Làng trẻ em SOS Thái Bình là Làng thứ 16 ở Việt Nam, được xây dựng tại phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình).
Làng gồm 14 nhà gia đình có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên từ 120 đến 140 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình dựa trên nền tảng gia đình với bốn nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em Quốc tế là bà mẹ, anh-chị-em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng.
Ngoài ra, trong Làng trẻ em còn có một trường mẫu giáo sáu lớp có khả năng tiếp nhận và nuôi dưỡng 200 học sinh.
Toàn bộ kinh phí xây dựng khoảng 2,15 triệu USD do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS Quốc tế vận động tài trợ.
Lần đầu tiên, có một doanh nghiệp của Việt Nam là Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tài trợ 50% kinh phí xây dựng, 50% kinh phí còn lại là tài trợ của các Hiệp hội thành viên thuộc Làng trẻ em SOS Quốc tế, gồm: Hiệp hội Làng trẻ em SOS Hà Lan, Làng trẻ em SOS Thụy Điển, Làng trẻ em SOS Thụy Sỹ và các công dân ba quốc gia trên.
![]() |
Tỉnh Thái Bình đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh gần một triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, lắp đặt điện, nước, thông tin liên lạc…
Làng trẻ em SOS Thái Bình đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em lao động sớm, vi phạm tệ nạn xã hội, góp phần vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực, thực hiện bảo vệ và chăm sóc trẻ em theo pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn hai, Làng trẻ em SOS Quốc tế sẽ phối hợp các nhà tài trợ triển khai xây dựng dự án Thanh niên SOS để chuyển các cháu trai lớn (14 tuổi trở lên) từ Làng trẻ em SOS sang và khu nhà ở cho các bà mẹ khi về hưu.
Kể từ năm 1987 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 100 triệu USD từ Làng trẻ em SOS Quốc tế. Các Làng trẻ em SOS đã và đang nuôi dưỡng 3.760 cháu, có 955 cháu đã tự lập và hòa nhập cộng đồng (trong đó có 535 cháu đã lập gia đình).