Làn sóng đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng bất động sản

NDO - Làn sóng đầu tư hạ tầng trên cả nước đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Nhiều dự án giao thông trọng điểm, chiến lược được triển khai đồng bộ không chỉ cải thiện kết nối vùng mà còn tạo ra dư địa phát triển mới cho thị trường bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: LÊ TIÊN)
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: LÊ TIÊN)

Trong bối cảnh đó, các bất động sản gắn với hạ tầng được các chuyên gia dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhờ loạt dự án giao thông được triển khai mạnh mẽ trong năm 2025 và giai đoạn tới.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc phát triển đồng bộ đường cao tốc bắc-nam, đường cao tốc ven biển phía Đông, đường Hồ Chí Minh, đường sắt tốc độ cao… cùng với chủ trương phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) khiến thị trường bất động sản liên quan hạ tầng có một bước phát triển mới.

Làn sóng đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng bất động sản ảnh 1

Tàu trên cao tuyến Nhổn-Cầu Giấy-Cát Linh, Hà Nội. (Ảnh: HNV)

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Quản lý bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, những dự án hạ tầng lớn không chỉ cải thiện khả năng kết nối vùng miền mà còn mang lại giá trị gia tăng to lớn cho các khu vực lân cận, mở ra cơ hội đầu tư bất động sản tại những điểm đến mới.

Một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng đang có những sự kiện toàn, đồng bộ. Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh đang vươn mình trở thành trung tâm phát triển đô thị mới nhờ các công trình kết nối trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 1, 2, hầm Thủ Thiêm và các dự án sắp triển khai như cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 3 kết nối quận 4 và cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7, cùng tuyến metro số 2 giai đoạn 2.

Sự đồng bộ về hạ tầng đã đẩy mạnh giá trị bất động sản tại khu vực này, biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho các dự án văn phòng hạng A, khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp.

Bên cạnh đó, những khu vực vốn được xem là "vùng trũng" về phát triển như Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dần "thay da đổi thịt" nhờ vào kế hoạch đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng mới trong giai đoạn tới như cầu Cần Giờ, tuyến đường ven sông Sài Gòn từ ranh giới Tây Ninh đến nút giao cao tốc Bến Lức-Long Thành với đường Rừng Sác, hay trục giao thông ven biển phía nam kết nối từ Tiền Giang, qua Cần Giờ, đến Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu...

Sự chuyển mình mạnh mẽ trên được đánh giá là mang lại luồng sinh khí mới cho khu vực và tạo ra những tác động đa chiều, vừa thúc đẩy sự phát triển của Cần Giờ theo định hướng trở thành đô thị sinh thái biển, vừa giúp các dự án bất động sản được hưởng lợi từ hạ tầng. Qua đó, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ tiềm năng tăng giá và khả năng kết nối thuận lợi trong tương lai với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó ở khu vực phía bắc, nhiều vùng ven Hà Nội cũng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhờ sự đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông, từ các tuyến vành đai, đường sắt đô thị đến các trục cao tốc liên vùng.

Làn sóng đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng bất động sản ảnh 2

Công trình mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, Hà Nội. (Ảnh: PV)

Cụ thể, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, tuyến giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc nhằm thúc đẩy liên kết vùng và giảm tải áp lực giao thông nội đô; 3 cây cầu vượt sông Hồng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao-Hòa Lạc kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu đô thị đang phát triển, trong đó có đô thị vệ tinh Hòa Lạc...

Sự phát triển ngày càng đồng bộ này tạo lực hút mạnh mẽ cho thị trường bất động sản, không chỉ giúp gia tăng giá trị đất đai mà còn kích hoạt làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra các đô thị vệ tinh và khu vực lân cận.

Có thể thấy, hạ tầng đồng bộ không chỉ mang lại giá trị thực tế cho các dự án bất động sản mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, sự bùng nổ của các dự án hạ tầng không chỉ tạo ra những thay đổi tích cực trước mắt mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam.

Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, cơ sở hạ tầng là “bảo chứng phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh” cho thị trường bất động sản. Ngay cả khi thị trường lâm vào trạng thái khó khăn kéo dài, thì địa phương, khu vực nào chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng vẫn được ghi nhận là những điểm sáng.

Thực tế, các địa phương được coi là “điểm sáng” của thị trường bất động sản vừa qua hầu hết đều là những địa phương được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Lào Cai, Hải Phòng…

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, Bộ Tài chính, để các dự án hạ tầng giao thông thực sự phát huy vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của địa phương một cách bền vững, việc thu hút đầu tư, phát triển dự án bất động sản tại những khu vực có sự đầu tư hạ tầng cần lưu ý thực hiện một số vấn đề trọng tâm gồm: quỹ đất, cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng lập, phê duyệt quy hoạch, tổ chức tốt việc quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.

Đáng chú ý, cần xác định rõ tiềm năng lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, truyền thống và nguồn lực để xây dựng, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong thu hút đầu tư các dự án bất động sản. Song song, xây dựng chính sách quản lý hoạt động, đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản; minh bạch thông tin về kế hoạch, chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của địa phương.