Những gia đình xuyên biên giới
Chúng tôi gặp lại bạn Xaiyavong Duangmany, quốc tịch Lào, hiện đang là sinh viên năm thứ tư, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tại chương trình tổng kết "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2024. Đến Việt Nam sinh sống, học tập từ năm 2019, Xaiyavong Duangmany giờ đã xem Thành phố Hồ Chí Minh như quê hương thứ hai bởi cô đã quen với nếp sinh hoạt, văn hóa ở thành phố năng động này.
Thời gian ở cùng với người mẹ nuôi của mình (chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ Quận 4) đã giúp Xaiyavong Duangmany quên đi nỗi nhớ quê, giúp em vượt qua khó khăn, thách thức của những ngày đầu mới đến. Xaiyavong Duangmany tâm sự, ở với mẹ Hằng, ở trường học, chúng em không chỉ học văn hóa, kiến thức mà còn học cách sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của gia đình Việt Nam. Điều này giúp chúng em tự tin, vững vàng, trưởng thành hơn sau khi tốt nghiệp ra trường.
Được nhận nuôi thêm những đứa con từ bên kia biên giới, chị Hằng cũng chẳng toan tính mà luôn xem các em như chính con ruột của mình. Điều mà chị và gia đình thấy ấm áp nhất là các con đều trưởng thành, chín chắn theo thời gian. Các con đều tự bảo ban nhau, ý thức trong nếp sinh hoạt.
Còn gia đình bà Trần Thị Tửu, ngụ quận Gò Vấp đến nay cũng đã nhận đỡ đầu sáu sinh viên người Lào và Campuchia kể từ năm 2022. Năm nay, hai sinh viên người Lào là Khamphavong Soukakhone, sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và bạn Chimmala Vatsana, sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành đều trở thành những đứa con nuôi dễ thương của gia đình.
Bà Tửu kể: Ngày đón hai đứa về ở cùng gia đình, ban đầu chúng còn e ngại nhưng các thành viên trong gia đình cùng động viên để các bạn dần quen với nếp sinh hoạt. Chúng tôi xác định, luôn tạo điều kiện để các bạn yên tâm nhất trong quá trình sinh sống để không ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả học tập. Tôi cũng cảm ơn các con vì nhờ bọn trẻ mà tôi biết thêm nhiều nét văn hóa thú vị của hai nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Thanh Sơn cho biết: Chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh" năm 2024 có 95 gia đình, 127 sinh viên Lào và 35 sinh viên Campuchia tham gia.
Các gia đình và các bạn trẻ đã đồng hành tham gia nhiều hoạt động, giúp các sinh viên yên tâm hơn trong thời gian tham gia học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Tổ chức tuyên dương 72 gương "Sinh viên, học viên Lào và Campuchia tiêu biểu" năm 2024 có thành tích tiêu biểu trong học tập, giao lưu hữu nghị; tổ chức hành trình về nguồn tại các khu di tích lịch sử tại huyện Bình Chánh; các sinh viên Lào và Campuchia cũng có dịp trở thành nông dân khi trải nghiệm chương trình "Một ngày làm nông dân" tại huyện Cần Giờ.
Qua đó, các bạn có những cảm nhận, trải nghiệm về nét văn hóa, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam nói chung và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Phát huy các hoạt động đối ngoại
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024 là năm các cơ quan đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2020-2024. Từ đó, làm cơ sở để tham mưu Thành ủy thành phố tiếp tục triển khai công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Tổ chức đoàn đại biểu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác đối ngoại nhân dân tại tỉnh Quảng Trị; học hỏi kinh nghiệm trong ký kết chương trình hợp tác và mở rộng giao lưu với các địa phương tại Lào.
Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức đoàn đại biểu đến thăm và chúc Tết Lãnh sự quán các nước Lào, Campuchia, Thái Lan nhân dịp Tết cổ truyền của nước bạn, qua đó đề nghị các cơ quan lãnh sự vận động công dân nước mình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam.
Lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại, các đơn vị cũng đã thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam trong cơ quan ngoại giao, tổ chức nhân dân các nước thông qua việc sử dụng các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao làm tặng phẩm trong các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn.
Các hoạt động đón tiếp các đoàn đại biểu cũng như tổ chức đoàn đi thăm (Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân thành phố Thượng Hải; đoàn đại biểu trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du; đoàn lãnh đạo Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; đoàn đại biểu đi thăm cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, tìm hiểu về tình hình đời sống, lao động, học tập và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản;…) được tổ chức thực hiện chu đáo, trang nghiêm.
Đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố trên cơ sở đánh giá các hoạt động đã thực hiện (giai đoạn 2020-2024) để tiếp tục ký chương trình phối hợp giai đoạn 2024-2029.
Trong đó, các đơn vị chú trọng các công tác quan tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; nghiêm túc quán triệt, tích cực triển khai trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố có liên quan công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ trao học bổng, tặng quà các sinh viên, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, công tác nắm thông tin, thu thập dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân kiều bào vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do thiếu bộ tiêu chí thống nhất về nội dung cập nhật thông tin; công tác nắm tình hình người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn do ít có điều kiện đi công tác ở nước ngoài để thăm hỏi, giao lưu, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của kiều bào và thiết lập các mối quan hệ phục vụ cho công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác vận động và phát huy nguồn lực kiều bào tham gia đóng góp ý kiến cho thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của lực lượng này.