
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam. Người đã kế thừa và nâng tinh thần nhân ái, khoan dung trong truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới. Ở Người, văn hóa khoan dung và tinh thần khoan dung văn hóa luôn tỏa sáng trong tư tưởng, trong tình cảm và trong mọi hành động.
Hôm nay nhân loại có đủ các điều kiện vật chất và tinh thần, kinh tế và văn hoá, khoa học và công nghệ… để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Song nhân loại cũng đang cần cùng nhau giải quyết những thách thức lớn: Môi trường suy thoái do nạn tàn phá môi trường thiên nhiên không những không giảm mà còn tăng thêm, sự phân cực giàu nghèo trong từng quốc gia cũng như trên phạm vi thế giới ngày càng thêm khốc liệt, những cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc đẫm máu vẫn hàng ngày diễn ra, nạn nghèo đói và tội phạm liên/xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển phức tạp, những vấn đề an ninh phi truyền thống càng đe dọa từng quốc gia cũng như các khu vực...
Lòng thù hận tăng lên ở nhiều nơi đang đòi hỏi nhân loại có những cương lĩnh và hành động chính trị chung, kèm theo đó là một cách nhìn về sự chung sống hòa bình giữa những con người, giữa các quốc gia dân tộc, giữa các cộng động sắc tộc hoặc tôn giáo. Linh hồn của cái nhìn văn minh đó là lòng khoan dung. Việc thực hiện tinh thần khoan dung như một yêu cầu cấp thiết để thế giới hôm nay nhân văn hơn trước những vấn đề toàn cầu. Sự khoan dung không giải quyết được mọi vấn đề nhưng nó có thể gíúp chúng ta tìm cách xử lý những vấn đề theo một định hướng tốt đẹp hơn, với tinh thần cởi mở, tiến bộ. Tinh thần khoan dung có thể giúp nhân loại mở những con đường dẫn tới sự đoàn kết, dẫn tới hòa bình và cùng phát triển.
Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm “cách hoà bình”, tìm “con đường hòa bình” để đem lại một nền hòa bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc. Người cũng dang rộng cánh tay kết nối để cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam hòa cùng cuộc đấu tranh của nhân loại bảo vệ những giá trị nhân văn, bảo vệ hoà bình để hướng tới tương lai cùng phát triển thịnh vượng.


La tolérance - Khoan dung từ nghĩa nguyên thủy đến hiện đại
Thuật ngữ la tolérance - khoan dung xuất hiện sau những cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XV. Chữ khoan dung ban đầu chỉ có nghĩa là những tín đồ Cơ đốc và những tín đồ Tân giáo (Tin lành) chịu đựng, cam chịu nhau. Khoan dung là kết quả của một quá trình tiến hóa chính trị - xã hội khi Cơ đốc giáo buộc phải chấp nhận Tân giáo. Trước đó một thời gian dài, giáo hội Cơ đốc chủ trương bất khoan dung, đàn áp khốc liệt những kẻ mà họ cho là dị giáo, tà giáo.
Từ la tolérance trong các sách lịch sử Thiên chúa giáo Việt Nam được dịch là Tha cẩm - với ý nghĩa chỉ sự nhân nhượng của giáo hội Rome với các giáo hội phương Đông về các mặt nghi lễ, sinh hoạt phụng vụ với một tôn giáo du nhập từ phương Tây. Ở Việt Nam, thuật ngữ này có lẽ được giám mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) dùng đầu tiên khi ông ta có ý định Việt hoá đạo Kito cho phù hợp với Việt Nam hơn[1].
Chủ Tịch Hồ Chí MInh tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp ngày 7/1/1958. Ảnh: Tư liệu
Chủ Tịch Hồ Chí MInh tiếp đại diện Đảng Cộng sản Pháp ngày 7/1/1958. Ảnh: Tư liệu
Từ nghĩa hẹp trong phạm vi tôn giáo, qua nhiều thế kỷ, khái niệm Tolérance đã được mở rộng hơn theo nhiều chiều xã hội. Từ một khái niệm được hiểu trên góc độ đạo đức, tâm lý khi bàn về chủ nghĩa nhân đạo - Khoan dung được hiểu như một sự thông cảm, một sự hạ cố, đến nay Khoan dung là một thuật ngữ hiện đại có nội hàm vượt xa nội dung ban đầu.
