Sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2024, quan hệ Việt Nam-Malaysia tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; các hoạt động tiếp xúc cấp cao và các cấp cũng như các cơ chế hợp tác song phương được duy trì hiệu quả. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tốt với các chính đảng lớn tại Malaysia như Đảng Công lý Nhân dân (PKR) do Thủ tướng Anwar Ibrahim đứng đầu và Đảng Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã-lai (UMNO) - đảng hiện đang tham gia liên minh cầm quyền.
Hợp tác kinh tế song phương phát triển tích cực. Hiện Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam trên thế giới. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12% so với mức năm 2023. Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ ba trong ASEAN tại Việt Nam, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 731 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), ngày 10/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: TTXVN)
Trong chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), ngày 10/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: TTXVN)
Hợp tác trong các lĩnh vực khác tiếp tục được tăng cường.
Hợp tác quốc phòng-an ninh: Quan hệ quốc phòng hai nước đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, trong đó có việc ký Ý định thư về việc ký Bản ghi nhớ về Hợp tác thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn trên biển (2019) và ký mới Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tới Việt Nam (12/2023). Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Malaysia đang trao đổi để tiến tới ký kết 3 hiệp định về: chống mua bán người; dẫn độ; chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Hợp tác lao động: Hai bên đang thực hiện Bản ghi nhớ về Tuyển dụng, Việc làm và Hồi hương người lao động (3/2022), thay thế Bản ghi nhớ ký năm 2015 (hết hạn tháng 8/2020).
Hợp tác giáo dục: Hiện có khoảng hơn 1.000 du học sinh Việt Nam tại Malaysia. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục (3/2019), thay cho Bản ghi nhớ ký năm 2004. Hằng năm, Chính phủ Malaysia cấp các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia.
Hợp tác du lịch và hàng không: Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch năm 1994. Kể từ khi miễn thị thực cho công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông (9/2001) và cải thiện kết nối hàng không, lượng du khách Malaysia đến Việt Nam tăng nhanh, đạt gần 420.000 lượt khách năm 2023. Malaysia cũng là một trong những thị trường vận tải hàng không quan trọng với Việt Nam. Hai bên đang trao đổi khả năng ký mới Hiệp định hàng không để thay thế cho Bản Hiệp định năm 1978 (được sửa đổi gần nhất ngày 27/2/2008).
Hợp tác năng lượng: Petro Việt Nam và Petronas Malaysia hợp tác từ năm 1991 trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp dầu khí.
Trong chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), ngày 10/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: TTXVN)
Trong chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), ngày 10/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: TTXVN)
Hai nước tiếp tục phối hợp lập trường chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, ASEAN, APEC... Hai nước ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Gần đây, Malaysia đã cùng các nước ASEAN đồng thuận ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động hết sức đặc biệt. Chuyến thăm mở ra cơ hội để hai bên cùng trao đổi thống nhất các định hướng lớn, biện pháp cụ thể nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được thiết lập giữa hai nước; qua đó hai nước tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các mặt như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân... đi vào thực chất, hiệu quả hơn; đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như khoa học công nghệ, kinh tế số, chính phủ điện tử, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Chuyến thăm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có Malaysia, một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; đồng thời, thể hiện sự coi trọng với Malaysia nói chung và cá nhân Thủ tướng Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025. Chuyến thăm gửi đi thông điệp khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và Bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tại Hà Nội, ngày 28/4/2025. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tại Hà Nội, ngày 28/4/2025. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2025 không chỉ là cột mốc kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN mà còn là thời điểm then chốt để định hình tầm nhìn phát triển của ASEAN trong tương lai. Đây là trọng trách đối với Malaysia, nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2025, cũng như các nước thành viên.
Chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2025 là “Bao trùm và Bền vững”. Với chủ đề này, Malaysia cùng các nước xác định một số nội hàm hợp tác cụ thể, thể hiện qua các trọng tâm, ưu tiên sau: (i) Củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy lòng tin chiến lược thông qua đối thoại, ngoại giao và thiện chí, mở rộng quan hệ và hợp tác hiệu quả, thực chất với các đối tác bên ngoài; (ii) Tăng trưởng bền vững và bao trùm trên cơ sở đẩy mạnh thương mại và đầu tư nội khối, gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế với các đối tác, kết nối các thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy tài chính và đầu tư xanh; (iii) Đưa nội hàm bao trùm và bền vững vào trung tâm tiến trình xây dựng cộng đồng, thúc đẩy thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 chụp ảnh chung, ngày 9/10/2024. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 chụp ảnh chung, ngày 9/10/2024. (Ảnh: TTXVN)
Trong 30 năm kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đồng thời có những đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của ASEAN. Tháng 3/2025, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta (Indonesia), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Việt Nam tự hào với tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trong hơn 30 năm qua, mà trong đó ASEAN là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thế giới.
Trong hành trình phát triển tiếp theo của ASEAN, Việt Nam càng quyết tâm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung. Việt Nam dành ưu tiên cho việc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường, qua đó khẳng định vị thế quốc tế của mình với tư cách là một thành viên của gia đình ASEAN.
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, và có trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung của ASEAN nhằm củng cố đoàn kết và phát triển Cộng đồng ASEAN và tái khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành, đóng góp tích cực và trách nhiệm hơn nữa vào tiến trình hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan cũng phát đi những thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về việc:
(i) Ủng hộ chủ đề “Bao trùm và Bền vững” và các sáng kiến hợp tác, hoan nghênh đặt trọng tâm vào thúc đẩy các liên kết kinh tế nhằm khai tác và đa dạng hóa thị trường;
(ii) Chia sẻ các khó khăn đang đặt ra, nhấn mạnh ASEAN cần đoàn kết, bản lĩnh và phát huy tự cường, tự chủ chiến lược, tiếp tục kiên định các nguyên tắc thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ;
(iii) Ủng hộ thông qua gói văn kiện “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”;
(iv) Khẳng định cam kết của Việt Nam tham gia và đóng góp chủ động, có trách nhiệm hơn nữa cho hợp tác ASEAN sau 30 năm tham gia ASEAN;
(v) Tiếp tục triển khai hiệu quả các cam kết tại các Hội nghị cấp cao, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại là trọng tâm;
(vi) Giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông;
(vii) Lồng ghép hài hòa các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam và quan tâm của các đối tác.
Chuyến thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân là bước triển khai tích cực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực và ASEAN, Kết luận 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Chuyến công tác khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam; tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, đồng thời tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy, chủ động, tích cực, tạo không gian mở rộng, tranh thủ sự hợp tác; thúc đẩy đối ngoại cả trên kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Ngày xuất bản: 24/05/2025
Chỉ đạo thực hiện: Chu Hồng Thắng - Phạm Trường Sơn
Nội dung: Nguyễn Hà - Minh Hằng
Trình bày: Nhã Nam
Nguồn: Theo Bộ Ngoại giao, TTXVN