Triết lý "kẻ áo ngắn"
Ngôi nhà được dán kín bát, đĩa và mảnh gốm sứ cổ của ông Trường ở giữa làng, xã Chấn Hưng (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Trước nhà, những bức tường, hòn non bộ cũng được dán đầy đồ cổ. "Công trình"này ngốn mất của chủ nhân 16 năm trời - 16 năm vật lộn, tất tưởi, chịu đựng, hy vọng mà đến nay vẫn chưa ưng ý.
Qua câu chuyện, được biết, ông Trường nhập ngũ năm 1982, xuất ngũ năm 1985. Ông về quê xin đi đánh véc-ni trong các xưởng mộc.
Năm 1986, cơ duyên đồ cổ đến với ông. Đó là một ngày, có gã buôn bảo: "Mày làm nghề sơn tủ, chắc là sẽ gặp nhiều bát, đĩa cổ, nếu sưu tầm được thì bán cho tao". Từ đó, kiếm được món gì ông cũng mang đến gã. Sau một thời gian, phát hiện nghề buôn đồ cổ là nghề "ngồi mát ăn bát vàng", ông Trường nảy ra ý: vừa đi săn đồ cổ, vừa tìm mối quan hệ. Chân ướt, chân ráo vào nghề, kém hiểu biết, nhiều phen bị lừa trắng tay. Gắng gượng lắm, vừa đi sơn tủ, vừa buôn đồ cổ cũng chỉ đủ tằn tiện nuôi bản thân. Còn hai con do một tay bà Hồ Thị Nga, vợ ông vừa làm ruộng, vừa chăm nom. Ông Trường vẫn mải mê "săn" đồ cổ khắp các vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang... Nhiều chuyến đi không có tiền, ba-lô chỉ có mì tôm. Có chuyến xe bục săm, ông phải dắt bộ cả chục cây số vì trong túi không còn đồng nào để vào hiệu vá. Vất vả cho đến năm 1993, ông Trường chỉ nhận về một đống đồ cổ cùng với sự chê trách của vợ con, sự khó hiểu của làng xóm và một gia đình với mức sinh hoạt nghèo khổ.
Cũng năm này, ông nảy ra ý định giữ gìn, đồ cổ chỉ mua chứ không bán. Kinh tế gia đình đã eo hẹp càng khó khăn hơn.
Lúc đó, ngôi nhà cấp bốn do xây tường mỏng nên nứt, ông Trường nảy ra ý định dùng xi-măng ốp đồ cổ vào tường cho tường nhà dày lên, vừa chắc tường, vừa giữ đồ. Chung quanh công việc này, ông nói: "Tôi là kẻ áo ngắn mà. Tôi cứ cần mẫn như thế, chẳng biết có phải giời hành hay đồ cổ hành, nhưng khổ vì nó mà không giải thích được. Đã có thời gian dài người dân trong làng bảo nhau đến xem tôi có bệnh gì không, rồi bảo gia đình nên đưa tôi đi viện tâm thần. Người thân cũng thấy tôi... không ổn".
"Kẻ áo ngắn"là câu cửa miệng ông Trường dùng nói về sự nghèo khó của mình. Nhưng ông lại tự hào vì đến nay đã sở hữu khoảng 7.000 bát, đĩa, bình vôi bằng gốm, sứ cổ; đồng thời có cả mấy chục cân tiền xu và nhiều mảnh gốm cổ.
Lập kỷ lục... bị vợ quát
Nay cuộc sống đã tạm êm ấm, chứ quay trở về quá khứ, ông Trường không khỏi ngậm ngùi và đôi lúc thấy có tội với vợ con. Bởi ông đã gàn dở đi khuân đủ thứ về nhà, bỏ vợ con túng đói, nheo nhóc, luôn bị vợ trách móc, quát mắng.
Nếu xét kỷ lục cho người bị... vợ mắng nhiều nhất, thì người đầu tiên nhận danh hiệu là ông Trường.
