Là tỉnh ven biển miền trung, Bình Định sở hữu nguồn lợi thủy sản phong phú và đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường biển trước tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Những năm qua, địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường biển, từ mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, tăng cường quản lý khai thác thủy sản đến cải thiện hệ sinh thái ven biển.
Chung tay bảo vệ môi trường
Trong những năm qua, Bình Định đã phát động nhiều chương trình lớn hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, đồng thời tổ chức các hoạt động thực tiễn như quản lý rác thải ven biển, bảo vệ rạn san hô và giám sát nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, mô hình tổ đồng quản lý môi trường đã được thành lập tại các xã ven biển Nhơn Lý, xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), xã Cát Tiến (huyện Phù Cát)... vừa thực hiện mô hình phát triển du lịch bền vững, vừa kết hợp giữa khai thác hợp lý tài nguyên biển và bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Nguyễn Hữu Đảo, thành viên tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý chia sẻ, sau rất nhiều nỗ lực của các sở ngành liên quan và Tổ cộng đồng, hệ sinh thái rạn san hô ở Bãi Dứa đang phát triển tốt trở lại. Cùng với hoạt động can thiệp trực tiếp để bảo vệ rạn san hô, các thành viên của Tổ cộng đồng tích cực gặp gỡ người dân để phổ biến, giới thiệu chủ trương, chính sách, định hướng, quy hoạch để người dân hiểu, cùng đồng thuận góp sức xây dựng quê nhà.
![]() |
Ngư dân phân loại rác ngay trên biển. |
“Trong các tour du lịch, chúng tôi thiết kế hoạt động trải nghiệm cho du khách, không chỉ tham quan cảnh đẹp mà còn có thể trực tiếp tham gia vào công tác thu gom rác thải nhựa, đổi lấy những sản phẩm lưu niệm thân thiện với môi trường. Mô hình này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ du khách, vừa giúp họ có những trải nghiệm thực tế thú vị, vừa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ biển xanh”, anh Đảo cho biết.
Mỗi tuần, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng Bảo vệ san hô xã Nhơn Hải lại cùng các thành viên trong nhóm tổ chức các đợt lặn thu gom rác, giữ cho vùng biển quê hương được trong sạch hơn. Xuất phát từ tình yêu với đại dương và mong muốn giữ gìn hệ sinh thái biển, họ hiểu rằng san hô là “lá phổi” của biển, là nơi sinh trưởng và trú ngụ của nhiều loài sinh vật biển, nếu không có biện pháp bảo vệ thì chẳng bao lâu nữa cả vùng biển sẽ mất đi sự sống và vẻ đẹp vốn có.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải cho biết, không chỉ có sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ đồng quản lý tại các xã ven biển cũng đã tiên phong trong việc dọn vệ sinh dưới lòng biển, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là tại các khu vực nuôi trồng thủy sản và rạn san hô.
Công ty Môi trường Bình Định đã phối hợp với chính quyền xã để bảo đảm lượng rác thải từ hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản được xử lý đúng quy trình. Hiện tại, 100% số hộ dân đã được vận động thu gom rác hằng ngày và đưa về điểm tập kết để xử lý, tránh tình trạng rác thải trôi xuống biển gây ô nhiễm.
Nỗ lực từ ngư dân và doanh nghiệp
Cùng với hoạt động đánh bắt, vấn đề rác thải nhựa sinh hoạt từ tàu cá xả ra biển đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển Bình Định. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn cùng Ban quản lý Cảng cá Bình Định tổ chức triển khai mô hình thu gom rác từ tàu cá trong cộng đồng ngư dân.

Nhân rộng mô hình đưa rác vào bờ
Theo đó, các tàu thuyền hoạt động ngoài khơi không vứt rác xuống biển mà tập kết rác trên thuyền, mang vào đất liền sau mỗi chuyến đi. Ngư dân được khuyến khích chuẩn bị thùng chứa rác trên tàu, đồng thời thực hiện phân loại rác để dễ dàng xử lý khi cập cảng. Đối với những hộ nuôi cá lồng, mô hình thu gom thức ăn thừa, rác thải nhựa từ lồng bè đang được áp dụng rộng rãi, bảo đảm mọi phế phẩm trong quá trình nuôi trồng đều được xử lý đúng cách.
Thời gian qua, mô hình được triển khai trên 200 tàu cá đánh bắt xa bờ, gồm 100 tàu cá thường xuyên cập Cảng cá Quy Nhơn, 100 tàu cá hoạt động tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) và Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn).
Qua khảo sát của ngành chức năng, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 20 ngày, lượng rác thải sinh hoạt từ các tàu cá ghi nhận như sau: Với 14 kg nhựa từ chai nước uống và thực phẩm trên mỗi tàu cá trong một chuyến đi biển, nhân lên với 200 tàu cá thì có thể thấy một lượng lớn nhựa bị thải ra nếu không có biện pháp thu gom.
Ngoài ra, với lượng bao bì bảo quản thủy sản cũng chiếm 6 kg nhựa trên mỗi tàu cá cho thấy ngành thủy sản cần chú trọng hơn vào việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Trong năm 2024, mô hình đã thu gom tổng cộng 2.300 kg phế liệu, trong đó nhựa chiếm tới 82% (1.880 kg). Với riêng Cảng cá Quy Nhơn, lượng thu gom đạt 1.600 kg, chiếm phần lớn tổng lượng thu gom.
![]() |
Mô hình thu gom rác thải từ tàu cá ngư dân đang mang lại những hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường biển. |
Từ số liệu trên có thể thấy, nếu được nhân rộng mô hình không chỉ giúp bảo vệ môi trường biển, mà còn mang lại tác động tích cực trong việc thay đổi thói quen của ngư dân. Ngư dân Lê Văn Hùng, thuyền trưởng tàu cá tham gia mô hình chia sẻ: “Tôi nhận thấy lượng rác thải trên tàu mỗi chuyến đi biển không hề nhỏ. Trước đây, chúng tôi không nghĩ đến chuyện thu gom rác, nhưng từ khi tham gia mô hình này, anh em trên tàu đều chủ động bỏ rác vào túi lưới để mang về cảng”.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định cho biết, là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá theo quy trình khép kín, Bình Định đã tạo tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình này ra các tỉnh ven biển.
Thời gian tới, Bình Định sẽ mở rộng quy mô mô hình, kết hợp thêm các giải pháp xử lý rác thải nhựa hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác với các tổ chức môi trường để hỗ trợ ngư dân tham gia mô hình. Mô hình này không chỉ là giải pháp tình thế mà còn mở ra một hướng đi lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường biển tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Thủy sản Bình Định (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình đã nâng cao nhận thức cho thuyền viên làm việc trên các tàu cá về rác thải nhựa đại dương thông qua các hình thức khác nhau.
Để bảo đảm hoạt động thu gom diễn ra có hệ thống, các cơ quan quản lý đã xây dựng một quy trình khép kín. Trước khi cập cảng, thuyền trưởng sẽ khai báo số lượng rác thải nhựa trên tàu, từ đó đơn vị thu gom tiếp nhận và xử lý đúng quy trình. Cùng với đó, thành lập đội thu gom rác thải nhựa trên tàu cá. Đội ngũ này thuộc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và phân loại rác tại bến cảng. Ngoài ra, mô hình cũng hỗ trợ túi lưới thu hồi rác cho các tàu cá, giúp thuyền viên chủ động thu gom rác thay vì xả xuống biển.
Với những hành động quyết liệt, Bình Định đang từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa giữ gìn tài nguyên thiên nhiên.