Từ điển Robert (1964) đã định nghĩa Lòng khoan dung là: “Sự chấp nhận ở người khác một cách suy nghĩ hoặc hành động khác với cái mà người ta đã khẳng định trong bản thân mình, là sự tôn trọng tự do của người khác về mặt tôn gíáo, về các quan điểm triết học và chính trị”[2]. Ngày nay người ta hay nói đến Văn hoá khoan dung với một nội hàm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hoá, chính trị, tư tưởng, tôn gíáo - tín ngưỡng, đạo đức, lối sống, những giá trị thuộc về phẩm chất, nhân cách, cá tính... của một cá nhân hay một cộng đồng xã hội.
Đó là thái độ tôn trọng, là cách nhìn rộng lượng với những giá trị khác biệt với mình (về dân tộc, tôn giáo, các quan điểm chính trị, các phẩm chất cá nhân v v.), là sự tôn trọng những niềm tin của người khác không giống với niềm tin của mình trong khi vẫn giữ gìn và củng cố niềm tin của mình. Văn hóa khoan dung và sự khoan dung về văn hóa bày tỏ tinh thần chống lại mọi sự kỳ thị hoặc áp đặt lên người khác những giá trị xa lạ với truyền thống và bản sắc của họ. Khoan dung đồng nghĩa với một thái độ không kiêu ngạo trong các mối quan hệ giữa các thế hệ, giữa các giới tính, giữa các cá nhân, giữa các cộng đồng và giữa con người với thiên nhiên.
Sự khoan dung không đòi hỏi mỗi người từ bỏ niềm tin của mình song/đồng thời không nên/được kỳ thị và loại trừ niềm tin của người khác. Từ thế kỷ XVIII, Vonte dã diễn đạt tinh thần của sự khoan dung văn hóa một cách giản dị: “Tôi không tán thành những điều anh nói, nhưng sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói điều đó của anh”. Khoan dung là biểu hiện tốt đẹp của tinh thần dân chủ, của tự do tư tưởng và văn hóa trong một xã hội văn minh.
Nhân dân Ấn Độ tặng hoa Chủ Tịch Hồ Chí MInh trong chuyến Người thăm Ấn Độ ngày 4.2.1958. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân Ấn Độ tặng hoa Chủ Tịch Hồ Chí MInh trong chuyến Người thăm Ấn Độ ngày 4.2.1958. Ảnh: Tư liệu
Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh thăm Việt Nam ngày 3.5.1957. Ảnh: Tư liệu
Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh thăm Việt Nam ngày 3.5.1957. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân thành phố Mumbai đón Chủ Tịch Hồ Chí Minh ngày 10.2.1958. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân thành phố Mumbai đón Chủ Tịch Hồ Chí Minh ngày 10.2.1958. Ảnh: Tư liệu
Tinh thần nhân ái Việt Nam
Vị trí địa chính trị, địa văn hóa của Việt Nam ở nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa. Trước hết là hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là Văn hóa Trung Hoa và Văn hóa Ấn Độ, cả các nền văn hóa biển đảo Đông Nam Á và sau nay là Thiên chúa giáo cùng với văn hóa phương Tây. Các học thuyết, tôn giáo lớn: Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo... sau quá trình du nhập đều tìm thấy chỗ đứng trong lòng văn hóa dân tộc. Những điểm tích cực, phù hợp của những dòng văn hóa du nhập được người Việt Nam chọn lọc tiếp thu, khai thác, sử dụng trên nền tảng văn hóa bản địa truyền thống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một lớp học ở phố Hàng Than (Hà Nội) năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một lớp học ở phố Hàng Than (Hà Nội) năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Nhiều thế hệ đã tiếp nhận ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa du nhập trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật - múa, âm nhạc, diễn xướng, điêu khắc, kiến trúc... Những ảnh hưởng này được khúc xạ qua bề dày của văn hóa truyền thống, phục vụ cho cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước đã tạo nên/thêm tính đa dạng, sự phong phú cho nền văn hóa Việt Nam. Một trong những đặc điểm của văn hóa Việt Nam hay được các học giả nhắc tới là đặc tính mềm dẻo, năng động, dễ chấp nhận những yếu tố dị biệt, hòa đồng để chung sống và cùng phát triển. Ở Việt Nam chưa từng xảy ra chiến tranh giữa các sắc tộc hay chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống khoan hòa, nhân ái, đoàn kết tương trợ, khoan hồng, đại lượng từ lâu đời. Lúc hoạn nạn thì Chị ngã em nâng. Khi khó khăn thì Lá lành đùm lá rách... Truyền thống đó đã in dấu trong nếp cảm, nếp nghĩ, đi vào ca dao, phương ngôn:
“Thương người như thể thương thân”
“Đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại”
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” v.v.
