Khai thác hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tín dụng chính sách xã hội phát huy vai trò “bà đỡ” về vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách khác có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Vốn tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều hộ dân nông thôn tỉnh Nam Định phát triển kinh tế hiệu quả.
Vốn tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều hộ dân nông thôn tỉnh Nam Định phát triển kinh tế hiệu quả.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định cho biết: Ở tỉnh Nam Định, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm.

100% cấp uỷ đảng, chính quyền các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình địa phương; chủ động bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nâng cao chất lượng tín dụng, quan tâm hỗ trợ trụ sở làm việc, bố trí địa điểm, an ninh, an toàn cho hoạt động của các điểm giao dịch xã.

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp thường xuyên được kiện toàn, trách nhiệm của các thành viên được nâng lên, chất lượng hoạt động ngày càng cao, thực hiện tốt hơn chức năng quản trị hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; kịp thời ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách mới, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tích cực xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, các trường hợp khách hàng bỏ đi khỏi địa phương và khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho vay; giám sát chặt chẽ việc sử dụng của hộ vay; thường xuyên rà soát, tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp xã củng cố, kiện toàn hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Do đó, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng được củng cố và nâng cao. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.546 tỷ đồng, tăng hơn 2.465 tỷ đồng so với năm 2014 (118,5%), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm.

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 46.880 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 21.834 lao động, 48 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tạo sinh kế tái hòa nhập cộng đồng.

Có 8.805 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục học tập, không học sinh nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí; 976 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ 19 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cùng với đó là xây dựng 323.156 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn; xây dựng 919 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, đóng góp tích cực giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, giảm chi phí quản lý, phương thức quản lý tín dụng chính sách được thực hiện thông qua điểm giao dịch và tổ giao dịch tại xã, phường, thị trấn.

Đồng thời ủy thác một số nội dung công việc cho 4 tổ chức chính trị-xã hội và thiết lập mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm, tổ dân phố.

Hoạt động nhận ủy thác đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.

Đến nay, 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác 10 chương trình tín dụng chính sách, quản lý 2.819 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 100 nghìn hộ, tổng dư ủy thác là hơn 4.531 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tăng 123,6% so với năm 2014.

Cùng với mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch tại trụ sở ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã

Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch của người vay, bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, trên địa bàn tỉnh tỉnh Nam Định tổ chức 215 điểm giao dịch xã, thực hiện trên 90% tổng giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội với khách hàng, khẳng định điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.