Nhiều diện tích bí xanh thơm đặc sản Bắc Kạn chết vì dịch bệnh

NDO - Bí xanh thơm là cây đặc sản có tiếng, đặc hữu của vùng Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Sản phẩm bí xanh thơm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Tuy nhiên, vụ năm nay, hàng loạt diện tích trồng loại cây này đang bị chết vì nhiễm bệnh, gây thất thu.
0:00 / 0:00
0:00
Một diện tích bí xanh thơm héo vàng vì dịch bệnh. (Ảnh: CÔNG HẢI)
Một diện tích bí xanh thơm héo vàng vì dịch bệnh. (Ảnh: CÔNG HẢI)

Theo Ủy ban nhân dân xã Yến Dương, năm nay xã trồng hơn 60ha cây bí xanh, thì diện tích bị bệnh chiếm khoảng 50%. Bà con lo lắng khi bệnh trên cây bí xanh ngày càng lan rộng.

Vụ bí năm nay, người dân huyện Ba Bể trồng hơn 170ha, chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh, Chu Hương. Tuy nhiên, cây đang sinh trưởng thì khoảng 1 tháng trở lại đây nhiều diện tích bị bệnh, chết hàng loạt.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể, toàn huyện có 10ha cây bí xanh bị chết, 80ha bị nhiễm bệnh có khả năng sẽ chết, không cho thu hoạch.

Cây bí xanh bị chết hàng loạt một phần do thời tiết, một phần do nhiễm bệnh, diện tích bị thiệt hại có thể còn tăng thêm. Huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phun thuốc trừ bệnh.

Để tìm nguyên nhân, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với huyện Ba Bể kiểm tra, xác minh thực địa vùng trồng cây bí xanh đang bị chết.

Kết quả cho thấy, trên thân cây bí xanh có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa ứa ra. Phần lớn cây bí bị chết do phần gốc và rễ bị thối, thân cây và lá héo. Nguyên nhân được xác định do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng gây ra.

Bệnh này do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện độ ẩm, nhiệt độ cao hoặc thấp đột ngột. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây bệnh, gặp điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao sẽ phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng.

Nhiều diện tích bí xanh thơm đặc sản Bắc Kạn chết vì dịch bệnh ảnh 1

Dịch bệnh làm cây bí thối gốc dẫn tới chết dần. (Ảnh: CÔNG HẢI)

Huyện Ba Bể đang cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, dự báo xác định thời điểm phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh hại để chủ động hướng dẫn người dân phòng trừ.

Đối với diện tích bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi, huyện khuyến cáo, hướng dẫn người dân tiến hành thu gom và tiêu huỷ toàn bộ cây, bón vôi diện rộng để diệt trừ nguồn bệnh trong đất. Những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ hoặc chưa nhiễm bệnh, người dân cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt cành lá bị sâu, giữ vườn luôn thông thoáng.

Người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma hoặc thuốc Revus opi 440SC, Score 250EC, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP để phun trừ bệnh hại. Để đạt hiệu quả cao, trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau từ 4 đến 5 ngày.