Khắc phục ngay những bất cập về phòng cháy chữa cháy

Thành phố Hà Nội có 69.712 cơ sở phải thực hiện các giải pháp tăng cường về phòng cháy, chữa cháy theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh”; gồm 412 nhà nhiều căn hộ (chung cư mini), 39.993 nhà trọ, 29.307 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt 4.011 trường hợp với số tiền hơn 14,7 tỷ đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 815 trường hợp. Đến nay, đã có 24.579 cơ sở hoàn thành khắc phục các giải pháp bảo đảm an toàn theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/3, số cơ sở chưa thực hiện khắc phục đầy đủ các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy còn khá nhiều, với 377 chung cư mini; 30.648 nhà trọ; 19.102 nhà ở kết hợp kinh doanh.

Trong khi đó, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Quý I/2025 (từ ngày 15/12/2024 đến 14/3/2025), trên địa bàn thành phố xảy ra 351 vụ cháy, làm bốn người chết và bốn người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 12,2 tỷ đồng.

So với quý I/2024, số vụ cháy tăng 53 vụ, giảm hai ca tử vong, tăng một người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 7,9 tỷ đồng. Trong đó, số vụ cháy ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao, địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành; nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, với 251/351 vụ, chiếm 71,5%.

Chính vì vậy, từ ngày 15/4 đến 30/6, thành phố Hà Nội triển khai cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Thành phố giao Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn, đôn đốc 100% chủ cơ sở, chủ hộ gia đình loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ chưa thực hiện khắc phục các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý phải dừng hoạt động cho đến khi tổ chức khắc phục xong các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn của UBND thành phố.

Mặt khác, các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ hai, trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ thoát nạn; tổ chức thực tập các tình huống có thể xảy ra cháy, nổ; sử dụng lực lượng, phương tiện tại cơ sở để xử lý sự cố, thoát nạn an toàn...

Về phía chính quyền cấp xã, cần tổ chức rà soát, thống kê tổng thể lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để kịp thời huy động tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”: tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các khu dân cư, ưu tiên các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, giao thông nhỏ hẹp, nguồn nước hạn chế hoặc khu vực có nhiều nhà, công trình mà khi cháy có nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy nổ.