Nhưng ông không bao giờ cãi lại vợ vì biết mình sai. Tôi hỏi, ông thấy nghề này kiếm ăn được, nên mới theo, tại sao ông không bán vợi đi để vợ con sung sướng? Ông Trường trả lời: "ối giời, tôi sướng làm sao được. Tôi không được phép sướng.
Biết là bán vợi đi thì sống giàu đấy.
Nhưng nếu bán thì đã không phải là tôi. Nhiều lần vợ hỏi, anh cứ nói hết lần này đến lần khác là đi làm, nhưng chẳng thấy mang tiền về, mà cứ về khuân tiền đi. Rồi nhiều lần có món đẹp, tôi về nài vợ đi vay tiền cho tôi mua đồ, vợ lại quát".
Mới đây, ông Trường tìm thấy một người sở hữu chiếc ấm con gà thời Trần. Họ đòi ba triệu đồng, ông Trường "xoay"tiền không được, về nịnh vợ nhờ vay. Bà Nga quát: "Ông lại mua về dán lên tường à?".
Tâm sự với bà Nga, bà cho biết 30 năm làm vợ, thì gần 30 năm phải còm cõi đơn thân, chứng kiến cảnh chồng bị... giời đày. Có lúc bà cảm thấy kiệt sức, ức chế khủng khiếp vì khuyên chồng thế nào cũng không được. Độ sinh con gái đầu, ông ở nhà được đúng 28 ngày, rồi đi biền biệt mấy tháng trời. Mang tiếng đi làm lấy tiền nuôi vợ, nuôi con, nhưng tiền chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn đồ mà người dân coi là rác rưởi. Bực nhất là có lần cãi nhau, ông Trường đã thốt lên: "Không vợ thì được chứ không thể thiếu đồ cổ".
Bà đã đấu tranh bằng cách không nấu cơm, không giặt quần áo cho chồng; ra ngủ riêng, thậm chí định bỏ nhà đi...Nhưng cũng chẳng làm thay đổi được con người "đáng ghét" ấy. Dù thế, sự "đấu tranh" của vợ, sự xa lánh của một số người thân cũng đã khiến ông Trường đau khổ, đôi lúc còn không biết mình đang sống khổ vì cái gì. Nỗi đau niềm đam mê kỳ lạ đó chẳng ai hiểu, ông cũng chẳng biết chia sẻ cùng ai nên luôn cô đơn cùng với cả ngàn món cổ vật chẳng bao giờ biết nói lời an ủi chủ.
Lúc ngẫm nghĩ lại, thấy mình sai, ông Trường nói với vợ: "Em thương lấy đời anh, thương đồ cổ. Kiếp sau thì đừng lấy anh nữa". Vợ ông lại quát: "Tôi chẳng biết kiếp sau, chỉ cần kiếp này thôi"!
"Tôi chỉ là một món..."
Nhìn vào, ai cũng biết ông Trường khổ chứ chẳng sung sướng gì. Với khuôn mặt hốc hác, bộ râu rậm và tóc búi tó, suốt ngày nâng niu đồ cổ, cộng với dáng tất tưởi càng làm tăng độ... cũ kỹ của ông.
Tôi nhận thấy, ông như người đầy tớ của những món đồ, và dường như bị vẻ đẹp của nó làm cho mê muội, gắn với chúng như hình với bóng.
Ông có thể giàu có, nhưng lại sống nghèo và luôn chấp nhận điều đó như là số phận. Bản thân ông cũng nhận mình như một món đồ cổ, có thân phận bọt bèo.
Ông Trường tâm sự: "Nay tôi có thêm những người bạn để chia sẻ, vợ tôi cũng chấp nhận "sống chung với lũ", chẳng cằn nhằn về thú đam mê của tôi nữa, nên tôi có thể rảnh rang sưu tầm và gìn giữ. Thương tôi, bà ấy cũng thương lây đồ cổ rồi".