Chúng ta “dùng đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Cả với những kẻ ngoại xâm, khi đã không còn đủ các điều kiện lực lượng và thời cơ để duy trì dã tâm xâm lược, nhân dân Việt Nam vẫn đại lượng “mở lòng hiếu sinh” tha cho quân xâm lược trở về quê cũ trong bình yên để tránh cho hai dân tộc thêm họa đao binh.
“Nghĩ về kế lâu dài của nhà nước
Tha cho kẻ hàng mười vạn sĩ binh
Sửa hòa hiếu cho hai nước
Tắt muôn đời chiến tranh”{3} v v.
Năm 1428, Tổng binh Vương Thông và mười vạn tàn quân Minh đã trở về nước trong tình thế đó.

Những giá trị bền vững tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam: Lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm; tình đoàn kết, yêu thương gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; cần cù, sáng tạo trong lao động, giản dị trong lối sống... tất cả đều hội tụ và tỏa sáng ở vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh với Văn hóa khoan dung
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét trong cuốn sách Hồ Chủ tịch - hình ảnh của dân tộc: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn bất cứ người Việt Nam nào hết”[4]. Nhưng ở “người Việt Nam này” luôn hiện diện thái độ trân trọng mọi giá trị văn hóa của nhân loại, không ngừng rộng mở tiếp nhận những yếu tố tích cực, tiến bộ để làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam.
Người đánh giá cao Khổng Tử, Giêsu, Tôn Dật Tiên, Marx và “cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”[5]. Con đường cách mạng Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc Việt Nam là con đường đi từ độc lập dân tộc đến một “thế giới đại đồng” hiện đại. Đó là một thế giới hòa bình và phát triển. Con đường đó có logic tương đồng với logic của sự phát triển hài hòa giữa các cá nhân, dân tộc và nhân loại, có sự chung sống hòa bình giữa các chế độ chính trị, có sự tôn trọng nhau của các nền văn hóa.
Cuộc đấu tranh giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam đòi hỏi sự đoàn kết, tập hợp lực lượng của đại đa số nhân dân để hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng mà đích đến cuối cùng, mục tiêu tối cao là lợi ích của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Điều kiện đầu tiên để thực hiện đại đoàn kết là phải có một tinh thần khoan dung, biết chấp nhận những điều khác với mình. Với tinh thần khoan dung rộng lớn và sáng suốt, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tập hợp đoàn kết toàn dân thành một khối vững chắc để đấu tranh thắng lợi.
Trong bối cảnh Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công mối tương quan giữa cái chung và cái riêng, giữa tương đồng và khác biệt của nhiều cộng đồng trên cơ sở tôn trọng những giá trị của họ. Khi thực hiện đoàn kết, Người luôn nhắc nhở “phải có thái độ mềm dẻo khôn khéo”, “phải xóa bỏ hết thành kiến”, phải “biết nhân nhượng”, phải “biết tôn trọng nhân cách của người ta” v v. Cả với những người lầm đường lạc lối, Người vẫn khuyên: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”[6], bởi vì “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”[7].
Hồ Chí Minh luôn tìm được và nhấn mạnh những điểm tương đồng, những “mẫu số chung” là điều có thể đưa những người đối thoại xích lại gần nhau, chấp nhận thỏa hiệp và nhân nhượng để tìm được tíếng nói chung, để có thể đi chung một con đường, thậm chí chỉ một đoạn đường hướng tới mục tiêu chung trong khi vẫn giữ cho minh những đặc điểm khác biệt. Những điểm chung đó là những giá trị mang tính phổ quát. Đó là những nguyên tắc đạo đức, là lòng nhân, là tính thiện, là tình yêu tự do, là khát vọng độc lập dân tộc... Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét tổng quát: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”[8].
Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị, để hòa đồng, để phát triển tình hữu nghị, Hồ Chí Minh là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam tới các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Người nhận xét: “Khổng Tử, Giesu, Tôn Dật Tiên, Marx chẳng có những ưu điểm chung đó sao ? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội.
Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”[9]. Với đối phương, những luận điểm của Người cũng đầy tính thuyết phục: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ...
Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”[10]. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tập hợp được sự ủng hộ rộng lớn của loài người tiến bộ. Đã hình thành mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, vì cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong lương tâm của nhân loại.
Với tinh thần khoan dung rộng lớn, chân thành, cởi mở và ấm áp tình người, với phong cách ung dung, gần gũi, hóm hỉnh và sắc sảo thông minh, Hồ Chí Minh đã toát ra một sức cảm hóa lớn mà “Tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng xung quanh mình làm việc lớn cho dân cho nước” - như lời Hòa thượng Thích Đôn Hậu[11]
Hồ Chí Minh và Khoan dung văn hóa
Yếu tố dân tộc làm nên bản sắc của nền văn hóa. Việc trân trọng giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc luôn được Hồ Chí Minh nhấn mạnh, song Hồ Chí Minh không cường điệu hoá yếu tố dân tộc. Người đã đi từ văn hóa dân tộc đến văn hóa nhân loại. Luôn chăm lo đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, Nguời cũng chống lại nguy cơ bảo thủ, khép kín. Người cho rằng: “Văn hoá các dân tộc khác phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”[12].
Khi xác định đường lối phát triển cho nền văn hoá mới Việt Nam, Người nêu rõ: “Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”[13].
Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Cu Ba đoàn kết với Việt Nam ngày 13.2.1969. Ảnh: Tư liệu
Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Cu Ba đoàn kết với Việt Nam ngày 13.2.1969. Ảnh: Tư liệu
Tư duy văn hóa của Hồ Chí Minh luôn rộng mở, nó xa lạ và chống lại sự kỳ thị văn hóa. Ở Hồ Chí Minh luôn hiện diện một thái độ trân trọng những giá trị văn hóa nhân loại, không ngừng rộng mở để thu nhận những yếu tố tích cực tiến bộ và nhân văn của thế giới nhằm làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam, giao lưu, đối thoại để đạt tới hòa đồng và phát triển. Đây chính là tinh thần khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh.
Tinh thần khoan dung này bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, khoan hòa, từ đặc tính của văn hóa Việt Nam: mềm dẻo, năng động chấp nhận những yếu tố mới, đã được Hồ Chí Minh kế thừa và nâng cao. Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống ách cai trị của thực dân Pháp, nhưng không chống lại những giá trị văn hóa Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược nhưng vẫn trân trọng những truyền thống văn hoá - cách mạng Mỹ. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh khẳng định.


Nhà nghiên cứu David Halberstam (Mỹ) viết:
“Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng”.
(David Halberstam - Hồ - Random house, New York, 1970 - Dẫn lại từ cuốn Hồ Chí Minh - Nhà văn hoá kiệt xuất - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 123).
Tiến sĩ M. Admad, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Duơng nhận xét:
“Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau”.
(M. Admad: Hồ Chí Minh một nhân vật vĩ đại đã công hiến cả đời minh cho sứ mệnh tự do và độc lập - Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - UNESCO và UBKHXHVN, Hà Nội, 1990, tr. 37).
Khẳng định bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Quan điểm này được đặt trong xu hướng tất yếu của các nền văn hóa dân tộc trong cuộc đấu tranh vươn lên khẳng định những giá trị của mình, để không bị “hòa tan” khi hòa đồng, hội nhập để không cô lập với nền văn minh đang toàn cầu hóa từng ngày. Việc hấp thụ những cái mới tiến bộ của văn hóa thế giới phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa, giữa các nền văn hóa luôn có sự giao lưu, tiếp biến, ảnh hưởng lẫn nhau.
Luôn chăm lo đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, Nguời cũng chống lại nguy cơ bảo thủ, khép kín. Hồ Chí Minh có quan điểm biện chứng giữa tính dân tộc và tính nhân loại trong định hướng xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Hồ Chí Minh đã mang tinh thần của dân tộc Việt Nam mong muốn giao lưu, đối thoại để đạt tới sự hòa đồng, hướng tới sự hòa nhập, hướng tới một tương lai hòa bình và và cùng nhau phát triển.
Tấm gương khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh được nhân loại ngưỡng mộ và tôn vinh. Tinh thần khoan dung văn hóa trong tư tưởng của Người thấm đậm chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã cống hiến cho nền văn hóa Việt Nam mới cũng như cho văn hóa nhân loại nhiều giá trị.
Con đường hòa bình Hồ Chí Minh
Xuất phát từ nguyên tắc phổ biến của quyền con người đã được nhân loại thừa nhận, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một nguyên lý mới về quyền dân tộc cơ bản: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[14]. Ngày 3/10/1945, chỉ một tháng sau khi nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong đó nêu bật mục tiêu là: Xây đắp nền hòa bình thế giới.
