
Các công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, hay đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang… không chỉ mang ý nghĩa chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn là minh chứng sống động cho vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng. Sự đồng thuận từ nhân dân và những cách làm sáng tạo của cấp ủy địa phương đã trở thành chìa khóa tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và thi công dự án, góp phần đưa các dự án về đích đúng tiến độ đề ra, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Tại nhiều nơi, sự đồng thuận từ nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của đảng bộ địa phương đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình thi công.
Dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của khu vực miền núi phía bắc. Dự án có chiều dài gần 105km và tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, do hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang làm chủ đầu tư.
Huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua, với hàng trăm hộ dân phải di dời, bồi thường và tái định cư. Trong số đó, gia đình anh Đặng Văn Tất, chị Lý Thị Ngân ở thôn Vật Lậu, xã Vĩnh Hảo có hoàn cảnh đầy éo le. Vợ chồng anh vừa phải nuôi bố mẹ già yếu, vừa nuôi 3 người con, trong đó, một bé trai bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ 20 ngày tuổi. Trong căn nhà đơn sơ, anh chị không khỏi lo lắng khi nhận được thông báo nằm trong vùng dự án phải chuyển đi nơi khác. Vợ chồng anh trăn trở với nhiều câu hỏi: Liệu số tiền đền bù có đủ chữa bệnh cho con, rồi có thể xây thêm căn nhà mới để an cư, lạc nghiệp?
Biết được thông tin này, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy huyện Bắc Quang đã xuống động viên, trao quà hỗ trợ để gia đình vơi bớt khó khăn; tìm phương án ổn định sinh kế cho gia đình. Cảm nhận được tấm lòng nồng hậu đó, anh Tất và chị Ngân đã đồng ý di dời ra nơi ở mới để nhường đất làm đường.
Thi công dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang. Ảnh: KHÁNH AN
Thi công dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang. Ảnh: KHÁNH AN
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500kV từ trung-bắc, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Dự án “khổng lồ” này có tổng chiều dài 519km đi qua 9 tỉnh, đặc biệt, dự án có khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 183ha, ảnh hưởng đến 5.248 hộ dân và 96 tổ chức, trong đó có 167 hộ dân phải di dời tái định cư.
Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng móng, cột nhiều nhất (299 vị trí) và là 1 trong 2 tỉnh có quy mô tuyến đường dây dài nhất trong số các tỉnh có tuyến đường dây 500kV mạch 3 đi qua, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn.
Kinh doanh đồ nội thất nên trước đó nhiều năm, gia đình ông Vũ Đình Sỹ (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã phải gom mua từ nhiều hộ dân trong vùng được một mảnh đất rộng nhằm thuận tiện cho việc bày bán hàng hóa và xe vận tải lớn vận chuyển hàng hóa. Khi nghe tin có dự án đường dây 500kV mạch 3 đi qua và có ảnh hưởng đến phần đất của gia đình đang sinh sống, làm ăn, kinh doanh, gia đình ông Sỹ có nhiều lo lắng.
Tuy nhiên, sau khi nhận được sự giải thích và vận động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, gia đình ông đã nhận thức được vai trò quan trọng và ảnh hưởng tích cực của dự án sau khi đi vào vận hành. Không chỉ phối hợp bàn giao đất, ông Sỹ còn vận động nhiều hộ dân khác trong vùng cùng đồng thuận bàn giao đất cho dự án, giúp tiến độ giải phóng mặt bằng ở xã Thiệu Long nhanh hơn đáng kể, góp phần vào nỗ lực chung để đưa cả dự án về đích “thần tốc” chỉ sau hơn 6 tháng thi công.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh. Ảnh: NGỌC HÀ
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh. Ảnh: NGỌC HÀ

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng như hỗ trợ quá trình thi công các dự án trọng điểm đã được triển khai một cách quyết liệt và sáng tạo, với nhiều cách làm mới.
Xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương có đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đi qua, toàn xã có 258 hộ dân thuộc diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dời tái định cư. Xác định được tầm quan trọng của dự án này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền xã Quang Minh đã có sự chỉ đạo thông suốt từ xã đến các thôn bản. Cùng với đó là những cách làm đổi mới sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đã mang lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân về triển khai dự án, giúp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Theo đó, tại xã Quang Minh, cấp ủy địa phương đã có sáng kiến rất sáng tạo, mới mẻ trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đó là tổ chức cuộc thi viết về công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư do Đảng ủy xã Quang Minh phát động. Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng. Hiệu quả lớn nhất của cuộc thi là tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về triển khai dự án đường cao tốc, qua đó giúp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh cho biết: Trong đền bù, giải phóng mặt bằng, riêng công tác tuyên truyền là chưa đủ. Do đó, xã đã tổ chức cuộc thi viết để triển khai đông đảo đến đảng viên và người dân, giúp nhân dân tìm hiểu về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đặc biệt để người dân trong xã có thời gian nghiên cứu sâu hơn về Luật Đất đai và đặc biệt là cuốn cẩm nang hỏi đáp về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của huyện Bắc Quang đã được biên soạn và gửi đến người dân.
Trong quá trình triển khai thực hiện, xã nhận được rất nhiều phản ánh tích cực của cán bộ, đảng viên và người dân. Chỉ trong thời gian triển khai 1 tháng, xã đã nhận được trên 500 bài thi viết và các bài thi đều rất chất lượng, thể hiện rõ sự hiểu biết của của người viết đối với tầm quan trọng của tuyến đường cao tốc và đặc biệt là hiểu rõ được công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Cùng với cách làm sáng tạo, đổi mới như tổ chức cuộc thi viết về công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của xã đã tích cực tuyên truyền, vận động lan tỏa cuốn cẩm nang hỏi đáp về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu, triển khai các phương án phù hợp với định hướng sinh kế cho bà con nhằm hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống mới sau khi di dời.
Dù quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề di chuyển mồ mả của người dân, do phong tục tập quán địa phương, để giải quyết, Đảng ủy xã Quang Minh đã phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo, vận động các gia đình, dòng tộc và những người có uy tín trong cộng đồng, từng bước tạo được sự đồng thuận của người dân.
Với phương châm “làm hết việc, không hết giờ”, Đảng ủy xã Quang Minh phối hợp cùng các thành viên Ban chỉ đạo đã vào cuộc quyết liệt, làm công tác dân vận, họp thôn, lấy ý kiến Trưởng các dòng tộc, những người cao tuổi có uy tín nhằm tạo tiếng nói trong dư luận. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, người dân cũng hiểu được cái lợi chung, vượt lên những trăn trở, tiếc nuối để mở lòng hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích của cả cộng đồng, cùng chấp thuận đền bù, giao đất cho Nhà nước.
Kiểm tra tiến độ thi công khu tái định cư dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang. Ảnh: KHÁNH TOÀN
Kiểm tra tiến độ thi công khu tái định cư dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang. Ảnh: KHÁNH TOÀN
Các dự án trọng điểm thường khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường và xã Quang Minh cũng không phải ngoại lệ. Giải quyết các vấn đề này, xã Quang Minh đã chú trọng nêu cao vai trò của 3 chức danh ở các thôn là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và Trưởng ban công tác Mặt trận, lấy các chức danh này làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ đó, các hộ di dời đến đâu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được làm theo hình thức cuốn chiếu đến đó và được thông báo công khai. Người dân nhanh chóng được giao tiền bồi thường để ổn định sản xuất và sinh hoạt tại nơi ở mới.
Đồng chí Nguyễn Tiến Trước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Minh cho biết, khi có vướng mắc, cấp ủy đảng, đồng chí Bí thư đã có các chỉ đạo đối với Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể phối hợp cùng chính quyền làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối cũng như các chính sách để quá trình thực hiện dự án cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang qua địa bàn được tốt hơn, thuận lợi hơn.
Theo lãnh đạo cấp ủy địa phương, qua thực tiễn triển khai, Đảng bộ xã Quang Minh đã rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là cần gần dân, sát dân, hiểu dân để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra và nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên cơ sở.

Đối với dự án đường dây 500kV mạch 3, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, trải dài qua địa bàn 211 xã/phường của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 183ha, ảnh hưởng đến 5.248 hộ dân và 96 tổ chức, trong đó có 167 hộ dân phải di dời tái định cư.
