
CỤC CỨU HỘ-CỨU NẠN THỰC HIỆN "NHIỆM VỤ CHIẾN ĐẤU THỜI BÌNH" CỦA QUÂN ĐỘI
Diễn tập ứng phó thảm họa động đất tại Quân khu 5 (năm 2013).
Diễn tập ứng phó thảm họa động đất tại Quân khu 5 (năm 2013).
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp nhận trang bị do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (năm 2018).
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp nhận trang bị do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (năm 2018).
Quân đội hai nước Việt Nam-Trung Quốc tham gia diễn tập chung về ứng phó sự cố, dịch bệnh tại khu vực biên giới Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (năm 2018).
Quân đội hai nước Việt Nam-Trung Quốc tham gia diễn tập chung về ứng phó sự cố, dịch bệnh tại khu vực biên giới Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (năm 2018).
Cục Cứu hộ-Cứu nạn là đơn vị có chức năng quan trọng trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” của Quân đội.
Trong những thập niên gần đây, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động tiêu cực đến diễn biến của thiên tai trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các thảm họa như bão, lũ, động đất, sóng thần và các sự cố khác liên tiếp xảy ra.
Việt Nam nằm ở tây bắc Thái Bình Dương, có bờ biển dài, địa hình nhiều đồi núi, sông suối, khí hậu, địa chất, thủy văn phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng, miền đã tiềm ẩn các nguy cơ sự cố, thảm họa về cháy, nổ, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc xạ, sự cố ô nhiễm môi trường... Do vậy, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân; trong đó, Quân đội được Đảng, Nhà nước xác định là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện Quyết nghị của Chính phủ, ngày 9/8/2004, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/2004/QĐ-BQP thành lập Cục Cứu hộ-Cứu nạn trực thuộc Bộ Quốc phòng (đến tháng 5/2010, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu) trên cơ sở Phòng Phòng, chống cháy nổ-Tìm kiếm, cứu nạn và Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn trực thuộc Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu).
Cục Cứu hộ-Cứu nạn đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu, thực hiện chức năng tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu về thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống và khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa môi trường được Chính phủ quy định; giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, quản lý, chỉ đạo về chuyên môn các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục sự cố, thảm họa môi trường, phòng, chống cháy nổ trong toàn quân; thực hiện chức năng văn phòng của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là Cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Kể từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, đây là cơ quan cấp Cục đầu tiên được tổ chức, biên chế đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên trách tham mưu chiến lược giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân trong trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sự ra đời của Cục Cứu hộ-Cứu nạn càng chứng tỏ sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với Quân đội; tạo điểu kiện để thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” và thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Quân đội. Ngày 9/8/2004 trở thành Ngày thành lập và Ngày truyền thống Cục Cứu hộ-Cứu nạn.
Đến đầu năm 2005, cùng với việc ổn định tổ chức, biên chế, các phòng ban chức năng, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, cơ quan đã từng bước đi vào hoạt động. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, sau hơn 3 năm hoạt động, năm 2008, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 318/QĐ-TM về việc chấn chỉnh tổ chức, biên chế Cục Cứu hộ - Cứu nạn, gồm có 5 phòng: Tham mưu-Kế hoạch; Phòng, chống thiên tai; Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành; Phòng, chống cháy nổ-Cứu sập; Tài chính-Kế hoạch và Đẩu tư; 2 ban: Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Hành chính. Trước đó, Bộ Tổng Tham mưu đã ra quyết định thành lập cơ quan cứu hộ-cứu nạn của các quân khu, quân chủng và Binh chủng Công binh. Quyết định trên đánh dấu bước trưởng thành của ngành Cứu hộ-Cứu nạn toàn quân.
Quân đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007).
Quân đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007).
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1040/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Cục Cứu hộ-Cứu nạn thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
Trước sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cùng với việc không ngừng kiện toàn biên chế, tổ chức, Cục Cứu hộ-Cứu nạn thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; đồng thời Cục còn thực hiện chức năng của 2 văn phòng cấp quốc gia, gồm: Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng, giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu với lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo toàn quốc thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cỗ, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành (2004-2024), Cục Cứu hộ-Cứu nạn luôn thể hiện tốt vai trò, chức năng là Cơ quan Thường trực của Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Nổi bật là đã chủ trì tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia ban hành và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch cấp nhà nước, như: Luật Phòng, chống thiên tai (2013), Luật Phòng thủ dân sự (2023); các nghị định trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng thực hiện chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; các đề án phát triển nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước và hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đồng thời, Cục Cứu hộ-Cứu nạn phối hợp các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Diễn tập ARDEX-13 phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại Ba Vì (năm 2013).
Diễn tập ARDEX-13 phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại Ba Vì (năm 2013).
Đặc biệt, Cục đã giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động 4.162.629 lượt người và 164.941 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện; trong đó, Quân đội tham gia 3.441.043 lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%), cứu được 56.788 người (chiếm 77%), 4.815 phương tiện (chiếm 76%), góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và của nhân dân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ-cứu nạn gặp không ít khó khăn, nguy hiểm, thậm chí nhiều đồng chí đã hy sinh, bị thương, nhưng cán bộ, chiến sĩ không bao giờ chùn bước, sẵn sàng vượt qua mọi gian nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống của nhân dân theo đúng tinh thần mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định đây chính là “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” của Quân đội. Qua đó, từng bước xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết-Chủ động; Vượt khó-Kịp thời; An toàn-Hiệu quả” và xây dựng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn.
Với những thành tích đã đạt được, Cục Cứu hộ-Cứu nạn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng: 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2024), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2014), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2021); Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Cờ Thi đua, 8 Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng 8 Cờ Thi đua, 12 Bằng khen; Bộ Tổng Tham mưu tặng 6 Cờ Thi đua, 8 Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy thành tích đạt được, cán bộ, chiến sĩ Cục Cứu hộ-Cứu nạn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp hiệp đồng thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Diệc Dương
Hội thao phòng cháy, chữa cháy (ngày 2/6/2011).
Hội thao phòng cháy, chữa cháy (ngày 2/6/2011).
Cục Cứu hộ-Cứu nạn thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.