, có công nghệ cao, khoa học - kỹ thuật tiên tiến thường hướng mạnh ra khai thác vùng biển quốc tế).
Một công việc của toàn dân
Mọi người Việt Nam đều biết câu chuyện truyền thuyết về 100 người con do bà Âu Cơ đẻ ra, chia làm hai hướng, 50 người lên rừng, 50 người xuống biển lập nghiệp. Kế đến là chuyện An Tiêm ra đảo xa dựng nghiệp thành công, nhờ sóng biển chuyển thành quả là những trái dưa hấu ngọt ngào về đất liền dâng lên đức vua. Tổ tiên chúng ta đã xây dựng và truyền lại cho muôn đời con cháu những truyền thuyết như vậy để khẳng định và hun đúc thêm ý thức về sự toàn vẹn lãnh thổ và tầm quan trọng của biển đối với Tổ quốc Việt Nam. Trải qua mấy nghìn năm, lịch sử đất nước có lúc thịnh, lúc suy, nhưng mãi mãi lưu lại những trang hào hùng về tư tưởng, quyết sách về biển của nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê... Và đặc biệt là sự hùng mạnh của những đội chiến thuyền và thương thuyền thời Hoàng đế Quang Trung mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó là kết quả đặc sắc của tư duy chiến lược về biển và sự tiếp nhận kỹ thuật - công nghệ của những cường quốc biển hàng đầu thời đó. Vậy là, từ thời đó, Việt Nam đã đủ trí và lực để chủ động ra biển, mở cửa giao thương quốc tế.
Trong truyền thống của dân tộc và trong mỗi người dân Việt đều mang ý chí và ý thức trách nhiệm đối với biển, đảo của Tổ quốc. Ðồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, được phân công chỉ đạo thực hiện Chiến lược biển, sau khi truyền đạt những nội dung cốt lõi, đã nhấn mạnh một điều để lại trong chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc: Các thế hệ cha ông đã xác định chủ quyền của Việt Nam ở đâu trên Biển Ðông thì ngày nay phải có người Việt Nam ở đó với thế đứng bền vững và hơn thế, còn đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế trên tinh thần hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng và các đối tác khác trên thế giới.
Trong mấy thập kỷ gần đây, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển và đạt được một số thành tựu mới. Ðến nay, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước, với quy mô tăng khá nhanh, cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng phục vụ xuất khẩu đem về một lượng ngoại tệ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hình thành một số trung tâm phát triển để ra biển... Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về Chiến lược biển là bước tiến lớn, đặc sắc về lĩnh vực này. Vấn đề quan trọng hiện nay là quán triệt nội dung nghị quyết và tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và tích cực. Quan điểm chỉ đạo: "Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn", cần được quán triệt trong toàn dân và phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành dưới sự điều hành chung của Chính phủ.
Ngay sau khi có nghị quyết này, tại buổi mở đầu phiên họp thường kỳ tháng 3-2007 của Chính phủ, các thành viên đã phát biểu ý kiến và nhất trí cao Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Ðặc biệt là nhất trí phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, kinh tế biển đóng góp từ 53% đến 55% trong tổng GDP... Mục tiêu đó được Chính phủ quyết tâm thực hiện với những giải pháp cụ thể và toàn diện, từ tăng cường nội lực đến hợp tác quốc tế để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, vừa duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực; từ đẩy mạnh công nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản, đánh bắt, chế biến hải sản, đến phát triển các ngành dịch vụ trên biển; từ xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển, đến phát triển kinh tế hải đảo; từ quản lý vùng biển, đến vùng trời trên biển để bảo đảm quyền khai thác quyền lợi chính đáng của quốc gia... Ðảng, Nhà nước ta xác định quá trình hiện đại hóa, phát triển khoa học - công nghệ biển phải thật sự trở thành động lực của phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển trong giai đoạn mới này. Các nước tiên tiến cũng xác định công nghệ khai thác, bảo vệ tài nguyên biển là một trong bốn lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21.
Cần xúc tiến cụ thể hóa thêm một bước Nghị quyết của BCH T.Ư Ðảng và Chương trình hành động của Chính phủ để phát huy thành tựu, khắc phục những yếu kém, đồng thời phổ biến rộng rãi tư duy mới, tạo nên khí thế mới trong thời kỳ phát triển mới về biển nói riêng và đất nước nói chung.
Thế kỷ 21 được thế giới xem là "Thế kỷ của đại dương". Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân ta đồng tình, hưởng ứng, tích cực triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực.