

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đánh giá cao Nghị quyết 68-NQ/TW với tinh thần đột phá và hệ giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, thách thức không nằm ở nội dung nghị quyết, mà chính là khâu thực thi. Nếu không thay đổi cách làm, Nghị quyết hay cũng dễ rơi vào khoảng cách giữa lời nói và cuộc sống.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với phóng viên Báo Nhân Dân xung quanh nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Thách thức không nằm ở nội dung nghị quyết, mà chính là khâu thực thi. Nếu không thay đổi cách làm, Nghị quyết hay cũng dễ rơi vào khoảng cách giữa lời nói và cuộc sống.


Phóng viên: Thưa ông, là người theo dõi sát sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nhiều năm qua, ông nhìn nhận như thế nào về Nghị quyết 68 vừa được ban hành?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Tôi đánh giá rất cao Nghị quyết 68. Cao ở hai khía cạnh: một là, Nghị quyết đã đánh giá đúng thực trạng, nhất là những rào cản mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt; hai là, nó đưa ra một hệ thống giải pháp khá đồng bộ và toàn diện.
Điều khiến tôi tâm đắc nhất, đó là cách Nghị quyết nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân. Trước đây, chúng ta vẫn nói đến khu vực này như một thành phần quan trọng, nhưng lần này, Nghị quyết đã xác định rất rõ ràng: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Đây là sự ghi nhận xứng đáng, tạo ra niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Và từ nhận định đó, Nghị quyết đặt ra các mục tiêu rất cụ thể và tham vọng: đến năm 2030, cả nước phải có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tức là mỗi năm cần có thêm ít nhất 200.000 doanh nghiệp; khu vực kinh tế tư nhân phải đạt Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất không nằm ở nội dung Nghị quyết, mà là ở khâu triển khai. Chúng ta từng có nhiều nghị quyết rất hay, rất đúng, nhưng khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống lại quá xa. Có những nghị quyết được ban hành xong rồi… để đấy. Sau vài năm tổng kết lại, vẫn chỉ là những câu “ghi nhận”, “đánh giá tích cực”, nhưng thực chất thì cuộc sống của doanh nghiệp không thay đổi là bao. Tôi hy vọng Nghị quyết 68 không lặp lại điều đó.
Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế đóng góp lớn vào ngân sách thành phố năm 2024. Ảnh: Kim Long Motor Huế
Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế đóng góp lớn vào ngân sách thành phố năm 2024. Ảnh: Kim Long Motor Huế
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.


Tôi cho rằng phải có một tổ chức độc lập, đủ năng lực, đủ thẩm quyền để thực hiện việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, chứ không thể để các bộ ngành tự làm và tự quyết.
Phóng viên: Theo ông, đâu là nhóm giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa Nghị quyết 68 và giúp kinh tế tư nhân bứt phá?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Tôi đánh giá cao nhóm giải pháp về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mối quan hệ kinh tế. Đây là những giải pháp đánh trúng hai điểm nghẽn lớn nhất khiến doanh nghiệp tư nhân “muốn lớn mà không lớn được”, hoặc “không đủ lực để lớn”.
Thí dụ, Nghị quyết đặt ra mục tiêu trong năm 2025 cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh. Đây là mục tiêu rất rõ ràng, nhưng muốn làm được thì phải có hệ thống dữ liệu đầy đủ: hiện nay có bao nhiêu điều kiện kinh doanh, nằm ở đâu, thuộc luật hay nghị định nào? Có phân loại chưa? Tiêu chí xác định điều kiện nào là cần thiết, điều kiện nào không? Không có đội ngũ chuyên trách độc lập, không có hệ cơ sở dữ liệu được cập nhật, thì các con số đó chỉ là hình thức.
Nếu lại để các bộ, ngành tự rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý, thì câu hỏi đặt ra là: họ có thực sự muốn gỡ bỏ các điều kiện mà doanh nghiệp mong được bỏ không? Hay họ sẽ chỉ bỏ những điều kiện vốn dĩ không ai quan tâm, không ảnh hưởng đến quyền lực của họ? Đây là bài toán thể chế chứ không đơn thuần là kỹ thuật.
Một điểm nữa tôi rất đồng tình là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý điều kiện kinh doanh. Đây là tư duy hiện đại, đúng hướng, nhưng triển khai không hề đơn giản. Để hậu kiểm hiệu quả, điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, có thể định lượng được. Ví dụ như yêu cầu “phòng làm việc phải thoáng mát” thì “thoáng mát” là thế nào? Bao nhiêu độ? Bao nhiêu ánh sáng? Nếu không cụ thể, sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hiểu một đằng, cơ quan quản lý hiểu một nẻo. Khi đó, hậu kiểm lại biến thành rủi ro pháp lý mới.
Thực hiện hậu kiểm cũng đòi hỏi năng lực quản lý hoàn toàn khác. Không thể chỉ ngồi duyệt hồ sơ, mà phải giám sát thực địa, phân loại rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ. Muốn làm được điều đó phải chuẩn bị rất kỹ, cả về nhân lực và công nghệ.
Tôi cho rằng phải có một tổ chức độc lập, đủ năng lực, đủ thẩm quyền để thực hiện việc rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, chứ không thể để các bộ ngành tự làm và tự quyết.

Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam không thực sự có “quyền tự do kinh doanh”. Mọi hoạt động đều bị chi phối bởi nguyên tắc “kinh doanh theo quy định”. Khi đã là “kinh doanh theo quy định” thì sáng tạo bị triệt tiêu. Đã vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta lại nằm rải rác ở hàng chục luật, nghị định, thông tư, có những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Doanh nghiệp càng lớn, càng đa ngành thì càng dễ bị rơi vào vùng rủi ro cao vì tuân thủ quy định này thì có thể lại vi phạm quy định khác.



Phóng viên: Trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp phản ánh rào cản lớn nhất không chỉ nằm ở thủ tục, mà còn là nỗi lo về rủi ro pháp lý. Ông đánh giá như thế nào về nội dung “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” trong Nghị quyết 68?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp hiện nay không chỉ lo lắng về thủ tục hành chính, mà còn sợ rủi ro pháp lý, đặc biệt là nguy cơ bị hình sự hóa trong các quan hệ dân sự, kinh tế. Mà “rủi ro pháp lý” ở đây không chỉ dừng ở mức bị xử phạt hành chính, mà có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều.
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam không thực sự có “quyền tự do kinh doanh”. Mọi hoạt động đều bị chi phối bởi nguyên tắc “kinh doanh theo quy định”. Khi đã là “kinh doanh theo quy định” thì sáng tạo bị triệt tiêu. Đã vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta lại nằm rải rác ở hàng chục luật, nghị định, thông tư, có những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Doanh nghiệp càng lớn, càng đa ngành thì càng dễ bị rơi vào vùng rủi ro cao vì tuân thủ quy định này thì có thể lại vi phạm quy định khác.
Chính vì vậy, chủ trương “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” từng được nhắc đến từ hơn 20 năm trước, nhưng chưa bao giờ được cụ thể hóa như lần này. Nghị quyết 68 đặt ra nguyên tắc sửa đổi pháp luật theo hướng ưu tiên các quy định dân sự, kinh tế, hành chính để xử lý vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khắc phục sai phạm, bồi thường thiệt hại.
Ngay cả khi phải xử lý hình sự, thì cũng đặt ưu tiên là khắc phục hậu quả kinh tế trước khi áp dụng hình phạt như tù giam. Đây là một bước tiến lớn. Nó mở ra cơ hội để doanh nhân có thể làm lại, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Điểm mới khác nữa là phân biệt rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân. Nghị quyết nêu rõ, bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Cho phép sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Trước đây từng có những vụ việc, vì một sai phạm nhỏ, toàn bộ tài sản, nhà máy đang sản xuất bị niêm phong gây thiệt hại cho hàng trăm lao động. Tinh thần lần này là thu hẹp phạm vi xử lý, chỉ tập trung vào hành vi gây thiệt hại, tài sản có nguồn gốc từ vi phạm. Như vậy mới bảo đảm công lý, không gây tổn thất lan rộng không cần thiết.
Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để thực hiện thành công Nghị quyết 68 và bảo đảm nó không rơi vào khoảng trống chính sách?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Thực hiện Nghị quyết 68 phải có quyết tâm rất cao và cơ chế kiểm soát hiệu quả. Không thể chỉ trông chờ vào các bộ ngành tự rà soát, tự sửa đổi. Chúng ta cần có một cơ chế giám sát độc lập, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia, báo chí. Cần có báo cáo định kỳ, đánh giá kết quả cụ thể theo từng chỉ tiêu đã nêu, không chỉ tổng hợp mang tính hình thức. Và quan trọng hơn, phải có người chịu trách nhiệm chính trị nếu không hoàn thành nhiệm vụ chứ không thể “mọi việc chung chung” như lâu nay.
Các mục tiêu cải cách như giảm 30% điều kiện kinh doanh, 30% chi phí tuân thủ… nếu không lượng hóa được thì sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu. Phải xác định hiện nay có bao nhiêu thủ tục, chi phí nằm ở đâu, thuộc bộ nào? Phải lượng hóa và đo lường cụ thể thì mới giám sát và điều hành được.
Cũng cần thay đổi cách lựa chọn điểm ưu tiên. Hãy bắt đầu từ những điểm nghẽn mà doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất, rõ nhất như thủ tục hoàn thuế, quy định phòng cháy chữa cháy, điều kiện xây dựng nhà xưởng. Những việc này hoàn toàn có thể giải quyết được ngay, nếu có sự chỉ đạo dứt khoát từ cấp cao nhất.
Cuối cùng, điều tôi kỳ vọng nhất là Nghị quyết 68 không chỉ mang lại hành lang pháp lý mới, mà còn tạo ra tâm lý an toàn, vững vàng cho người làm kinh doanh chân chính. Khi doanh nhân cảm thấy yên tâm đầu tư dài hạn, thì họ mới dám đổi mới, dám lớn mạnh. Còn nếu rủi ro pháp lý vẫn rình rập, thì tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo sẽ khó cất cánh và nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục chật vật với vòng luẩn quẩn “doanh nghiệp nhỏ mãi không lớn”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
"Điều tôi kỳ vọng nhất là Nghị quyết 68 không chỉ mang lại hành lang pháp lý mới, mà còn tạo ra tâm lý an toàn, vững vàng cho người làm kinh doanh chân chính. Khi doanh nhân cảm thấy yên tâm đầu tư dài hạn, thì họ mới dám đổi mới, dám lớn mạnh. Còn nếu rủi ro pháp lý vẫn rình rập, thì tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo sẽ khó cất cánh và nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục chật vật với vòng luẩn quẩn “doanh nghiệp nhỏ mãi không lớn”.


Ngày xuất bản: 12/5/2025
Nội dung: Minh Phương - Khánh Giang
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân