Nỗ lực trả lại tên cho các liệt sĩ

Thời gian qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tích cực phối hợp Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y quốc gia, Cục Người có công-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) trong công tác giám định ADN, xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ. Nhờ những nỗ lực đó, đến nay đã có khoảng 300 liệt sĩ được trả lại tên.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Danh dự Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trò chuyện cùng thân nhân liệt sĩ Hoàng Đức Choóng.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Danh dự Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trò chuyện cùng thân nhân liệt sĩ Hoàng Đức Choóng.

Mới đây, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn nam, thống nhất đất nước, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tổ chức buổi lễ trao kết quả giám định ADN cho thân nhân hai liệt sĩ: Hoàng Đức Choóng và Nguyễn Xuân Chiến. Kết quả giám định đã mang đến những cuộc “đoàn tụ” thiêng liêng cho các gia đình liệt sĩ sau nhiều thập kỷ chia xa.

Liệt sĩ Hoàng Đức Choóng, sinh năm 1938, dân tộc Nùng, quê ở huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nhập ngũ năm 1965, là C trưởng thuộc đơn vị C1-D1-E225, ông chiến đấu trên tuyến lửa Quảng Bình, rồi hy sinh năm 1971. Ông được chôn cất cùng 5 đồng đội ở ven đường 14 thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Hơn 50 năm qua, mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm, thế nhưng gia đình của liệt sĩ Hoàng Đức Choóng vẫn không biết phần mộ liệt sĩ nằm ở đâu. Cho đến năm 2022, khi nghe tin về ngôi mộ tập thể năm xưa ở Quảng Bình, chị Hoàng Thị Nga, cháu của liệt sĩ, đã liên hệ với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đề nghị được hỗ trợ...

Đáp lại mong mỏi ấy, Binh chủng Công binh đã tiến hành rà soát hồ sơ các liệt sĩ hy sinh năm 1971. Trong tài liệu lưu trữ, Cục Chính trị (Binh chủng Công binh) phát hiện một sơ đồ chôn cất sáu chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 225 (C1-D1-E225), hy sinh ngày 1/10/1971 tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo hồ sơ, các anh bị thương trong một trận chiến đấu, được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị, nhưng bất ngờ trúng bom tập kích, tất cả đã hy sinh. Thi hài các anh được đồng đội chôn cất tạm bên đường 14, đoạn Km1+500, thuộc địa bàn xã Kim Thủy.

Binh chủng Công binh đã phối hợp Đội quy tập 589 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình) tổ chức khảo sát thực địa. Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do địa hình đã thay đổi, cây rừng mọc kín, đường 14 được nâng cấp, nhân chứng không còn. Sau gần một năm lần tìm, đội quy tập đã tìm được ngôi mộ tập thể tại bản Rum Ho, gần bìa rừng Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong.

Qua hai đợt quy tập, đến giữa năm 2023, đội đã tìm thấy đầy đủ hài cốt của sáu liệt sĩ, cùng nhiều di vật. Các mẫu hài cốt được bảo quản và bàn giao cho Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Quảng Bình, phối hợp Binh chủng Công binh tổ chức lễ truy điệu. Sau đó, các liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy.

Việc tìm thấy hài cốt mới chỉ đi được một nửa hành trình. Để đưa các anh trở về với gia đình, năm 2024, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp với Viện Pháp y quốc gia tiến hành giám định ADN để xác định danh tính từng liệt sĩ. Đây là một phần của chương trình “Trả lại tên cho liệt sĩ” mà Hội đã kiên trì thực hiện nhiều năm qua, cùng với Viện Pháp y Quốc gia, Cục Người có công và Bộ Quốc phòng.

Toàn bộ chi phí giám định được Hội tài trợ. Sau quá trình phân tích và đối chiếu mẫu ADN với thân nhân, 3 liệt sĩ đã được xác định danh tính, đó là: Nguyễn Văn Thưởng (quê Lam Sơn, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), Đào Trọng Huân (quê Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), Hoàng Đức Choóng (quê Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).

Bà Hoàng Thị Ngò, con gái liệt sĩ Choóng nghẹn ngào chia sẻ: “Mẹ tôi năm nay đã 94 tuổi, cả đời chỉ mong được đón cha tôi trở về quê hương. Khi nhận tin kết quả giám định gien đã trùng khớp, cả nhà xúc động không ai ngủ được ...”.

Cũng như gia đình liệt sĩ Choóng, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến đã trải qua hành trình hơn nửa thế kỷ đi tìm mộ người thân. Liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến, sinh năm 1945, quê xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hy sinh tại chiến trường Quảng Nam năm 1972. Nhiều năm liền, gia đình đi tìm mộ nhưng không có kết quả. Đến năm 2023, gia đình mới biết tin tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có ngôi mộ mang tên Nguyễn Anh Chiến, cùng ngày hy sinh, cùng đơn vị với liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến, nhưng không ghi quê quán.

Cuối năm 2024, sau khi gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến đề nghị được giám định ADN, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam rà soát danh sách liệt sĩ hy sinh tại xã Điện Quang, kết quả chỉ có duy nhất liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến trùng khớp thông tin. Từ mẫu sinh phẩm được lấy và gửi đến Viện Pháp y quốc gia, kết quả giám định cho thấy ngôi mộ mang tên “Nguyễn Anh Chiến” chính là liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến.

Ông Nguyễn Văn Sự, em trai liệt sĩ Nguyễn Xuân Chiến, xúc động chia sẻ: “Từ khi biết tin anh trai hy sinh, mẹ cứ ôm tôi mà khóc rất nhiều. Tôi đã hứa với mẹ rằng sẽ cố gắng tìm và đưa anh về. Sau 53 năm, cuối cùng lời hứa của tôi đã trở thành hiện thực. Gia đình tôi sẽ đón anh về an nghỉ tại quê nhà để anh được gần gũi bố mẹ và các anh em”.

Trung tướng Trần Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, Hội đã tích cực phối hợp với Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y quốc gia, Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nay là Bộ Nội vụ) triển khai giám định ADN, giúp xác định danh tính khoảng 300 hài cốt liệt sĩ. Riêng trong đợt này, hai liệt sĩ Hoàng Đức Choóng và Nguyễn Xuân Chiến có kết quả chính xác”.

Niềm vui của thân nhân liệt sĩ trong ngày nhận kết quả giám định ADN đã phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát và khép lại hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ trong nhiều năm. Mỗi liệt sĩ được trả lại tên là một cuộc trở về thiêng liêng với gia đình, quê hương. Đó cũng là cách để những người đã ngã xuống không bị lãng quên và để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình.