Huyền thoại kể tiếp về đội quân tóc dài năm xưa ở Bến Tre

Về TP Bến Tre, chúng tôi gặp má Nguyễn Thị Khao (tức Út Thắng) nguyên Trưởng ban Phụ vận tỉnh Bến Tre (thời kỳ 1955-1961). 60 năm theo Ðảng, nay tuổi 80, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng má Thắng vẫn còn minh mẫn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về xuất xứ Ðội quân tóc dài (ÐQTD), má chậm rãi kể: Những năm 1957-1959, với chính sách "Tố cộng", "Diệt cộng", Ngô Ðình Diệm rắp tâm xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bằng Luật 10/59, chúng cho quân càn quét, bắn pháo giết hại đồng bào ta và đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại tất cả những ai tình nghi là cộng sản. Tỉnh ủy Bến Tre kêu gọi người dân đi đấu tranh, biểu tình chống chế độ Mỹ-Diệm tàn ác. Trong đoàn người biểu tình, có cả nam, nữ thanh niên, đàn ông, đàn bà. Bọn địch điên cuồng đàn áp, chúng tập trung bắt bớ và đánh đập dã man số đàn ông, đặc biệt là nam thanh niên tham gia đấu tranh. Ðó là nguyên do để ÐQTD ra đời. Có thể coi ÐQTD là con đẻ của phong trào đấu tranh cách mạng, một sáng tạo đặc sắc và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. ÐQTD được ra đời từ cuộc Ðồng khởi của tỉnh Bến Tre đầu năm 1960, sau đó phát triển và lan nhanh ra cả miền nam. Tính đến năm 1965, đã có hai triệu phụ nữ tham gia ÐQTD.

Ðầu năm 1960, khi Bến Tre chuẩn bị Ðồng khởi (kết hợp đấu tranh giữa ba mũi tiến công chính  trị, vũ trang, binh vận), Tỉnh ủy  giao nhiệm vụ đấu tranh chính trị cho phụ nữ, chủ yếu là các bà, các má. Bằng lời lẽ ôn tồn, khôn khéo, các má, các dì đã biết lấy "nhu" thắng "cương" để tránh thương  vong và bảo toàn lực lượng, đồng thời hỗ trợ bộ đội chủ lực diệt ác, phá thế kìm kẹp của Mỹ-ngụy. Sau cuộc Ðồng khởi nổ ra ở tỉnh Bến Tre khoảng mười hôm, ngày 26-1-1960, địch huy động hơn mười nghìn tên, gồm cả quân chủ lực và bảo an có vũ trang đánh vào ba xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, thuộc huyện Mỏ Cày, nhằm đè bẹp phong trào cách mạng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta đang còn trứng nước. Ði đến đâu, chúng triệt phá nhà cửa, cướp bóc, bắn giết một cách tàn bạo. Ðối phó lại âm mưu của địch, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương tập hợp lực lượng tổ chức cuộc đấu tranh chính trị do ÐQTD (khoảng 5.000 người) kéo lên quận Mỏ Cày  với danh nghĩa là "tản cư" để tránh cuộc hành quân càn quét của địch đang diễn ra. Các má, các dì, các chị khiêng thi thể người chết, người bị thương, mang theo mảnh bom, mảnh đạn để làm vật chứng, tang chứng. Ðồng thời, bồng bế con cái, mang theo mùng màn, nồi niêu, xoong, chảo  để nấu ăn. Lực lượng đấu tranh đi trên 200 ghe, xuồng đổ về huyện Mỏ Cày, tràn vào dinh quận trưởng, nhà thông tin, nhà thờ, chùa chiền kêu khóc, tố cáo tội ác của giặc, yêu cầu quận trưởng phải chạy chữa những người bị thương; cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và ra lệnh rút quân để bà con trở về yên ổn làm ăn. Tên quận trưởng Mỏ Cày hứa chuyển ngay yêu sách của bà con lên Tỉnh trưởng Bến Tre. Ðến ngày thứ 12, đại tá Nguyễn Văn Y, thay mặt Bộ Tổng  tham mưu ngụy, chỉ huy cuộc hành quân từ Sài Gòn phải bay xuống thị sát tình hình và ra lệnh rút quân. Nguyễn Văn Y cay cú nói với bọn sĩ quan thuộc cấp: Thôi đành chịu thua "Ðội quân đầu tóc".

Ðã từng theo sát phong trào đấu tranh tại ba xã: Ðịnh Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, thuộc huyện Mỏ Cày - là chiếc nôi Ðồng khởi của quê hương Bến Tre, lúc đầu má Thắng hoạt động công khai. Sau năm lần bị địch phục kích chết hụt khi đi công tác, thấy khả năng  bị lộ, Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo má  phải rút vào bí mật, chỉ huy phong trào cách mạng và các cuộc biểu tình của ÐQTD. Câu chuyện giữa chúng tôi và má Thắng trở nên sôi nổi khi có sự tham gia của bà Huỳnh Thị Kim Hui, 55 tuổi, là con của má Nguyễn Thị Khích (em gái má Thắng, trước đây cũng tham gia ÐQTD). Bà Hui kể: Lúc đó chừng sáu tuổi, tôi được má bế đi theo ÐQTD, nhưng vẫn nhớ hình ảnh bọn lính ngụy mặc đồ rằn ri  giơ cây ma trắc (giống dùi cui điện) lên quất túi bụi vào đầu, vào mặt các bà, các dì, các má và dùng súng bắn chết người.  Sợ quá tôi khóc thét lên. Nhưng lần sau vẫn đòi đi theo má. Lớn lên đi học, tôi lại theo đoàn của học sinh, sinh viên kéo lên tỉnh lỵ Bến Tre đi đấu tranh chống Mỹ - ngụy đàn áp, khủng bố,  đòi hòa bình...

Hơn má Thắng hai tuổi và tròn 50 năm theo Ðảng, má Nguyễn Thị Ba, ở ấp 2, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, bồi hồi nhớ lại khí thế sục sôi, khi má cùng ÐQTD đi đấu tranh. Má Ba kể rằng: Lúc đó ÐQTD đi biểu tình rất khó khăn. Khẩu hiệu, biểu ngữ phải quấn vào người, mặc áo trùm ra ngoài. Người khác cầm gậy đi bên cạnh chứ đâu có được mang công khai. Khi đến gần đồn, bốt của địch mới căng biểu ngữ với khẩu hiệu: "Chống đi càn, chống bắn pháo vào dân thường", "Chống cướp bóc, hãm hại đàn bà"; "Ðả đảo Mỹ - Diệm"... 

Sau những lần bị  thất bại thảm hại, bọn địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc và quyết liệt hơn để phá cuộc đấu tranh của ÐQTD. Má Ðặng Thị Liễu, người trực tiếp chỉ huy phong trào đấu tranh ở huyện Bình Ðại lúc đó, cho biết: Mỗi khi gặp ÐQTD, chúng cho bọn ác ôn dùng sơn viết lên nón của mọi người khẩu hiệu: "Ðả đảo cộng sản", các bà, các má liền bóp bẹp nón bỏ xuống đất ngồi. Có người vụt (ném) nón đi, để đầu trần hoặc đội khăn. Chúng lại dùng sơn viết vào áo, mọi người cởi áo vụt luôn. Rút kinh nghiệm lần sau khi đi biểu tình, mọi người mặc nhiều áo và khoác bên ngoài tấm áo rách. Thấy không hiệu quả, bọn địch xoay sang dùng kéo xông vào cắt mái tóc dài của các bà, các má, các chị. Hành động này bị nhiều binh sĩ ngụy phản đối, vì trong hàng ngũ đấu tranh có nhiều người là má, là bà, là chị, là vợ của chúng. Ðược đà, bà con liền hô to khẩu hiệu: "Ðả đảo Mỹ - Diệm"; "Diệm từ chức, Mỹ rút quân ngay, đả đảo". Lại có lúc nghe liên lạc của ta báo tin: Bọn chỉ huy địch đang hung hăng làm dữ, muốn ra lệnh nổ súng vào đoàn biểu tình. Má Liễu  liền chỉ đạo mọi người tìm cách binh vận, chuyển khẩu hiệu sang đấu tranh đòi tăng lương cho binh sĩ, khiến hàng ngũ địch hoang mang. Có người còn vờ nói rất to: "Nè, tui bảo cho các ông sĩ quan và binh lính hay, Giải phóng quân về đông lắm, đừng có làm bậy bắn giết đồng bào là nguy lắm đó".

