Tỉnh Lâm Đồng đã tích cực thực hiện các biện pháp tái đàn, ổn định ngành chăn nuôi bò sữa - một ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Cuối tháng 7/2024, bệnh tiêu chảy do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) ảnh hưởng đến 7.568 con bò sữa của 350 hộ chăn nuôi tại Lâm Đồng; trong đó, có 556 con bị chết, 645 con bị sảy thai và 6.367 con mắc bệnh tiêu chảy.
Nguyên nhân được xác định là do vắc-xin viêm da nổi cục Navet-LpVac của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) gây ra. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp kỹ thuật, xây dựng phác đồ điều trị, hướng dẫn người dân chăm sóc và cứu chữa bò bệnh.
Kết quả, từ ngày 28/8/2024, không ghi nhận thêm ca bệnh mới, đến ngày 22/11/2024, bệnh tiêu chảy trên đàn bò được khống chế hoàn toàn. Để kịp thời thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thành lập tổ công tác hỗ trợ bồi thường, phối hợp với Công ty Navetco xây dựng phương án chi trả hơn 41 tỷ đồng cho 350 hộ chăn nuôi bị thiệt hại.
Từ số tiền này, nhiều hộ chăn nuôi bò tại Lâm Đồng đã tái đầu tư, mua giống bò mới để khôi phục sản xuất. Theo Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương Lê Quang Trung, hơn 60% đàn bò đã được tái đàn. Trung tâm khuyến cáo người dân chọn giống từ nguồn uy tín, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như lở mồm long móng, viêm da nổi cục.
Từ ngày 12/3, đợt tiêm phòng và khử trùng đầu tiên đã được đơn vị triển khai. Các hộ chăn nuôi quy mô lớn được hướng dẫn mua vắc-xin từ đơn vị đáng tin cậy. Ngoài ra, người dân được khuyến khích bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho bò, đồng thời tham gia các lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương Nguyễn Đình Tĩnh cho biết, hiện địa phương nuôi gần 17.000 con bò sữa, là vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của Lâm Đồng. Dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa vừa qua không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung sữa tươi cho các doanh nghiệp. Do đó, tái đàn được địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách để khôi phục sản xuất.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho người dân về kỹ thuật, trang thiết bị mới như: tinh giống mới, máy vắt sữa…, chính quyền địa phương cùng với Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn người chăn nuôi chú trọng vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thú y, kỹ thuật chăm sóc đàn bò và phòng ngừa dịch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng Phạm Phi Long cho biết, hầu hết người dân đã sử dụng tiền bồi thường để tái đầu tư. Các hộ tận dụng kinh nghiệm và cơ sở vật chất sẵn có, đồng thời được khuyến cáo chọn giống từ các công ty uy tín như TH True Milk, Vinamilk hoặc các hộ không bị dịch bệnh.
Để tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò sữa theo hướng bền vững, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tích cực chăm sóc đàn bò, nhất là đối với những đàn bò sau bệnh để giúp bò nhanh chóng phục hồi hoàn toàn và khai thác sữa; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.
"Nhờ sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và nỗ lực của người dân, ngành chăn nuôi bò sữa Lâm Đồng đang dần phục hồi. Nguồn cung sữa tươi đã ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Long cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, tính đến tháng 5/2025, tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh đạt 26.530 con, tăng 1.907 con so với cùng kỳ (tăng 7,7% so với cùng kỳ) và tăng 1.816 con so với năm 2024 (tăng 7,3% so với năm 2024). Đàn bò được nuôi chủ yếu tại các huyện: Đơn Dương 19.082 con, Đức Trọng 5.280 con, Bảo Lộc 754 con, Cát Tiên 523 con, Di Linh 436 con, Lâm Hà 273 con và Bảo Lâm 134 con.
Quy mô chăn nuôi bò sữa chuyển dịch theo hướng tập trung, với các hộ nuôi từ 15 đến 20 con tăng dần, trong khi quy mô dưới 9 con giảm. Người dân áp dụng công nghệ truyền tinh, sử dụng tinh bò cao sản từ Mỹ, Australia, nâng tỷ lệ bò thuần HF lên trên 90%, số còn lại là bò lai cao sản.
Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa tại các vùng trọng điểm như huyện Đơn Dương, Đức Trọng, đồng thời mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa sang các địa phương có tiềm năng, lợi thế như huyện Đạ Huoai, Di Linh.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng đàn bò sữa bình quân đạt 5,3%/ năm; nâng quy mô tổng đàn bò sữa đến năm 2030 đạt khoảng 35.000 con; sản lượng sữa tươi đạt khoảng 153.450 tấn/năm; duy trì các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, bảo đảm trên 95% sản lượng sữa tươi sản xuất được ký kết hợp đồng tiêu thụ.