PV: Thưa Phó Chủ tịch nước, trong năm năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của các phong trào này?
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Như chúng ta đã biết, năm năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta gặp không ít những khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế ở trình độ thấp, thiên tai, dịch bệnh lại liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Nền kinh tế nước nhà đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HÐH; kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Năm năm qua, Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Ðiểm nổi bật là nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Ðảng, Chính phủ phát động nhân dân cả nước nỗ lực phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2006-2010) theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư phát động: Phong trào thi đua 'Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi', phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phong trào thi đua cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với các hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', 'Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng', thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững. Hình thức thi đua được đổi mới, mở rộng các hình thức thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua ngắn ngày, thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước. Qua đó, đã tạo được không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong phạm vi cả nước, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể kể ra đây rất nhiều kết quả cụ thể trên các lĩnh vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông... đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; phong trào thi đua liên kết đẩy nhanh tiến độ bảo đảm chất lượng trên các công trình trọng điểm quốc gia; phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và nhiều phong trào thi đua khác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã thu hút hàng triệu công nhân, lao động hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch từng năm. Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm; phong trào thi đua 'Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm'. Kết quả của các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm, có mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Ðặc biệt phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng' phát triển ngày càng sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đã giúp cho hàng triệu nông dân thoát nghèo; thông qua các phong trào xuất hiện nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, quyết tâm làm giàu và giúp người khác có việc làm, ổn định cuộc sống.
Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua 'Dạy tốt, học tốt', thông qua Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', cuộc vận động 'Hai không', phong trào 'Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo', phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực', đã tạo không khí đổi mới, góp phần chấn chỉnh kỷ cương và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ về xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài nguyên - môi trường... Ðặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu tạo được hàng trăm giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt.
Trong các lĩnh vực khác, như y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; an sinh xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, quốc phòng, an ninh, phòng, chống tham nhũng, ngoại giao, cũng dấy lên nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả. Tiêu biểu là cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư', cuộc vận động 'Ngày vì người nghèo', phong trào xây dựng 'Nhà đại đoàn kết', xóa nhà dột nát cho người nghèo, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo' đã khơi dậy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Năm năm qua (2005-2009) Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động được 2.728,5 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa được 491.470 nhà cho người nghèo. Từ năm 2009 đến nay, số hộ nghèo được hỗ trợ là 157.735 căn nhà, trong đó đã tập trung đầu tư cho 62 huyện nghèo và đồng bào Khmer Tây Nam Bộ, hỗ trợ 1.882 tỷ đồng, đưa 1.000 lao động của 62 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo cho nông thôn 1.827 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 9,5% (năm 2010).
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong năm năm qua đã có bước chuyển biến tích cực. Các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lao động, Báo Hà Nội mới, Báo Thanh niên, Báo Phụ nữ, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Truyền hình Hà Nội, Ðài Tiếng nói Việt Nam và nhiều báo, hệ thống phát thanh truyền hình các địa phương đã dành thời lượng cần thiết, xây dựng các chương trình, chuyên mục để tuyên truyền nêu gương các điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền, giáo dục thật sự góp phần nâng cao và phát huy nền tảng giá trị văn hóa và qua đó đã tác động hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
PV: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cần khắc phục những hạn chế gì trong những năm tới, thưa đồng chí Phó Chủ tịch nước?
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Trước hết, tôi có thể nói rằng, mặc dù phong trào thi đua được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, song mới tập trung ở khối các cơ quan hành chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước; một số chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng chưa triển khai đồng bộ tới cơ sở. Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa được quán triệt đầy đủ trong thực hiện, vận dụng còn lúng túng, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân. Phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục. Phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào. Trong chỉ đạo, nhiều nơi chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan, từ đó hạn chế tính động lực và hiệu quả của các phong trào thi đua. Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có bước đổi mới về nội dung, xây dựng tiêu chí thi đua, song còn lúng túng về phương thức hoạt động và bộc lộ những yếu kém trong quản lý, tổ chức các phong trào thi đua.
Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa đạt yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/T.Ư ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị. Trong chỉ đạo, một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu kế hoạch tổ chức thực hiện, phương thức triển khai nhân rộng còn lúng túng. Trong xây dựng điển hình, thì khâu bồi dưỡng điển hình còn yếu kém.
Chất lượng thẩm định các hình thức khen thưởng cấp nhà nước tuy có được nâng lên, nhưng không ít bộ, ngành, địa phương vận dụng và đề nghị mức khen thưởng chưa theo đúng các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định của Chính phủ, tạo ra sự thiếu thống nhất trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong bình xét và suy tôn các danh hiệu thi đua còn nể nang, cào bằng, tỷ lệ đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp còn quá cao, không phù hợp thực tế và không bảo đảm tính tiêu biểu. Một số nơi tỷ lệ khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều. Trong chỉ đạo chưa quan tâm chú trọng khen thưởng cho cá nhân người lao động, người trực tiếp sản xuất; còn có biểu hiện bệnh thành tích trong khen thưởng. Khen thưởng còn chưa đồng đều, mới tập trung ở một số bộ, ngành, địa phương và một số lĩnh vực. Việc tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp trước khi Thủ tướng Chính phủ có Quy chế quản lý thì còn tràn lan, tính thuyết phục chưa cao.
PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Ðại hội Thi đua yêu nước lần này và những phương hướng chủ yếu của các phong trào thi đua yêu nước trong những năm tới?
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Ðại hội Thi đua yêu nước lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm năm tới. Ðại hội nhằm khơi dậy và cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng diễn ra vào đầu năm tới. Vì vậy, phong trào thi đua phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thật sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn của toàn dân tộc, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, tinh thần Chỉ thị 39-CT/T.Ư ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị, kết luận của Ban Bí thư T.Ư Ðảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trước hết từ các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.
Tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. Ðồng thời, phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực..., góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn như ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, giảm tai nạn giao thông, xóa đói, giảm nghèo... Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2011-2015) của từng bộ, ngành, địa phương và cả nước theo Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.
Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng gắn kết với thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Thi đua - khen thưởng phải thật sự là động lực to lớn và là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới, tăng cường khen thưởng cho các cơ sở và người lao động trực tiếp, kịp thời khen thưởng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, khen thưởng đột xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch nước.
VŨ THẾ LÂN
(Thực hiện)