Tại 9 địa phương đường dây đi qua, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thường xuyên đến công trường để đôn đốc các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xử lý tại chỗ các khó khăn liên quan. Toàn bộ vị trí móng đã được bàn giao cho nhà thầu thi công trong tháng 3/2024 và toàn bộ hành lang tuyến đã được bàn giao trong tháng 6/2024 để các đơn vị tham gia dự án tăng tốc thi công.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa là một điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như hỗ trợ thi công dự án. Với hơn 299 móng cột và 131km đường dây đi qua địa bàn, nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án, ngay từ đầu, tỉnh Thanh Hóa đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Với tinh thần "chỉ đạo quyết liệt, hành động nhanh chóng", tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp, từ công tác giải phóng mặt bằng đến thi công xây dựng.
Ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, để bảo đảm tiến độ của dự án, bài học đầu tiên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra, tuyên truyền, thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng, động viên các đơn vị thi công nhiều lần. Các ngành cũng rất trách nhiệm để tập trung nhân lực thực hiện với tiến độ nhanh nhất.
Theo ông Liêm, đối với việc bồi thường cho các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án, do thời gian gấp rút nên ngoài các đoàn của các sở, ngành thì Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức các đoàn cùng các ngành xuống hiện trường lắng nghe các ngành và các huyện báo cáo và có những quyết định tại hiện trường để bảo đảm nhanh tiến độ. Có những hộ chưa đồng thuận cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã 2 lần đến để tuyên truyền, vận động. Với trách nhiệm và tình cảm của lãnh đạo tỉnh như vậy, các hộ dân rất ủng hộ, đồng thuận.
“Như vậy, có thể nói thắng lợi trong công tác giải phóng mặt bằng của Thanh Hóa ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, thì rõ ràng công tác tuyên truyền, vận động thông qua cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể là rất quan trọng để có được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, để người dân hiểu được tầm quan trọng của công trình trọng điểm quốc gia”, ông Liêm nhấn mạnh.
Thi công kéo dây trên cao dự án đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY
Thi công kéo dây trên cao dự án đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TUẤN HUY
Công trình không thể bàn giao mặt bằng nhanh nếu không nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Các địa phương có dự án đi qua đã có sự đồng thuận cao của người dân. Họ sẵn sàng nhường đất, nhường chỗ ở, nơi làm ăn, sinh kế cho dự án, thậm chí có những hộ gia đình chủ động tháo dỡ nhà cửa, di dời mồ mả cha ông để dự án sớm đi vào triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nêu rõ, cả hệ thống chính trị ở Thanh Hóa đã vào cuộc giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đến ngày 29/5/2024, tỉnh đã hoàn thành công tác vận động nhân dân, thực hiện bàn giao toàn bộ vị trí móng cột và các khoảng néo cho chủ đầu tư thực hiện thi công dự án, trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng dự án.
Đồng chí Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh, qua việc triển khai thực hiện dự án, tỉnh Thanh Hóa rút ra 3 bài học kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, đó là phải quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện; nhờ đó mới hoàn thành được khối lượng công việc lớn để hoàn thành dự án.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có tính khả thi cao; phân công rõ nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các lực lượng tại chỗ cùng vào cuộc trong công tác hỗ trợ nhân lực, vật lực cho thi công thực hiện dự án.
Các địa phương trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức giao ban để nắm bắt tiến độ và những khó khăn, vướng mắc phát sinh; kịp thời giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài, nhất là trong thực hiện chế độ, chính sách cho các hộ dân bị ảnh hưởng; bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, qua đó tạo được sự ủng hộ cao của nhân dân đối với dự án.

Trong khí thế thi đua sôi nổi trên các công trình trọng điểm quốc gia, mỗi cá nhân đảng viên của các đơn vị thi công đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Triển khai nghị quyết của các cấp ủy Đảng, ở các công trình, dự án lớn, sự nêu gương và tinh thần trách nhiệm, dấn thân của các đảng viên luôn được chú trọng, tạo sự lan tỏa, tăng sức mạnh đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại công trường thi công cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn, các đơn vị của Binh đoàn 12 đều nỗ lực thực hiện phần việc của mình, góp phần đưa dự án về đích đúng hẹn. Việc phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, động viên tinh thần người lao động là yếu tố quan trọng làm nên thành công của dự án.