Dì Ðặng Thị Tu (em gái của má Liễu) cũng từng tham gia ÐQTD góp chuyện: "Hồi đó, tui cũng đi theo ÐQTD đấu tranh chống địch càn quét. Có lúc bọn địch tức quá liền dùng súng lùa tất cả xuống ngâm mình dưới mương nước cả giờ đồng hồ, khiến mọi người bị  lạnh, răng đánh bồ cạp (run) dữ lắm. Cực vậy, nhưng lần sau được kêu đi, ai nấy lại hăng hái tham gia. Có má còn nói vui: Tôi ghiền (nghiện) đi đấu tranh rồi". Chúng tôi hỏi má Liễu về ám hiệu "đi chợ dồn" và "đi chợ nhồi", được má giảng giải: Trước ÐQTD còn tập trung đi đấu tranh công khai. Sau này bọn địch cứ thấy mọi người tụ tập là bắt bớ đánh đập giải tán, nên mới có ám hiệu "đi chợ dồn" tại mỗi xã. Mấy "chợ dồn" thì thành một "chợ nhồi" tập trung tại một địa điểm gần đồn, bốt của địch để đấu tranh khiến bọn địch không kịp trở tay. Có lần bọn lính chặn đoàn biểu tình hỏi:

- Ði đâu mà đông dữ vậy ?

- "Bộ đội chủ lực về đông lắm, không có chỗ ở nên bà con kéo nhau đi". Nghe vậy, bọn địch bán tín bán nghi không dám hung hăng đánh đập, xả súng bắn giết. Còn bà con được dịp lại đưa yêu sách bắt chúng phải bồi thường hoa màu do lính bắn pháo, chết người, sập nhà...

Sức khỏe dì Ca Le Du, hiện ở ấp Thành Hóa 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày là con của ông Ca Văn Thỉnh hiện rất yếu. Vì hồi đó, dì đã  ba  lần bị địch bắt giam do có bọn ở xã chỉ điểm. Chúng bắt dì vì lãnh đạo ÐQTD đi đấu tranh và có cha mẹ, chồng đi theo "cộng sản". Rót chén nước mời chúng tôi, dì húng hắng ho rồi kể: "Hồi đó tôi là Chủ tịch Hội phụ nữ xã nên bị chúng tra tấn dữ lắm. Chúng dùng điện châm vào đầu ngón tay, ngón chân cho đến ngất. Rồi lại dội nước cho tỉnh và dùng dùi cui vụt thâm tím mặt mũi, mình mẩy". Lần một, chúng giam dì sáu tháng; lần hai giam 13 tháng. Lần thứ ba dì bị bắt là do cùng ÐQTD mang thi thể của mười người ở ấp Thành Hóa 1, bị lính đi càn bắn chết, đi đấu tranh. Dì Ca Le Du lắc đầu bảo: Việc mang xác mười thanh niên đi đấu tranh đâu có dễ. Mọi người phải xếp họ dưới  ghe, rồi đậy lá dừa lên, ngụy trang đi bán trái cây. Khoảng 10 giờ đêm xuồng máy chở người nhà nạn nhân và ÐQTD bí mật chạy qua Vàm Cái Cối (gần bến Hàm Luông). 3 giờ sáng lực lượng đi đấu tranh tới nơi ém quân ngoài vàm gần chợ cá. Khi hừng đông vừa nhô lên, bà con liền chạy xuồng máy băng qua sông Cái Cối. Lúc này chợ cá bắt đầu họp, ghe tam bản chở thi thể người bị nạn cũng áp sát chợ. Từng tàu lá dừa được lật ra để lộ thi thể người chết, cũng là lúc các bà, các má bắt đầu khóc rần rần: "Bà con ơi, bọn Mỹ-ngụy tàn ác giết hại vô cớ dân lành. Bà con ra mà coi...". Sợ bị bóc trần bộ mặt thật, bọn sĩ quan ngụy vội ra đấu dịu, nhận các yêu sách của đoàn biểu tình, hứa sẽ ra lệnh cho lính không bắn pháo bừa bãi vào các ấp... Sau trận này, dì Ca Le Du lại bị bắt  do bọn chiêu hồi chỉ điểm.

- Sau ba lần bị bắt,  dì có sợ không ?

- Sợ thì tui đã không "bỏ con như đất cục" (gửi hàng xóm) để đi đấu tranh. Bởi trong tôi là dòng máu cách mạng: cha mẹ tập kết ra bắc, chồng thoát ly đi hoạt động cách mạng (sau bị tù ngoài Côn Ðảo) cùng lòng căm thù kẻ địch dã man tàn ác đang giày xéo quê hương. Và gần như ở Bến Tre, lúc đó ai cũng có nợ nước, thù nhà nên phong trào đấu tranh của ÐQTD rất dễ tập hợp lực lượng".