Khi chúng ta buộc phải Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định với nhân dân Pháp: “Chúng tôi, Chính phủ và dân chúng Việt Nam nhất định đấu tranh giành độc lập và thống nhất toàn quốc, nhưng sẵn sàng hợp tác thân thiện với dân chúng Pháp”; “Chúng tôi yêu chuộng các bạn và muốn thành thực với các bạn trong khối liên hiệp Pháp vì chúng ta có chung một lý tưởng: tự do, bình đẳng và độc lập”[15]. Khi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ vừa khép lại, năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được”[16].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đón Tổng thống Xucacnô sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm ngày 24.6.1959. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đón Tổng thống Xucacnô sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm ngày 24.6.1959. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”[17].
Và “Nguyện vọng của nhân dân nước Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới”[18]. Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị khác và mới, để hòa đồng và bình đẳng, Người đã kết nối bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam nắm chặt bàn tay hòa bình của các dân tộc khác, các nền văn hoá khác.
Với/bằng Con đường hỏa bình, Hồ Chí Minh đề cao cái nhìn bao dung, chấp nhận sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước, chống chiến tranh, để các dân tộc phát triển tình hữu nghị, tăng thêm hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Trong cục diện quan hệ quốc tế chủ đạo là đối đầu của những năm giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đại diện cho nhân dân Việt Nam vẫn nêu cao tiếng nói hướng đến sự chấp nhận lẫn nhau những đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để cứu vãn nền hòa bình để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực để tất cả cùng chia sẻ hòa bình và thịnh vượng.
Cho đến những dòng cuối cùng để lại cho hậu thế, trên cơ sở lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, trong Di chúc Người để lại tâm nguyện “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[19].
Sau khi giành lại và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam tiến lên thịnh vượng, tiến bộ: Phát triển kinh tế và văn hoá, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từ một nước có nền kinh tế nghèo nàn, chịu hậu quả năng nề từ chiến tranh, vận hành theo kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã dần tháo gỡ những vướng mắc từ tư duy, chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Với phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam nỗ lực mở rộng các mối quan hệ quốc tế, làm cho thế giới hiểu hơn đất nước, con người và những tiềm năng hợp tác với Việt Nam để hướng đến tương lai ổn định và phát triển bền vững. Việt Nam đang phát triển rộng mở theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” và đã đạt được nhiều thành tựu. Những điều đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị cho chúng ta với tầm nhìn viễn kiến từ rất sớm trong đường lối hòa bình và tinh thần khoan dung văn hóa của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các sĩ quan OSS (Mỹ) tại Hà Nội (9-1945). Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các sĩ quan OSS (Mỹ) tại Hà Nội (9-1945). Ảnh: Tư liệu
Với/bằng Con đường hoà bình, Hồ Chí Minh đề cao cái nhìn bao dung, chấp nhận sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước, chống chiến tranh, vun đắp hòa bình để các dân tộc gần gũi nhau, hiểu biết nhau, để mở rộng sự hợp tác và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Hiện thân của một nền văn hoá tương lai
Hồ Chí Minh là hiện thân của một nền văn hóa tương lai, một nền văn hóa hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. “Qua giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[20] - đó là lời nhận xét sâu sắc và tinh tế mà chúng ta đã quen thuộc của nhà báo Oxip Mandenxtam khi lần đầu tiên tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, tháng 12/1923.
Sau đó tròn 90 năm, ý kiến này được chắc lại. Tổng thống Liên bang Nga V. Putin trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 12/11/2013, khi thăm di tích nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”[21].
Thế giới hiện đại đã là một “môi trường cộng sinh” về kinh tế và văn hóa. Sự xích lại và phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế và văn hóa là xu hướng tất yếu. Đối thoại được kêu gọi thay cho đối đầu. Hợp tác, bình đẳng, hữu nghị và chia sẻ cơ hội cùng phát triển dựa trên các công pháp quốc tế được tôn vinh thay cho bạo lực, chiến tranh, cạnh tranh bất công và xâm phạm chủ quyền. Đó là xu thế tiến bộ không thể đảo ngược. Trong xu thế đó, nhân dân Việt Nam tự tin đi tiếp “Con đường hòa bình” Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dẫn dắt trong những điều kiện mới, với tinh thần khoan dung văn hóa đã được mở rộng và nâng cao./.
Dân ca quan họ được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2009.
Dân ca quan họ được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2009.
Đàn ca tài tử Nam bộ.
Đàn ca tài tử Nam bộ.
Chùa Cầu Hội An.
Chùa Cầu Hội An.
Ngày xuất bản: 19/5/2025
Nội dung: PGS Hoàng Văn Hiển, TS Nguyễn Anh Thư,
Hồng Minh, Tuyết Loan, Vương Anh
Trình bày: DUY LONG