Nguy cơ leo thang xung đột

Tại miền đông CHDC Congo, tình trạng bất ổn và bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người phải chạy trốn qua biên giới và chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc di cư này sẽ dừng lại, Cao uỷ LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho hay.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tiếp tục chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở miền đông CHDC Congo. Ảnh: UNHCR
Người dân tiếp tục chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở miền đông CHDC Congo. Ảnh: UNHCR

Phát biểu ý kiến tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 4/3, ông Patrick Eba, Phó Giám đốc Ban Bảo vệ quốc tế của UNHCR, nêu bật tình trạng bất ổn và xung đột hiện nay ở miền đông CHDC Congo: “Bạo lực, xâm hại tình dục và vi phạm nhân quyền vẫn tràn lan, cũng như tình trạng cướp bóc, phá hủy nhà cửa, tài sản của người dân”.

Ông Eba nhấn mạnh rằng, gần 80.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh các cuộc giao tranh vũ trang giữa lực lượng Chính phủ Congo và phiến quân M23. “Ước tính, khoảng 61.000 người đã đến Burundi kể từ tháng 1”, đại diện UNHCR cho biết. Báo cáo cho hay, từ đầu năm đến nay, các tay súng M23 đã tràn qua miền đông CHDC Congo, chiếm giữ các thành phố quan trọng và khiến khoảng 7.000 người thiệt mạng.

Chính quyền CHDC Congo cáo buộc nhóm M23, bắt nguồn từ nhóm phiến quân ở vùng biên giới phía đông nước này, đã nhận được sự hậu thuẫn từ nước láng giềng Rwanda. Các tay súng của M23 đã chiếm giữ hai thành phố lớn là thủ phủ hai tỉnh miền đông CHDC Congo, giúp nhóm vũ trang này có chỗ đứng vững chắc trong khu vực kể từ khi hoạt động trở lại vào cuối năm 2021.

Xung đột giữa phiến quân M23 và quân đội Chính phủ CHDC Congo có liên quan những căng thẳng sắc tộc đang diễn ra, đặc biệt là giữa người Tutsi và người Hutu. CHDC Congo cáo buộc Rwanda hỗ trợ lực lượng M23, trong khi Rwanda tuyên bố rằng quân đội CHDC Congo đã liên minh với nhóm phiến quân bị cáo buộc có liên quan cuộc diệt chủng năm 1994 ở nước này. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng châm ngòi cho xung đột bùng phát là cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của CHDC Congo.

Theo Al Jazeera, tình trạng hiện nay cho thấy sự leo thang nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm xung đột kéo dài ở miền đông CHDC Congo. Trong bối cảnh đó, Cộng đồng Đông Phi (EAC) và Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) đã tổ chức hội nghị cấp cao tại thành phố cảng Dar es Salaam của Tanzania hồi đầu tháng 2, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi ngừng bắn lập tức ở miền đông CHDC Congo và tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn việc tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột đang diễn ra.

Tại hội nghị quan trọng này, cả Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi và người đồng cấp, Tổng thống Rwanda Paul Kagame đều tham dự cuộc họp. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí với tuyên bố chung yêu cầu rút các lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi lãnh thổ CHDC Congo, đồng thời nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Nhấn mạnh sự tham gia chính trị và ngoại giao là giải pháp bền vững nhất cho cuộc xung đột ở miền đông CHDC Congo, các nhà lãnh đạo khu vực ủng hộ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với tất cả các bên là nhà nước và phi nhà nước, bao gồm cả M23, theo các khuôn khổ hòa giải khu vực hiện có.

Hiện nay, lãnh đạo các nước trong khu vực đề xuất một “cơ chế hòa bình song song” do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng và giao Tổng thống Angola Joao Lourenco làm trung gian. Cơ chế này sẽ bao gồm những quan chức điều phối là đại diện từ các khu vực khác nhau của châu Phi, tham gia tiến trình hòa giải với kỳ vọng hóa giải xung đột vũ trang. Trong khi đó, đại diện của UNHCR, ông Patrick Eba nêu bật cần nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân trong vùng bất ổn.

Tuy nhiên hiện nay, các biện pháp kỹ thuật kêu gọi thực thi lệnh ngừng bắn, yếu tố tiên quyết để hòa giải, vẫn chưa cho thấy có tiến triển nào. Giao tranh đang tiếp tục leo thang ở miền đông khi các nỗ lực ngoại giao dường như không hiệu quả. Những cuộc tấn công liên tiếp tại đây cũng đang làm dấy lên lo ngại về việc xung đột và khủng hoảng nhân đạo có thể lan rộng ra ngoài CHDC Congo và kéo theo các nước láng giềng bị ảnh hưởng.