1/Những huyền tích thời Hùng Vương chưa bao giờ là những câu chuyện xa vời mà luôn soi chiếu vào thực tại. Bánh chưng, bánh dày - hai hình ảnh giản dị nhưng thiêng liêng - là sự hòa hợp của trời và đất, là lời nhắc nhở về sự trọn vẹn của dân tộc này. Thánh Gióng vươn vai lớn dậy, đánh tan giặc ngoại xâm, để lại dấu chân ngựa in trên đất mẹ. Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày con cháu cùng hướng về cội nguồn, khẳng định tinh thần gắn kết bền vững của dân tộc. Những truyền thuyết ấy nhắc ta rằng, đất nước này là một thể thống nhất, dù có đổi thay vẫn không mất đi bản sắc chung.
Từ những câu chuyện xưa, ta nhìn vào hiện tại: Đất nước đang bước vào những đổi thay lớn, đó là những cuộc sáp nhập hành chính, những điều chỉnh về địa lý, chính sách. Nhưng sáp nhập không đơn thuần là gộp chung hai miền đất, mà là bài toán về kết nối con người, văn hóa và bản sắc. Đất không chỉ là địa giới, mà là ký ức, là cộng đồng, là nơi đã từng sinh sống và phát triển. Một cuộc hợp nhất chỉ thật sự có ý nghĩa khi người dân ở đó tìm được điểm tương đồng, cùng nhìn về tương lai thay vì chỉ thấy những ranh giới hành chính.
Dẫu vậy, cũng có những tâm tư lo lắng. Một số đồng bào ta sợ rằng, khi sáp nhập xã, huyện rồi tỉnh… tên gọi quê hương mình sẽ không còn trên bản đồ, rằng những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống sẽ bị lu mờ trong một thực thể hành chính mới. Đó không chỉ là nỗi buồn của sự đổi thay, mà còn là nỗi sợ mất đi bản sắc riêng đã được hun đúc qua bao thế hệ. Tâm tư như vậy là đúng lắm, đó cũng là quy luật tâm lý bình thường, chẳng thế mà Chế Lan Viên từng có câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn…”.
2/Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, ta sẽ thấy rằng, bản sắc không đơn thuần nằm ở cái tên, mà nằm trong chính những con người đang gìn giữ nó mỗi ngày. Văn hóa không mất đi khi chúng ta còn trân trọng, truyền thống không phai nhạt khi mỗi người vẫn ý thức về cội nguồn. Như Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang nhưng vẫn gieo trồng nên một tương lai mới từ giống dưa hấu đỏ. Thánh Gióng ra đi khi đất nước bình yên, để lại bài học rằng, mỗi giai đoạn lịch sử đều cần những con người dám hành động, dám đổi thay. Những bài học ấy còn nguyên giá trị: Không có sự thay đổi nào dễ dàng, nhưng nếu đủ bền bỉ và sáng suốt, thì mọi thử thách đều có thể hóa thành cơ hội.
Nhìn lại lịch sử, bản đồ đất nước từng nhiều lần thay đổi, từng có những cuộc hợp nhất rồi chia tách. Nhưng điều cốt lõi vẫn không đổi: Đất nước này là một, dân tộc này là chung dòng máu - đó là đồng bào. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, “đất nước là quê hương”, nghĩa là mỗi tấc đất đều là nơi ta thuộc về, mỗi người dân đều có trách nhiệm với mảnh đất chung. Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, mà là ý niệm về sự gắn kết, về một dân tộc không ngừng vận động để thích nghi và phát triển.
Nếu ngày xưa, con cháu Lạc Hồng phải bôn ba trên khắp mọi miền đất nước để mở mang bờ cõi, thì ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ. Không còn là những cuộc di cư vô định, mà là sự kết nối trong một thế giới phẳng, nơi mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng đều có cơ hội phát triển vượt bậc nếu biết tận dụng lợi thế và giữ vững bản sắc. Cuộc sáp nhập ngày nay không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, để mạnh hơn, để cùng nhau bước vào một thời đại mới.
Huyền thoại năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển không phải câu chuyện chia ly, mà là câu chuyện của sự bổ trợ và cộng hưởng. Người miền núi giữ rừng, giữ nguồn nước, bảo vệ đất đai, trong khi người miền biển bám biển, mở mang giao thương, làm giàu từ đại dương. Họ không tách biệt, mà luôn nương tựa vào nhau. Ngày nay, việc sáp nhập các địa phương cũng không phải là sự hòa tan hay đánh mất bản sắc, mà là cách để từng vùng đất cùng phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là cuộc hội ngộ của những phần khác nhau trong cùng một thể thống nhất.
3/Điều quan trọng là quá trình này phải được thực hiện một cách bài bản, có sự lắng nghe ý kiến của người dân và bảo đảm rằng, sự thay đổi không chỉ là trên bản đồ, mà còn là trong nhận thức, tư duy phát triển. Sáp nhập không chỉ để quản lý hành chính thuận lợi hơn, mà phải mang lại lợi ích thật sự cho người dân, giúp các địa phương có điều kiện phát triển hài hòa và bền vững hơn.
Không ai muốn rời xa những điều thân thuộc, không ai muốn những ký ức, những tên gọi của quê hương chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng sự thay đổi đôi khi là một hành trình tất yếu để trở nên mạnh mẽ hơn, để không chỉ giữ gìn quá khứ mà còn xây dựng tương lai. Cũng để chúng ta hiểu rằng, chúng ta đã đi từ đâu và phải trở về như thế nào?
Nếu những người con lên núi, xuống biển ngày xưa vẫn mang theo trong tim hình bóng quê nhà, thì hôm nay, mỗi sự hợp nhất cũng chính là một nhịp cầu đưa đồng bào đến gần nhau hơn. Và trên hành trình ấy, điều quý giá nhất vẫn là tinh thần dân tộc - đoàn kết, thích nghi và vươn xa…
Chúng ta nhìn thấy tinh thần của Thánh Gióng trong những người trẻ không ngừng sáng tạo, tìm tòi tri thức để đưa quê hương vươn xa trên bản đồ thế giới. Chúng ta thấy hình ảnh Mai An Tiêm trong những doanh nhân khởi nghiệp, những con người không sợ khó khăn, sẵn sàng khai phá những chân trời mới. Và trong mỗi dịp giỗ Tổ, dù ở bất cứ nơi đâu, con dân đất Việt vẫn hướng về cội nguồn, vẫn tự hào về lịch sử và truyền thống của mình.