Theo các chuyên gia, thị trường gia vị thế giới hiện ước tính quy mô bình quân mỗi năm khoảng 19 tỷ USD. Thực tế còn cao hơn vì sản phẩm qua chế biến từ các nguyên liệu gia vị rất đa dạng và đang có mức tăng trưởng 15-20%/năm.
Với lợi thế địa hình trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra những sản phẩm gia vị chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu trong nước đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mặt hàng gia vị được xuất khẩu ngày càng tăng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới. Để tăng thêm giá trị cho gia vị Việt, các đơn vị liên quan đang đặt ra mục tiêu sẽ phối hợp các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh gia vị trong nước tổ chức các đợt xúc tiến thương mại cho gia vị Việt Nam đạt giá trị gia tăng cao nhất có thể và thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn ra thị trường thế giới, kể cả lên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba...
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Dh Foods cho biết: “Sau 30 năm sống và làm việc tại Ba Lan, tôi về Việt Nam vào năm 2010. Tôi thấy Việt Nam, từ nam ra bắc, gia vị rất phong phú, đa dạng nhưng hầu như không hiện diện trên các kệ siêu thị. Vào siêu thị chủ yếu là thấy nước mắm, tương ớt, nước tương và vài sản phẩm gia vị khác... Từ đó, tôi quyết định mở công ty riêng để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gia vị Việt, bắt đầu sản xuất từ muối Tây Ninh, sau đó sản xuất các loại gia vị Tây Bắc. Đến nay, Dh Foods phát triển hơn 100 sản phẩm gia vị Việt, nhưng vẫn còn rất ít so với tiềm năng trong nước. Bên cạnh tiêu thụ thị trường nội địa, Dh Foods cũng đã xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ... Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ bắt kịp ngành gia vị của Thái Lan, của thế giới và mang lại giá trị cao cho gia vị Việt”.
Theo nhận định của các chuyên gia, gia vị Việt chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá bán chưa tương xứng với giá trị vốn có. Để thay đổi hiện trạng này, ngành gia vị Việt phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi các doanh nghiệp, thương nhân cùng ý thức xây dựng. Doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh đầu tư dây chuyền, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn, cải thiện về chất lượng.
Thành lập năm 2001, với thế mạnh xuất khẩu sản phẩm cà-phê, tiêu và các sản phẩm nông sản khác, Phúc Sinh Group đã xuất khẩu sang Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Trung Đông, Australia,... Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group chia sẻ, để khởi nghiệp thành công trong ngành gia vị, điều đầu tiên là phải tìm cách xúc tiến các sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng và khách hàng trên thế giới. Trong đó, thông qua các hội chợ, triển lãm sản phẩm là một trong những cách thức quan trọng. Cần chú ý tạo mẫu mã, bao bì đẹp, tiện ích, coi chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định. Sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới, thói quen và tâm lý, văn hóa tiêu dùng của mỗi quốc gia thì mới mở rộng được thị trường.
Ngoài giá trị kinh tế lớn, gia vị Việt còn mang giá trị tinh hoa về dược liệu đa dạng, phong phú. PGS, TS Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền, Trường đại học Dược thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, gia vị không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà mỗi gia vị còn có các dược tính rất tốt. Chẳng hạn, khi chúng ta ho, ta cắt một lát gừng ngậm thì cảm thấy đỡ ho. Bị trào ngược dạ dày thì gừng, mật ong có thể trị hữu hiệu. Các gia vị thông dụng khác như tỏi, hành, nghệ, tiêu, ớt... đều là các vị thuốc tự nhiên. Các loại rau thơm, rau húng, ngò gai... cũng vậy, không chỉ kích thích vị giác mà còn có các tinh dầu làm tiêu mỡ xấu. Những món ăn mà chúng ta ăn thường ngày đều là thuốc nếu chúng ta biết cách chế biến đúng cách, ăn đúng cách.
Việc tổ chức lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” cũng là một trong những cách để nâng tầm, quảng bá giá trị của gia vị Việt; đồng thời, tạo kết nối các cơ hội thị trường mới cho gia vị Việt, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Lễ hội thu hút hơn 50 gian hàng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh chuyên về gia vị, tôn vinh gia vị Việt ở cả ba miền đất nước... Lễ hội còn cập nhật bản đồ gia vị Việt, giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tiếp cận các thông tin mới nhất về gia vị Việt. Nâng cao giá trị và vị thế của gia vị Việt qua các hoạt động: Giới thiệu các loại gia vị mới từ các vùng địa lý khắp đất nước; những sáng kiến mới và công nghệ mới tạo giá trị gia tăng cho gia vị Việt; vị thế mới của gia vị Việt trên thị trường thế giới với các cơ hội thị trường mới...