Còn rất nhiều những chiến công của biết bao các bà, các dì, các má từng tham gia ÐQTD chúng tôi không thể kể hết. Gần 50 năm sau Ngày Bến Tre Ðồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2009) các má vẫn vẹn nguyên tấm lòng với Ðảng, cho dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Má Nguyễn Thị Thử (người đánh tiếng mõ đầu tiên trong phong trào Ðồng khởi Bến Tre và là thành viên ÐQTD) hiện đang ở xã Ðịnh Thủy, huyện Mỏ Cày, đã bước sang tuổi 93. Má vẫn nhớ 32 cán bộ hoạt động cách mạng từng được má đào hai căn hầm bí mật (một ở phía dưới bàn thờ, một ở dưới gầm bếp) nuôi giấu. Trong danh sách má đọc cho con, cháu của má ghi lại có tên đồng chí  Nguyễn Thị Ðịnh (nguyên: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam...). Hằng năm, cứ đến ngày 17-1, Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre tổ chức gặp mặt truyền thống các má từng tham gia ÐQTD. Má Sáu Trí nói: Vào những dịp lễ, Tết, các má cũng thường kể chuyện cho con cháu trong nhà nghe về những ngày gian khổ cùng ÐQTD đi đấu tranh và nhiều cán bộ cách mạng phải cải trang, đêm đêm đi vào vùng tề, vùng ngụy hoạt động nhiều lần bị địch phục kích. Các má thoát chết nhờ  tấm lòng và sự cưu mang giúp đỡ của đồng bào. Má Sáu Trí đã ba lần bị địch phục kích và thoát chết. Má  Sáu Trí nhiều lần nhắc chuyện được  ông Bảy nông dân ở xã Tân Hưng cưu mang cho con cháu nghe và  ước sau giải phóng gặp được người này để tri ân, mà không tìm thấy. Má bảo: Mình muốn kể những câu chuyện này để giáo dục con, cháu "Ăn quả phải nhớ người trồng cây". Các cháu được ăn ngon, mặc đẹp, được cắp sách tới trường thì phải cố mà học, bởi đó là xương máu của bao thế hệ đã đổ xuống để các cháu  có ngày hôm nay.

Má Hai Tổng (tức Lê Thị Phú, ở khu phố 4, phường Phú Khương, TP Bến Tre) từng là Hội trưởng Phụ nữ giải phóng cho rằng: Ðảng và Nhà nước đã có một số chính sách với người có công. Tuy nhiên, cũng chỉ phần nào động viên tinh thần, chứ bù đắp sao nổi những mất mát của nhiều gia đình, những bà mẹ, như má Lan, ở xã Ðại Hòa Lộc (Bình Ðại) có bảy người con là liệt sĩ, hiện má đã mất. Rồi má Ðặng Thị Liễu, phải sống với em gái và các cháu hiện ở xã Ðịnh Thủy, huyện Mỏ Cày để có người trông nom khi trái nắng trở trời. Bởi má đã gần 80 tuổi, đau yếu liên miên, chồng và con đều là liệt sĩ. Mất mát là vậy, nhưng khi gặp chúng tôi, dì Ðặng Thị Tu (em gái má Liễu) nói: "Nhà tôi có sáu đảng viên, nhiều tuổi Ðảng nhất là bà Ba (tức má Liễu) 45 tuổi đảng. Cháu dâu má Nguyễn Thị Thử là chị Lê Kim Truyến, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ðịnh Thủy cho biết: Ngoại em  hiện được hưởng số tiền 600 nghìn đồng/tháng (tiền trợ cấp người cao tuổi và gia đình có công với cách mạng).

Chia tay má Thử, tôi ghé tai hỏi má: Khi nào má thấy vui nhất? Bàn tay khô gầy của má  nắm chặt tay tôi, khuôn mặt má bỗng  ánh lên niềm vui rạng ngời cùng nụ cười móm mém hiền hậu, má bảo: Ðất nước thống nhất là vui nhất  rồi. Bây giờ có điện thắp sáng, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Chả như trước má thắp đèn bằng nhựa cây mù u, khói mù mịt... ".