"Anh thuê xe chở gì? Ủa! gỗ hả? Không giấy phép thì chịu thôi!". Sau nhiều lời từ chối như vậy, cuối cùng nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại cũng may mắn được nhà báo Thiên Nga (báo Tiền phong ) xin giúp giấy phép.
Vội vàng lên được một xe khách đồng ý chở gần 30 tác phẩm điêu khắc gỗ, Đàm Đăng Lại không kịp mang theo đồ dùng cá nhân gì để ra được đúng ngày khai mạc triển lãm tại Hà Nội.
Những khối gỗ mảnh cao gần 2m vươn thẳng đứng trên những miếng đế sắt dẹt, mỏng sát mặt đất- một ngụ ý tinh tế về ý nghĩa tâm linh của sự giao hòa giữa sự sống của cây với đất mẹ thiêng liêng.
Trong các tác phẩm Bố cục cây (đoạt giải C giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2004), dễ nhận thấy những mô tip quen thuộc của những đường gấp khúc kỷ hà trong điêu khắc trang trí nhà mồ Tây Nguyên, trên thổ cẩm của đồng bào Ê Đê, Ba Na hay Xơ Đăng. Nhưng chúng đã được tái tạo lại đầy ấn tượng bằng sự chắt lọc cô đọng qua con mắt và đôi bàn tay rất cá tính của nhà điêu khắc lớn lên trên cao nguyên đất đỏ bazan.
Một cách nhìn khác ngộ nghĩnh dí dỏm và đầy chất thơ thể hiện trong loạt tác phẩm Chim - những tác phẩm đầu tay mà Đàm Đăng Lại đã đoạt giải trong cuộc thi Ánh mắt trẻ năm 2001-2002. Hình tượng chim gỗ rất quen thuộc trong điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên như được Đàm Đăng Lại làm sống lại bằng những bóp hình vươn dài, làm khối căng tròn thay đổi, như đang múa, đang chuyển động, đang cất tiếng hót ca ngợi cuộc sống. Một chút đồng uốn làm mào trên đỉnh đầu tạo thêm vẻ sinh động và duyên dáng cho khối điêu khắc.
Tác phẩm: Gia đình |
Nếu tinh ý người xem sẽ nhận ra sự biến điệu của dáng chim sang hình tượng Mẹ con hay Niệm rất tinh tế và thông minh. Hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình, tình mẫu tử - tác giả đã truyền đạt rất thành công những ý nghĩa nhân văn này trong ngôn ngữ điêu khắc hiện đại.
Mến mộ tài năng của Đàm Đăng Lại, cô sinh viên Nhật Bản Watanabe Hiroko, trong thời gian học điêu khắc ở trường ĐH Mỹ thuật Huế đã phải lòng anh và họ đã nên vợ nên chồng. Cha của Hiroko là một chuyên gia địa chất và ông đã mất vì trượt chân ngã xuống vách núi trong một chuyến đi công tác năm 2002. Đôi vợ chồng trẻ về Nhật sống để an ủi người mẹ. Thời gian này Đàm Đăng Lại sáng tác cật lực. Anh thuê xưởng để vẽ với mục đích lấy hội họa nuôi điêu khắc. Một loạt tranh trừu tượng khổ lớn và tranh in collagraphs được ghi lại dấu ấn qua các triển lãm Image ở gallery Prestige (Sapporo), XUCTAX ở gallery Okui Migaku, Shakou ở gallery Daido (Sapporo),...
Tám cuộc triển lãm cá nhân và 18 cuộc triển lãm nhóm ở Việt Nam và Nhật Bản trong vòng 5 năm (2000-2005) quả là con số khó tin đối với một nghệ sĩ trẻ. Nhưng nếu nhìn vào các tác phẩm cũng như cách sáng tạo không ngừng nghỉ của Đàm Đăng Lại, nhất là hai năm sống và sáng tác bên Nhật, trong nếp sinh hoạt văn hóa sôi động của một đất nước công nghệ cao, thì con số trên là điều dễ hiểu.
Xin được kết thúc bài viết bằng lời nhận xét của nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức : " Xem tác phẩm của Đàm Đăng Lại, dù ở châu lục xa xôi nào, không cần phiên dịch, cũng có thể hòa đồng, xích lại gần nhau, hòa chung nhịp điệu của con tim và cặp mắt cùng hướng vào vẻ đẹp- như hạnh phúc đích thực của con người được trở về ngụp lặn trong dòng suối mát nguyên sơ, từ nguồn cội đã khai sinh ra chính mình.".