Được giao nhiều phần việc thi công nơi có địa hình phức tạp thuộc dự án cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Lữ đoàn 99, Binh đoàn 12 đã áp dụng những công nghệ thi công tiên tiến và huy động đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp. Nhờ đó, Lữ đoàn 99 là một trong những đơn vị dẫn đầu của Binh đoàn 12 về sản lượng thi công.
Thi công cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn. Ảnh: HIẾU NGUYÊN
Thi công cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn. Ảnh: HIẾU NGUYÊN
Đại tá Đào Doãn Hạ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 99, Binh đoàn 12 cho biết: Trong kết quả đơn vị đạt được, vai trò công tác Đảng, công tác chính trị, nắm bắt tình hình tư tưởng ở đơn vị, xây dựng tính tổ chức, tính kỷ luật trong lao động sản xuất cũng như trong hoạt động chung của đơn vị và công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hết sức quan tâm.
Cũng tại công trường, buổi lễ thăng quân hàm cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã được tổ chức một cách giản dị nhưng trang nghiêm. Sự quan tâm kịp thời này cũng là động lực tinh thần lớn lao để động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ ra sức hoàn thành nhiệm vụ. Trên công trình trọng điểm quốc gia mà Lữ đoàn 99 tham gia thi công, kỷ luật và tinh thần người lính luôn là yếu tố quan trọng, góp phần đưa công trình về đích đúng hẹn. Đây cũng là hiệu quả của việc thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị, góp phần tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Chia sẻ sau khi được thăng quân hàm ngay tại công trường thi công, Thiếu tá Lương Tiến Dũng cùng đồng đội là Thiếu tá Nguyễn Văn Thiết của Lữ đoàn 99, Binh đoàn 12 bày tỏ vinh dự được tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh bộ đội Trường Sơn đi trước, đồng thời khẳng định quyết tâm nỗ lực, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao ý chí, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và góp sức đưa công trình về đích kịp tiến độ.
Trong khi đó, trên đại công trường xây dựng đường dây 500kV mạch 3 với nhiều vị trí thi công trên địa hình hiểm trở, phức tạp, bên cạnh hiệu quả máy móc, tinh thần đảng viên dấn thân cũng luôn được nêu cao để góp phần hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Đảng viên Lê Văn Tám (giữa) cùng các đồng nghiệp trên công trường thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: TRUNG HƯNG
Đảng viên Lê Văn Tám (giữa) cùng các đồng nghiệp trên công trường thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: TRUNG HƯNG
Đảng viên Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 2, Trưởng Ban điều hành dự án đường dây 500kV mạch 3 của công ty cho biết, vai trò của đảng viên trên công trường thi công được đề cao trong mọi hoạt động, đặc biệt là các phong trào vận động thi đua lao động sản xuất.
Tất cả cán bộ, đảng viên của các đơn vị thi công trên công trường không ngại gian khổ, luôn bám sát vị trí, vận dụng trí tuệ và sáng kiến để đẩy nhanh tiến độ công việc, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Các đảng viên trên công trường đều luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của mình như những hạt nhân gương mẫu trong mọi nhiệm vụ. Công việc càng khó khăn vất vả, phẩm chất của người cán bộ đảng viên tại công trường càng được phát huy cao, anh Tám chia sẻ.
“Ý chí quyết tâm của anh em trên công trường thực sự rất cao. Nói chung cũng vất vả, nhưng được tham gia góp sức vào một công trình trọng điểm quốc gia cũng là điều hãnh diện đối với chúng tôi. Chúng tôi rất phấn khởi và đặt quyết tâm cao nhất, phấn đấu hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”, đảng viên Lê Văn Tám khẳng định.
Đó cũng chính là tinh thần chung của cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động trên các công trường thi công dự án trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Sự nỗ lực, quyết tâm, không ngại khó khăn, phát huy tinh thần gương mẫu của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ là minh chứng rõ nét cho thấy tầm quan trọng của cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án, để cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc, tham gia vận động, thuyết phục từng hộ gia đình, cá nhân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với dự án trọng điểm quốc gia. Tinh thần này cùng các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra sẽ tiếp tục được lan tỏa, là điểm tựa để các dự án trọng điểm có thể đạt được thành công như mong đợi, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày xuất bản: 27/1/2025
Nội dung và trình bày: Trung Hưng
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN